Thừa Thiên Huế: Heo không vào lò mổ tập trung vẫn có dấu thú y?
(Dân trí) - Dù tốn kinh phí nhà nước và người dân để xây dựng lò mổ tập trung theo chỉ thị của tỉnh, nhưng đến nay lò mổ tập trung Chân Mây bao gồm 4 xã, thị trấn Lộc Thủy - Lộc Vĩnh - Lộc Tiến - Lăng Cô ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế sắp có nguy cơ đóng cửa vì nhiều nguyên nhân.
Lò mổ 4 xã có nguy cơ đóng cửa vì heo vào mổ quá ít
Theo phản ánh của chủ lò mổ tập trung Chân Mây - ông Nguyễn Thạch (SN 1957, trú xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc), thực hiện chỉ thị của tỉnh về việc xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung để kiểm soát tình hình dịch bệnh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, ông Thạch cùng 3 người dân đã xoay sở, vay mượn kinh phí đứng ra thi công.
Từ tháng 9/2014 lò mổ tập trung Chân Mây của 4 địa phương ở huyện Phú Lộc là xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến, xã Lộc Vĩnh, Thị trấn Lăng Cô hoàn thành đi vào hoạt động đặt ở xã Lộc Tiến. Lò mổ với diện tích hơn 200m2, tổng kinh phí xây dựng 620 triệu đồng từ ông Thạch và 3 người dân khác là Nguyễn Thị Khắp, Phan Thị Hồng, Huỳnh Thị Bé. Riêng kinh phí điện nước mặt bằng khoảng gần 300 triệu đồng do nhà nước đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi làm lò mổ ra, các hộ giết mổ của các xã lại không đưa gia súc về lò mổ tập trung này. Ước tính mỗi ngày lò mổ tiếp nhận chừng 100 con heo của 4 xã, thị trấn. Nhưng thực tế từ đó đến nay, chỉ có xã Lộc Tiến là đưa heo vào lò mổ trung bình hơn chục con heo/ngày. Còn 2 xã Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô thì không đưa heo tới, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra đến thì đối phó bằng cách đem vài con heo lên lò mổ lấy lệ.
“Việc đầu tư xong theo chỉ thị nhà nước nhưng không ai đến mổ đã và đang gây thiệt hại lớn cho bà con chúng tôi. Kinh phí để duy trì chạy lò, thuê bảo vệ, tiền lãi vay mượn để có tiền góp làm lò mổ… tính ra mỗi tháng chúng tôi lỗ khá nhiều. Dù đã gửi đơn trình lên các ban ngành đến lần thứ 6 nhưng cấp trên vẫn không quan tâm giải quyết thấu đáo cho chúng tôi. Nếu tình trạng này cứ như vậy, e chúng tôi phải đóng cửa lò mổ. Tiền đầu tư chúng tôi chưa thu được đồng nào nhưng hiện phải trả lãi hàng tháng rất đau khổ” – ông Thạch chua xót tâm sự.
Dù đã có một số cuộc họp của Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, trạm Chăn nuôi Thú y huyện Phú Lộc về việc các hộ phải về lò mổ tập trung Chân Mây để giết mổ; cho đến chỉ thị của huyện gửi đến UBND 3 xã và thị trấn Lăng Cô nhưng vẫn không có hộ nào về mổ tại đây.
Heo không vào lò mổ tập trung vẫn có dấu thú y?
Đặc biệt theo phản ánh của ông Thạch và dư luận, các xã thị trấn nếu không đưa heo vào lò mổ tập trung Chân Mây ở xã Lộc Tiến mà tự ý mổ tại nhà hay mổ ở địa phương, theo quy định sẽ không được thú ý huyện đóng dấu đưa ra thị trường. Tuy nhiên rất nhiều heo không biết cách gì vẫn được đóng dấu, lưu hành ra ngoài hàng ngày.
Trao đổi vấn đề này với PV, ông Trần Huân, Trạm trưởng Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Lộc trả lời, ông mới nghe vấn đề này. Thú y huyện sẽ ghi nhận, xem xét, chấn chỉnh nếu phát hiện có cán bộ làm trái.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, “Tình trạng các xã, thị trấn không đưa heo về lò mổ tập trung Chân Mây chúng tôi đã biết. Hiện có một số hộ không chấp hành đã gây khó khăn cho người đầu tư lò mổ. Ngành đang rất quan tâm đến vấn đề này, sắp tới sẽ có một số biện pháp để giúp lò mổ tập trung”.
Riêng vấn đề có hay không chuyện cán bộ thú y huyện Phú Lộc đi đóng dấu heo không vào lò mổ tập trung để đưa ra thị trường hợp lệ? ông Hưng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện, nếu ai sai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đại Dương