Tiến tới hôn nhân, không chỉ cần tình yêu mà cần cả kiến thức pháp lý

Khả Vân

(Dân trí) - Bài viết là kiến thức pháp lý rất cơ bản, quan trọng và thực tế mà các bạn trước khi kết hôn cần phải trang bị, hiểu biết và vận dụng khéo léo nhằm đưa ra quyết định cuối cùng của đời mình.

Các bạn đã từng nghe đến câu nói về đời sống hôn nhân rằng "Người ở ngoài muốn bước vào, người ở trong muốn thoát ra" chưa? Ý nghĩa của câu nói này thì chỉ những người đã kết hôn, từng trải nghiệm đời sống hôn nhân rồi mới thực sự hiểu và cảm nhận hết được.

Vậy nên trước khi kết hôn bạn luôn tưởng tượng về đời sống hôn nhân của bạn sẽ rất hạnh phúc, hoàn hảo và tốt đẹp như mơ, nên các bạn quyết định nhảy vào để tìm hạnh phúc và tìm câu trả lời theo thời gian cho chính mình. Nhưng khi nhảy vào rồi có bạn lại không chắc mình đã đúng, cảm thấy chông chênh và thậm chí thừa nhận sai trong đời sống hôn nhân của mình.

Do vậy, với mong muốn giúp các bạn đang yêu nhau và có ý định kết hôn hiểu thêm về pháp lý trong đời sống hôn nhân sau kết hôn, Luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic) chia sẻ một số kiến thức pháp lý thực tế về hôn nhân và gia đình căn bản. Mong rằng ít nhiều giúp các bạn tự tin hơn để đi đến quyết định cuối cùng là nên kết hôn hoặc không và khi nào kết hôn.

Cũng lưu ý rằng kiến thức và kinh nghiệm trước, trong và sau khi kết hôn rất đa dạng, nhiều vô kể không ai giống ai vì mỗi gia đình là một câu chuyện. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết, Luật sư chỉ chia sẻ kiến thức dưới góc độ "pháp lý căn bản cần biết về hôn nhân" mà không đi sâu vào các khía cạnh khác của quan hệ hôn nhân và gia đình của vợ chồng.

Vậy thì các kiến thức pháp luật thực tế về hôn nhân và gia đình mà bạn cần biết là gì? 

Ranh giới là một tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Muốn và có ý định kết hôn với người yêu, vậy thì bạn đã bao giờ trả lời câu hỏi "Mục đích kết hôn của bạn là gì chưa?" Câu hỏi này các bạn phải tự trả lời. Nếu bạn không trả lời được, thì luật sư Vũ Văn Tiến cho rằng, bạn chưa nên kết hôn vội vàng mà hãy tiếp tục làm đẹp và nâng cấp chính mình để tìm đúng người và tìm câu trả lời. Bởi, "một ngôi nhà (house) không phải là một tổ ấm (home) cho đến khi bạn tìm được đúng người để cùng xây một gia đình (family) theo cách của bạn chọn".

Tiến tới hôn nhân, không chỉ cần tình yêu mà cần cả kiến thức pháp lý - 1

Khi bạn đã trả lời được câu hỏi trên và tự tin với người mà bạn yêu và chốt, vậy thì đừng quá quan trọng ngày tốt để cưới là ngày nào? nếu cưới phải làm gì? Mà nên quan tâm đến việc khi nào và làm sao để đăng ký kết hôn. Nhiều bạn nghĩ cưới nhau chỉ cần chọn ngày tốt làm lễ ăn hỏi, cúng tổ tiên, tổ chức cưới, mời ăn uống ra mắt họ hàng/bạn bè hai bên,… và động phòng theo tục lệ tùy vùng miền thì đã là vợ chồng rồi. Nhưng để trở thành vợ chồng hợp pháp thì không phải như vậy.

Những sự kiện để cưới nêu trên chỉ là thói quen và phong tục tập quán của một lễ cưới nhằm công khai sự ràng buộc quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ cho mọi người biết, nhưng chưa được pháp luật công nhận. Theo đó, để được pháp luật Việt Nam công nhận là vợ chồng hợp pháp, thì một nam và một nữ phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kết hôn.

