Bài 31:

Thủ phạm "bức tử" sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt!

Ngọc Hân

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí đăng tải 30 kỳ báo phản ánh sông Cầu đang "giãy chết", hàng loạt doanh nghiệp sai phạm bị yêu cầu tháo dỡ nhưng vẫn chây ỳ. Luật sư cho rằng chính quyền cần khẩn trương cưỡng chế.

Chính quyền quyết liệt, doanh nghiệp sai phạm chây ỳ

Mới đây nhất, ngày 9/9, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã có công văn chỉ đạo yêu cầu dỡ toàn bộ công trình vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê và rác thải rắn tồn đọng tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, TP Bắc Ninh.

Công văn cho biết: Nhiều năm nay, việc lấn chiếm đất hành lang đê Ngũ Huyện Khê diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nhà ở trái phép xây dựng, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng đất hành lang đê… đặc biệt tại khu vực Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt! - 1
Thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt! - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã quá thời hạn Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu nhưng hàng loạt doanh nghiệp sai phạm vẫn chây ỳ không tháo dỡ.

Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh và UBND huyện Tiên Du chủ trì, phối hợp với các Sở NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường:

Tiến hành cắm mốc hành lang đê cho tất cả các cơ sở sản xuất dọc hai bên hành lang đê Ngũ Huyện Khê, xong trước ngày 20/9/2021.

Báo cáo danh sách các cơ sở sản xuất trên với Chủ tịch UBND tỉnh, trước ngày 15/9/2021.

Yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất vi phạm hành lang đê phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, xong trước ngày 30/9/2021.

Sau ngày 30/9/2021, cơ sở sản xuất nào không thực hiện tháo dỡ xong toàn bộ công trình vi phạm thì Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử phạt hoặc trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trong đó có áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động.

Báo cáo kết quả tháo dỡ của các cơ sở sản xuất vi phạm trên với Chủ tịch UBND tỉnh, xong trước ngày 2/10/2021.

Thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt! - 3

Cụm công nghiệp Phú Lâm, một trong những thủ phạm "bức tử" sông Cầu.

Qua trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, đến thời điểm hiện tại, 80% các cơ sở vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê trên địa bàn huyện đã tự tháo dỡ xong.

Tuy nhiên, đã quá thời hạn Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu nhưng hàng loạt doanh nghiệp sai phạm ở CCN Phú Lâm (huyện Tiên Du) và tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) vẫn chây ỳ không tháo dỡ. 

Trước thực trạng thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ không tháo dỡ, dư luận đặt câu hỏi: Chính quyền cần làm gì? Phải thực hiện các quy trình cưỡng chế ra sao? Xử phạt hành chính thế nào và nếu những cơ sở này vẫn cố tình sản xuất gây ô nhiễm thì có thể chuyển công an xử lý hình sự không?

Tổ chức cưỡng chế ngay!

Đó là quan điểm của Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Luật sư Lực cho rằng: Các hộ sản xuất, cá nhân lấn chiếm đê điều xả thải gây ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) và cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) đã diễn ra nhiều năm. Hậu quả đến nay ai cũng thấy rõ sự nguy hại của chất lượng nước đe dọa môi trường sống an toàn tối thiểu của người dân.

Thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt! - 4

UBND TP Bắc Ninh "điểm mặt" 97 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trên đất bất hợp pháp để đề xuất UBND tỉnh yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.

UBND tỉnh Bắc Ninh và các ban ngành chức năng có liên quan đã có nhiều biện pháp xử lý trong thời gian gần đây. Tuy vậy thực trạng ô nhiễm môi trường, thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều diễn ra như hiện nay còn có phần lỗi do buông lỏng quản lý, thậm chí là đồng lõa, thỏa hiệp với hành vi vi phạm của người dân từ cơ quan hành chính các cấp từ cấp xã, đến huyện.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, để người dân vi phạm tâm phục, khẩu phục, đồng lòng nhất trí với việc tháo dỡ, khắc phục vi phạm thiết nghĩ UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức quản lý tại địa phương; từ đó có những quyết định xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm khắc.

Với thực trạng chây ỳ của các cơ sở kinh doanh sai phạm, Luật sư Lực cho rằng cơ quan chức năng có thể áp dụng Nghị định số 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều để xử lý.

Theo đó đối với hành vi: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm theo điểm b, khoản 6 điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.

Thủ phạm bức tử sông Cầu chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế quyết liệt! - 5

Dòng sông Cầu thơ mộng đang "giãy chết".

Sau khi UBND huyện Tiên Du, UBND thành phố Bắc Ninh ban hành các quyết định xử phạt hành chính như trên mà các cá nhân có vi phạm không chấp hành thì cần áp dụng Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.

UBND huyện Tiên Du, UBND thành phố Bắc Ninh ban hành các Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ theo điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Sau đó căn cứ điều 34, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP để tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cơ quan chức năng đã thực hiện xong việc cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà các cá nhân vẫn còn tái diễn hành động xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều dẫn tới hậu quả gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì các cơ quan chức năng có thể xem xét xử hình sự theo điều 238 Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.

Chủ tịch TP Bắc Ninh chỉ rõ 97 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trên đất bất hợp pháp

UBND TP Bắc Ninh đã có công văn số 1289/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại phường Phong Khê.

Theo đó, thực hiện thông báo của UBND tỉnh Bắc Ninh về kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tại buổi làm việc xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, UBND TP Bắc Ninh đã chỉ đạo rà soát, lập biên bản đối với các cơ sở sản xuất giấy xây dựng nhà xưởng trên đất có nguồn gốc không hợp pháp tại phường này.

Cụ thể: Tổng số cơ sở sản xuất giấy vi phạm là 97 cơ sở (100% diện tích đất là không hợp pháp). Trong đó, xây dựng trên đất nông nghiệp có 63 cơ sở; Xây dựng trên đất thủy lợi có 21 cơ sở; Xây dựng trên đất sản xuất, kinh doanh và đất thủy lợi có 7 cơ sở; Xây dựng trên đất hành lang cây xanh có 6 cơ sở.

Danh sách cụ thể 97 cơ sở vi phạm được UBND TP Bắc Ninh báo cáo chi tiết gửi UBND tỉnh Bắc Ninh như: Công ty TNHH giấy Trường Phú, Công ty CP SXTM giấy Paper Việt Nam - 2, Công ty TNHH Mỹ Hương sơ sở 1, Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yến, Công ty TNHH sản xuất giấy Hưng Thịnh Bắc Ninh, Công ty TNHH SXKD giấy Nhật Minh…

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn chỉ đạo yêu cầu dỡ toàn bộ công trình vi phạm hành lang đê Ngũ Huyện Khê và rác thải rắn tồn đọng tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, TP Bắc Ninh.