Thông tư 20 và vấn đề sống còn của doanh nghiệp
(Dân trí) - Liên quan đến nội dung Thông tư 20/2011/TT-BTC có qui định: Doanh nghiệp được ủy quyền đại lý, nhà phân phối chính thức mới được nhập khẩu, kinh doanh ô tô mới 9 chỗ ngồi trở xuống đang gây nhiều dư luận khác nhau về việc giữ lại hay bãi bỏ Thông tư này. Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội) đưa ra một số phân tích dưới góc độ pháp luật nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Tôi được biết, hiện có rất nhiều đơn như Vụ hợp tác quốc tế Bộ tài chính, thương mại và công nghiệp Việt Nam, các Doanh nghiệp nhỏ đều lên tiếng bãi bỏ Thông tư này vì các lý do thực tế, xét về góc độ cạnh tranh bình đẳng, Thông tư 20 có phần làm hạn chế khả năng thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ; vi phạm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, giảm cạnh tranh thị trường và chỉ bảo vệ lợi ích cho các DN lớn…
Tìm hiểu lại các qui định của Thông tư 20 của Bộ Công thương cho thấy, kể từ ngày 26/6/2011, các thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định liên quan có hiệu lực tại thời điểm đó sẽ phải nộp bổ sung những 2 nhóm giấy tờ quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật; Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Chính hai điểm này của thông tư 20 đã tạo ra những ý kiến trái chiều nhau khá gay gắt, được ví là “cuộc đối đầu của hai nhóm lợi ích”, giữa bên được coi hưởng lợi là các nhà sản xuất, nhập khẩu ôtô nước ngoài chuyên nghiệp và một bên là các nhà nhập khẩu ôtô tư nhân trong nước đang bị yếu thế trong hoạt động này.
Nhìn dưới góc độ pháp luật, có một số điểm thuận lợi nếu có Thông tư 20 liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước như giá xe được niêm yết rõ ràng, khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và hoá đơn đầy đủ. Trong khi đó, Nhà nước quản lý tốt hơn, hạn chế thất thoát thuế. Còn với doanh nghiệp, các xe hiện đại cần rất nhiều thiết bị dụng cụ hỗ trợ, bảo hành sửa chữa, mà chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng mới làm đủ tiêu chuẩn.
Về pháp lý có thể coi đây không đơn thuần là một thủ tục hành chính mà tương tự như điều kiện kinh doanh vì theo Thông tư 20 phải có ủy quyền chính hãng. Bên cạnh đó, các ý kiến đưa ra gồm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hay an toàn thì các yếu tố này không hợp lý.
Về bản chất Thông tư 20 là một loại điều kiện đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là thủ tục hành chính vì chủ thể bị áp đặt điều kiện là doanh nghiệp, là thương nhân chứ không phải là hàng hoá.
Theo đó, chỉ có một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện (có giấy uỷ quyền chính hãng) thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô còn chủ thế khác thì không và điều kiện có giấy uỷ quyền chính hãng này tác động trực tiếp tới thương quyền, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, khác với thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm hay thủ tục về xác nhận xuất xứ.
Bản chất có hay không giấy chứng nhận uỷ quyền chính hãng sẽ quyết định hành vi đầu tư hay kinh doanh nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống của doanh nghiệp. Khác với các điều kiện đầu tư kinh doanh khác, có chăng ở đây việc chứng minh quyền kinh doanh với doanh nghiệp được Nhà nước trao cho hãng sản xuất ô tô.
Theo qui định của pháp luật, có nhiều loại điều kiện đầu tư, kinh doanh khác nhau, có loại điều kiện đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi cấp phép hoặc phải đáp ứng sau khi đã đi vào hoạt động. Giấy uỷ quyền chính hãng này là loại điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng sau.
Thực tế, khái niệm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư đã ghi: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện…”.
Danh mục ngành nghề này được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư và chỉ cấp Nghị định của Chính phủ trở lên trở lên mới được phép ban hành. Như vậy, hoạt động kinh doanh ô tô hay nhập khẩu ô tô không nằm trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải hết hiệu lực từ 1/7/2016. Theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.".
Mặt khác, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.”
Cùng với đó, việc duy trì đại lý uỷ quyền cũng là một hình thức độc quyền. Như vậy, sẽ không phù hợp với việc cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi ký kết các hiệp định FTA, các xe nhập vào Việt Nam rất đa dạng. Vì vậy, nên coi xe ô tô là một hàng hóa thông thường, chứ không phải là xa xỉ phẩm để khống chế, dẫn đến tình trạng người dân không có nhiều cơ hội lựa chọn ô tô phù hợp với nhu cầu của mình.
Tóm lại, để bãi bỏ hay giữ lại Thông tư 20 của Bộ tài chính, cần được xem xét đối chiếu kỹ càng những nội dung của Thông tư 20 có phù hợp với các quy định trong Luật liên quan hay không: cụ thể là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế khác trong các Hiệp định thương mại để từ đó mới có lộ trình pháp lý và xây dựng các qui phạm pháp luật phù hợp để điều chỉnh, cân đối phù hợp với tình hình kinh tế nói chung của nước ta trong giai đoạn hội nhập.
Luật sư Trương Anh Tú