Đăng ký kết hôn là "bút sa gà chết" và là ranh giới của hôn nhân. Nghĩa là nếu hai người thương yêu nhau tự nguyện và đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam quy định "Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên" thì phải dẫn nhau ra UBND xã/phường của một trong hai bên cư trú để đăng ký kết hôn.

Hai bên cùng ký vào một tờ giấy gọi là "Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn" và nộp đủ giấy tờ thủ tục theo yêu cầu, thì khi đó mới được Nhà nước và pháp luật công nhận là vợ chồng và mới gọi là kết hôn hợp pháp. Việc này không ai làm thay bạn được mà bắt buộc bạn phải có mặt trước các cán bộ đăng ký kết hôn để thực hiện.

Lưu ý với các bạn là "không ký thì không cưới". Nghĩa là không đăng ký kết hôn thì không nên tổ chức các sự kiện cưới nêu trên để tránh đám cưới giả, tình thật, một người cưới nhiều người và tránh những tình huống khó đỡ. Còn thời điểm đăng ký kết hôn tốt nhất theo tôi nên trước hoặc đồng thời diễn ra các sự kiện cưới hỏi nêu trên mà không nên tổ chức cưới xong rồi mới đăng ký kết hôn để hạn chế các rủi ro không muốn cho bạn và người thân.

Như vậy, nếu bạn đã quyết định kết hôn, thì phải có sự ràng buộc bằng một tờ giấy đăng ký kết hôn. Mặc dù nó chỉ là một tờ giấy nhưng nó tạo nên một gia đình với trách nhiệm và nghĩa vụ, nên các bạn phải cân nhắc thận trọng và tự tin để quyết định khi nào thì đi ký nó và đừng bao giờ quyết định "cưới mà không ký" nhé.

Luật chỉ quy định về "tình nghĩa vợ chồng", không quy định về "tình yêu lãng mạn"

Ai cũng hiểu xuất phát từ tình yêu, sự lãng mạn thăng hoa mới đi đến quyết định kết hôn và thành một gia đình. Đúng như vậy, nên nhiều bạn đòi hỏi người bạn đời phải duy trì sự lãng mạn trong suốt quá trình chung sống. Tuy nhiên, thực tế thì Luật HNGĐ hoàn toàn không có quy định nào để điều chỉnh về "tình yêu lãng mạn" mà thay vào đó chỉ có quy định về "tình nghĩa vợ chồng". Cụ thể, Điều 19 của Luật HNGĐ quy định:

"Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

  1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình;
  2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác."

Tình nghĩa vợ chồng là sự khác biệt lớn nhất và đầu tiên ngay sau khi kết hôn, nó thực tế, sâu xa, ý nghĩa và trách nhiệm hơn tình yêu lãng mạn. Bạn đồng ý ký vào tờ giấy kết hôn, thì "tình yêu" của các bạn được nâng lên một nấc mới là "tình nghĩa vợ chồng". Điều này ràng buộc các bạn xuyên suốt trong cuộc sống hôn nhân, bởi vì pháp luật đã quy định thì đây là nghĩa vụ và trách nhiệm phải thực hiện một cách bình đẳng, nếu một bên vi phạm thì sẽ xảy ra hậu quả dẫn đến nguy cơ phải ly hôn.

Thực tế theo thời gian sau khi kết hôn, sự lãng mạn của các cặp vợ chồng sẽ dần ít đi và chen lấn vào đó là trách nhiệm, trách nhiệm và trách nhiệm trong quá trình chung sống. Chỉ khi các bạn làm tốt trách nhiệm thì các bạn mới cảm nhận được sự hạnh phúc trong hôn nhân, còn khi bạn không làm tròn trách nhiệm, thì bạn phải chịu đựng và không bao giờ biết được mùi hạnh phúc của hôn nhân. Thật đó, không tin các bạn cứ hỏi bố mẹ, ông bà, bạn bè hoặc bất kỳ ai đã kết hôn sẽ biết. Vì vậy thay vì đòi hỏi sự lãng mạn thì hãy cố gắng duy trì tình nghĩa vợ chồng, còn hãy xem sự lãng mạn như là một món quà ý nghĩa đầy bất ngờ hơn là phải cố tìm kiếm sự lãng mạn từ người bạn đời.

(Còn nữa)