Bạn đọc viết:

Giá luôn tăng trước lương

(Dân trí) - Trong khi các nhà quản lý kinh tế đau đầu với các chỉ số kinh tế vĩ mô như giá vàng, ngoại tệ, lạm phát, nhập siêu… thì giới bình dân hoa mắt và chóng mặt khi đi chợ bởi tốc độ gia tăng giá của mớ rau, con cá.

Giá luôn tăng trước lương - 1
Người nghèo cảm thấy sức nóng của lạm phát ngay trong bữa ăn gia đình.

Một vài năm gần đây, mỗi khi có thông tin tăng lương tối thiểu không khiến người ta quá phấn khởi như trước nữa. Ngược lại nó làm nặng trĩu thêm nỗi lo của các bà nội trợ bởi lương sang năm mới tăng nhưng giá đã tăng trước rất nhiều.

Sống củi lửa, chết đèn dầu, người nghèo cảm thấy sức nóng của lạm phát ngay trong bữa ăn gia đình. Các chỉ số lạm phát của năm nay đưa ra dù có “đẹp” đến đâu, lương có tăng đến đâu cũng không có mấy ý nghĩa nếu người dân vẫn chưa cảm nhận được ý nghĩa của nó ngay từ những điều nhỏ nhặt đó.

Lạm phát được coi là thứ thuế vô hình đánh trực diện vào túi tiền dân chúng mà giới bình dân là người phải chịu hậu quả nặng nề nhất, bởi những hàng hóa thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày chiếm tỷ lệ lớn trong cái gọi là “rổ hàng hóa” của họ.

Thu nhập bình quân tăng lên sẽ không còn ý nghĩa nếu không dập tắt được đà tăng giá đang manh nha hình thành. Hàng trăm tỷ đồng của quỹ bình ổn giá đã được tung ra, nhưng xin thưa số tiền này chỉ dành cho các doanh nghiệp bán hàng trong siêu thị phục vụ cho những “người tiêu dùng chất lượng cao” bao gồm cao cả về thu nhập. Chợ cóc vỉa hè nơi mà đa số người lao động dường như vẫn đứng ngoài.

Trên báo chí thường nghe thấy những câu hơi cũ và sáo mòn mà nhiều người nói rằng đó là những câu “nói như đúng rồi” kiểu như: quyết liệt không để tăng giá, kiên quyết xử lý những người đầu cơ, mỗi tỉnh lập một đoàn kiểm tra giá cả .v.v. và .v.v. Đây không phải  là các khẩu hiệu như thế này lần đầu mới được đưa ra. Nhưng thực tế chưa thấy phát hiện và xử lý được trường hợp nào đầu cơ hay tăng giá vô lý. Có lẽ chống lạm phát cần những hành động thiết thực hơn chăng?

Tốc độ tăng lương cao hơn tốc độ tăng giá. Một quan chức đã tính toán như vậy để khẳng định ý nghĩa tích cực của việc tăng lương. Tuy nhiên, ông ấy quên mất rằng cách đây hơn hai trăm năm Mác đã chỉ ra vấn đề lương thực tế và lương danh nghĩa. Tức là quan trọng  nhất vẫn là với đồng lương được trả người ta sẽ mua được những gì hơn là được bao nhiêu tiền lương.
 
Nếu chỉ có lương không bao giờ mua được nhà giá rẻ. Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam đã thẳng thắn phát biểu như vậy khi nói về chủ trương xây nhà giá rẻ cho người nghèo mà Bộ của ông đang chủ trì. Mới chỉ có vài trăm căn nhà được xây trong khi người nghèo chưa có nhà gấp nhiều lần con số.

Một chủ trương đúng nhưng không có khả năng thực hiện và thực hiện không đến nơi đến chốn thì không còn ý nghĩa nhiều. Giá luôn tăng trước lương, lương tăng đến mấy cũng không bao giờ mua được nhà. Luẩn quẩn như vậy đến khi nào?!

 Đinh Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm