Thuê thám tử theo dõi chồng ngoại tình, vợ có phạm luật?
(Dân trí) - Chồng ngoại tình nên tôi đã thuê thám tử theo dõi để có bằng chứng làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, khi tôi và thám tử gặp để nhận kết quả thì chồng tôi phát hiện và dọa kiện.
Chồng tôi cho biết, cả tôi và thám tử đều đang vi phạm pháp luật vì xâm phạm đời tư của anh ta. Vậy việc làm của tôi có đúng không? Bằng chứng anh ta ngoại tình mà thám tử thu thập được có thể làm căn cứ để tôi ly hôn được không?
Trả lời:
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc bạn thuê thám tử là sai vì pháp luật hiện hành chưa công nhận dịch vụ thám tử tư. Do vậy trường hợp của bạn, cả thám tử và người thuê đều có thể phạm luật.
Cụ thể, ngày 01/07/2015, Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, trong số ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh không có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thám tử tư. Tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg, dịch vụ điều tra cũng được quy định là một ngành trong Hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 2015, Chính phủ "treo lệnh cấm" đối với dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa có quy định thống nhất về dịch vụ thám tử tư. Khi chưa có quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất về vấn đề này, thì dịch vụ thám tử tư vẫn chưa thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Cả thám tử và người thuê đều có thể phạm luật
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.
Cụ thể, về xử phạt trách nhiệm hành chính:
Việc dùng những thông tin thu thập được từ hoạt động thám tử mà xâm phạm bí mật đời tư, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với những hành vi "Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
Về trách nhiệm hình sự:
Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm hành vi vi phạm pháp luật, hoặc mức độ vi phạm đủ cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu có các tình tiết tăng nặng hoàn toàn có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt hoàn toàn có thể từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, nếu cố tình phát tán thông tin lên mạng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng, cụ thể tại điểm d, Điều 8:
"Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".