"Thi tuyển chức danh lãnh đạo là cần thiết, nhưng kỳ thi phải minh bạch"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Đồng ý rằng thi tuyển các chức danh là cần thiết, song sự công bằng và minh bạch của kỳ thi cũng là điều hết sức quan trọng, cần được các cơ quan có thẩm quyền lưu tâm".

Như Dân trí thông tin, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển đối với các vị trí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Khoa học và Công nghệ. Đây là lần đầu tiên TPHCM thi tuyển lãnh đạo sở, song trên phạm vi toàn quốc, đây không phải kỳ thi đầu tiên. 

Năm 2012, Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển 2 chức danh là Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Còn vào năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng tổ chức thi tuyển vị trí Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ và Vụ trưởng Vụ Vận tải. 

Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý trong bộ máy các cơ quan Nhà nước nhận được sự ủng hộ lớn. Đây được kỳ vọng sẽ là bước đột phá để tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quy trình bổ nhiệm các chức danh quản lý. 

Thi tuyển chức danh lãnh đạo là cần thiết, nhưng kỳ thi phải minh bạch - 1

Trụ sở UBND TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long).

Chị Hà Thị Liên viết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng và minh bạch hơn trong quy trình bổ nhiệm". 

"Cách thi tuyển vị trí lãnh đạo có lẽ là phương pháp phù hợp, dân chủ, công bằng nhất, tránh được tình huống đề bạt, cử, ký cho nhau đi làm lãnh đạo", anh Hùng Lê Nguyễn Quang tiếp lời. 

"Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cần được áp dụng rộng rãi hơn nữa. Điều này sẽ giúp loại bỏ tình trạng bổ nhiệm theo mối quan hệ và nâng cao chất lượng lãnh đạo", chị Đinh Thúy Quỳnh bình luận. 

Dù được số đông ủng hộ song cách làm này vẫn khiến một số độc giả băn khoăn, đặc biệt về cách thức tổ chức và tính minh bạch của kỳ thi. Theo chị Đặng Thúy Quỳnh, việc thi tuyển này là một cách làm mới, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, về chất lượng kỳ thi, độc giả này cho rằng cần có thêm các biện pháp để đảm bảo toàn bộ quá trình thi tuyển đảm bảo được tính minh bạch và sự công bằng. 

Chung quan điểm, người dùng Lê Thị Bích viết: "Đồng ý rằng thi tuyển các chức danh là cần thiết, song sự công bằng và minh bạch của kỳ thi cũng là điều hết sức quan trọng, cần được các cơ quan có thẩm quyền lưu tâm". 

Cũng đưa ra gợi ý về cách tổ chức kỳ thi, độc giả Tran Quy Ba viết: "Theo tôi nên tổ chức kỳ thi tuyển chọn ở 3 cấp gồm cấp tỉnh, cấp khu vực (theo miền) và cấp quốc gia. Thời gian tổ chức kỳ thi nên theo chu kỳ 10 năm/lần, đối tượng được dự tuyển cần đáp ứng trình độ học vấn tối thiểu bậc đại học, độ tuổi từ 27 đến 55 và ưu tiên thí sinh là đảng viên. 

Về cách thức sàng lọc, kỳ thi cấp tỉnh sẽ được tổ chức đầu tiên, lựa chọn những thí sinh thuộc top 1 để tham gia kỳ thi cấp vùng. Những thí sinh thuộc top 2, chưa đủ điều kiện dự thi cấp vùng sẽ đưa đi đào tạo tối thiểu 1 năm sau đó bổ nhiệm vào các chức danh chủ tịch cấp xã, phường, thị trấn. Đối với nhóm dự thi cấp vùng, nếu kết quả thuộc top đầu sẽ tiếp tục dự tuyển kỳ thi quốc gia, những người chưa đủ điều kiện sẽ đưa đi đào tạo tối thiểu 2 năm, sau đó đưa về giữ chức vụ lãnh đạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc phó giám đốc các sở, ngành phù hợp chuyên môn. 

Đối với cấp quốc gia, thí sinh thi đỗ sẽ được đưa vào nhóm đào tạo đặc biệt về cao cấp chính trị và quản lý Nhà nước, sau đó điều động về làm chủ tịch các tỉnh, thành phố hoặc giám đốc các sở, ngành có chuyên môn phù hợp. Nhóm không đỗ sẽ được đào tạo để trở thành chủ tịch các quận, huyện hoặc các sở, ngành có chuyên môn phù hợp".