5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu bệnh nhân: Vi phạm pháp luật và lời thề y đức?

Khả Vân

(Dân trí) - Việc cấp cứu người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu có những hành vi từ chối, yêu cầu đóng tiền mới được cấp cứu là vi phạm pháp luật, vi phạm lời thề y đức!

Như Dân trí đã thông tin, đêm 13/8, ông N.D. (trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị bệnh nặng nên được người thân đưa đi cấp cứu; nhưng gia đình đưa qua 5 bệnh viện, cơ sở y tế đều không được tiếp nhận với nhiều lý do khác nhau.

Đến rạng sáng 14/8, người thân buộc phải đưa ông D. trở về phòng trọ. Sau đó vài giờ thì ông D. tử vong.

Chiều 15/8, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã chủ trì cuộc họp khẩn đối với các cơ sở y tế liên quan đến việc này.  UBND TP Dĩ An cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế này phải chấn chỉnh ngay việc tiếp nhận bệnh nhân, không để sự việc như vừa qua tái diễn. 

Ông Bảy cho biết đã giao cơ quan công an điều tra phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành xác minh, điều tra nguyên nhân. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức liên quan. Kết quả xử lý riêng từng đơn vị trong vụ việc phải chờ thêm kết luận từ Thanh tra Sở Y tế và cơ quan công an điều tra.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế làm rõ sự việc trên; nếu có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu bệnh nhân: Vi phạm pháp luật và lời thề y đức? - 1

TP Dĩ An họp khẩn để làm rõ vụ người đàn ông bị nhiều nơi từ chối cấp cứu (Ảnh: K.D).

Gửi về Dân trí ý kiến cá nhân, một bạn đọc băn khoăn: "Hành động từ chối bệnh nhân cấp cứu này có đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp của ngành y không thưa các vị? 5 bệnh viện từ chối cấp cứu để cho bệnh nhân về nhà chờ chết? Lời thề Hippocrates các vị quên rồi à? Kính mong các cấp chính quyền xử lý nghiêm những lãnh đạo bệnh viện không có y đức. Các bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch vô cùng vất vả, họ đáng được kính trọng. Vậy nên không thể để hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh thế này".

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh quy định, nghiêm cấm cơ sở khám chữa bệnh từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh (khoản 1, điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh).

Thêm nữa, tại Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, ban hành kèm theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT, ngày 21/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định: Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc là nhiệm vụ hết sức quan trọng, các đơn vị cấp cứu 115, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc kịp thời trong mọi trường hợp. Tất cả các trường hợp cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc các cán bộ y tế phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên, không được gây khó khăn về thủ tục hành chính, không được đùn đẩy người bệnh, người bị nạn.

Với các quy định trên đây, pháp luật Việt Nam hiện tại khẳng định việc cấp cứu người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đã là người bệnh cấp cứu thì xe cấp cứu có nhiệm vụ phải đưa người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh.

Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì người bệnh sẽ được ưu tiên cấp cứu mà không phải làm thủ tục hành chính, không phải đóng tạm ứng tiền viện phí trước khi được cấp cứu. Tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cũng như quy định của ngành y tế, hoàn toàn không có quy định nào đòi hỏi bệnh nhân phải làm thủ tục giấy tờ, trình BHYT hay đóng viện phí xong mới được cấp cứu.

Nếu có những hành vi từ chối cấp cứu, yêu cầu đóng tiền mới được cấp cứu thì đó là hành động vi phạm pháp luật, vi phạm lời thề y đức.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc sau khi cấp cứu xong người bệnh không phải đóng tiền viện phí, chi phí thuốc, thiết bị y tế cho cở sở khám chữa bệnh. Họ vẫn có trách nhiệm phải đóng các khoản phí này. Trường hợp người bệnh không có khả năng tài chính thì cơ sở khám chữa bệnh phải gánh chịu hoặc các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện sẽ chi trả.

Ngoài ra cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết.

Trong trường hợp này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác (Điều 52 Luật khám bệnh, chữa bệnh).

Các lỗi vi phạm như: Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điều 38, Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Luật sư Lực cho rằng, quan hệ giữa người bệnh và người chữa bệnh là mối quan hệ đặc biệt, đây là quan hệ giữa một người lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo và một người có chuyên môn, kiến thức chuyên ngành có thể giải quyết được hoàn cảnh đó. Quan hệ này đòi hỏi người chữa bệnh phải đề cao y đức, tôn trọng pháp luật, tôn trọng bệnh nhân. Người bệnh cũng phải tôn trọng, ứng xử chuẩn mực đạo đức với người chữa bệnh. Quan hệ này muốn tốt đẹp, đạt hiệu quả khám chữa bệnh luôn cần tính chuẩn mực, có tính xây dựng từ hai phía.