Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Phụ huynh cần dạy con cách chọn đồ ăn
(Dân trí) - Thực phẩm bẩn tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ bủa vây xung quanh trường học, nhưng dường như đang thiếu vắng sự quản lý sát sao của ngành chức năng và ban giám hiệu các trường.
Ngày 3/1, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, đại diện ngành y tế cho biết năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong.
Theo số liệu mới nhất, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, riêng trong tháng 3, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm; riêng vụ ngộ độc trên địa bàn thành phố Nha Trang tại quán cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu), khiến 369 người nhập viện điều trị, kiểm tra sức khỏe.
Điều khiến nhiều người xót xa hơn cả là có rất nhiều học sinh là nạn nhân của các vụ ngộ độc.
Ngày 31/3, 10 học sinh ở Nha Trang, Khánh Hòa nhập viện điều trị ngộ độc, nghi do ăn cơm gà được bày bán ở vỉa hè, trước cổng trường.
Ngày 5/4, 28 học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang phải nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm; một nữ học sinh tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu. Qua nắm bắt thông tin ban đầu, các cháu có ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và người bán hàng rong.
Hay tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 4/4 nhiều học sinh trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn kẹo có chữ nước ngoài mua từ một cửa hàng tạp hóa gần cổng trường học.
Độc giả chắc cũng chưa thể quên vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang khiến 600 học sinh nhập viện, một em tử vong sau bữa ăn bán trú có các món cơm gà, gỏi gà, cánh gà chiên, súp canh gà. Vụ việc được Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận điều tra, sau đó khởi tố vụ án. Sau hơn một năm, vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hàng quán quanh trường nhưng không dẹp nổi?
Thực phẩm bẩn tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ bủa vây xung quanh các trường học, đầu độc cả sức khỏe và tinh thần của trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước - nhưng dường như đang thiếu vắng sự quản lý sát sao của các ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường học cũng được nhắc tới về việc nhắc nhở học sinh cũng như báo cho cơ quan chức năng về hàng quán kinh doanh không phép trước cổng trường.
Bình luận về vấn đề này, độc giả Hải Long cho rằng, phải chăng không dẹp nổi là do lợi ích nhóm quá lớn? "Ngay cả trong căn tin trường học còn bán hàng hết date (hạn sử dụng) vài tháng, con tôi mua đồ ăn tại đó nhưng chưa kịp ăn nên bỏ vào ba lô mang về nhà. Tối kiểm tra cặp sách của con tôi mới phát hiện ra, sau đó đã báo cô giáo chủ nhiệm và lãnh đạo trường nhưng rồi sự việc bị lơ đi không ai phản hồi".
Độc giả Hoàng Hà tiếp lời: "Tạp hóa quanh cổng trường thì bán hàng hết hạn đầy ra. Người nào mua để ý thì trả lại, còn tội nhất là người già và trẻ em mua chẳng nhìn date nên cứ thế mà dùng".
"Các cô chú ở quê em rất tự hào khi được bán ở cổng trường, không cần mặt bằng, không giấy phép kinh doanh, chỉ cần một cái ghế với cái bàn là bán vô tư. Cô chú ấy nói, nếu công an rượt thì chỉ mất cái bàn, mất vài ly súp, vài hộp cơm. Bán hàng ở đây thích vì vốn ít, bán rẻ, khách mua nhiều", độc giả Duy Đạt kể.
Độc giả Trần Ngọc chia sẻ, các bậc phụ huynh nên bớt chút thời gian nấu ăn sáng ở nhà cho các cháu, như vậy sẽ giảm nguy cơ ngộ độc tập thể: "Phụ huynh phải hiểu rằng những người bán hàng rong thì chắc chắn điều kiện vệ sinh khó có thể đảm bảo. Đó là chưa kể đến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của họ cũng chẳng được tập huấn bao giờ, thì đồ ăn họ nấu ra bán an toàn sao được.
Nên phụ huynh cố gắng cho con ăn ở những nơi đảm bảo hoặc chịu khó nấu ăn cho con là an toàn nhất".
Độc giả Minh Lê đồng quan điểm khi cho rằng các hàng quán bình dân bán lề đường giá rẻ thì không thể đòi hỏi ngon, sạch sẽ và ATTP được.
Độc giả Lê Hữu Long đề xuất, các cơ quan chức năng nên vào cuộc quyết liệt mạnh mẽ điều tra và truy tố các quán hàng ăn vì lợi ích coi thường tính mạng con người. "Cơ quan an toàn thực phẩm thiếu trách nhiệm không kiểm tra kiểm soát được những hàng quán ăn trước cổng trường. Trách nhiệm này có phần chủ quan lơ là của hiệu trưởng cũng như BGH nhà trường về nhắc nhở học sinh cũng như báo cho cơ quan chức năng về hàng quán kinh doanh không phép trước cổng trường, nên để sự việc đau lòng xảy ra".
Dạy con cách lựa chọn thực phẩm
Sau một loạt vụ ngộ độc thực phẩm, trong một nhóm diễn đàn của các phụ huynh, nhiều người đã chia sẻ quan điểm: Trước khi trông chờ vào cơ quan chức năng, phụ huynh cần phải dạy con mình cách lựa chọn. "Con tôi từ lớp 3 ăn gì, uống gì đều coi hạn sử dụng, đồ không nhãn mác, có chữ lạ thì không mua", một tài khoản viết.
Một phụ huynh khác tiếp lời: "Dạ đúng, con mình từ khi biết đọc đã dạy xem hạn sử dụng, kiểm tra sản phẩm xem tuổi của con đã dùng được chưa (nhiều loại thực phẩm, đồ uống khuyến cáo độ tuổi được phép sử dụng) nhưng không phải gia đình nào cũng đủ quan tâm dạy con những điều như vậy. Và không phải đứa trẻ nào khi thấy thứ chúng thích cũng nhớ lời cha mẹ dạy! Nên cần lắm lương tâm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục!".
Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: "Chủ yếu là ở con mình thôi các bố mẹ ơi, chứ hàng quán gần trường không bán thì tụi nhỏ cũng mua ở chỗ khác mang đến à. Nên chỉ có con mới tự bảo vệ được con thôi. Ai cũng trách móc người bán trong khi sức khỏe là của chính con mình, mình phải dạy con trước".
"Mình rất kỹ tính nên sáng nào cũng dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho con ăn tại nhà, nấu nước sôi để nguội mang theo. Bánh và sữa ăn giữa buổi cũng tự tay chọn bỏ cặp mang theo, nói không với nước ngọt các loại, chỉ tự vắt cam xay sinh tố các loại cho uống hoặc mua nước dừa nguyên quả thôi"…
Tình trạng hàng bán rong trước cổng trường là khá phổ biến không chỉ ở thành phố, mà ở hầu hết những nơi có trường học. Vào mùa nóng bức, nguy cơ bị nhiễm trùng qua đồ ăn, nước giải khát chế biến không bảo đảm vệ sinh là rất lớn.
Vì vậy, mọi gia đình cũng như nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục, nhắc nhở các em không ăn quà vặt, nước giải khát tại các hàng bán rong trước cổng trường. Các bậc cha mẹ không cho con tiền tiêu vặt cũng là biện pháp phòng chống cần thiết để con em mình không bị nhiễm khuẩn qua đồ ăn thức uống không bảo đảm vệ sinh.