TPHCM:

Thêm một vụ xông vào nhà dân vây bắt, đập đầu gà một cách khó hiểu

(Dân trí) – Trong khi vụ chặn xe, đập đầu gà khó hiểu ở Trảng Bàng, Tây Ninh chưa lắng xuống thì cách hành xử kỳ quặc này lại xảy ra ở huyện Bình Chánh, TPHCM làm 8 con gà của người dân chết oan uổng.

Công an, kiểm dịch lừa dân đập gà

Báo Dân trí vừa nhận đơn tố cáo của anh Trần Văn Quyền (SN 1972, ngụ B5/1 ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) phản ánh về việc các cán bộ tự ý xông vào nhà anh bắt gà, đập chết rồi mang đi.

Trong đơn anh Quyền cho biết, chiều 14/1/2013, công an khu vực, trưởng ấp, tổ trưởng nơi anh đang cư ngụ và một số nhân viên kiểm dịch (có một người tên Khanh của kiểm dịch huyện Bình Chánh) đã tự ý đột nhập vào nhà anh. Những cán bộ này không xuất trình bất cứ một giấy tờ nào chứng tỏ rằng họ thực hiện công vụ. Không hề giải thích lý do gì cho chủ nhà, những cán bộ này đã bắt 8 con gà đang nuôi trong chuồng đập đầu chết rồi bỏ vào bao tải mang đi.

Sáng 17/1, tiếp xúc với phóng viên Dân trí, vợ anh Quyền còn chưa hết bàng hoàng khi kể về việc kiểm dịch “chớp nhoáng” 8 con gà của các cán bộ. Theo lời gia chủ thì họ nuôi gà trên đất vườn nhà mình. Ở đây, cũng có nhiều hộ dân sống bằng nghề chăn nuôi này. Thế nhưng, chiều 14/1, các cán bộ bất ngờ xuất hiện. Họ không trình lệnh kiểm dịch, mà ra trại gà bắt gà. Sau đó, một cán bộ bảo vợ anh Quyền vào trong nhà lấy bàn ra để mọi người ngồi. Tin lời, chị vợ vào trong nhà lấy bàn thì khi quay ra thấy các cán bộ đang túm lấy gà và đập đầu chết. “Trong trại gà lúc đó có 13 con nhưng họ chỉ bắt được 8 con rồi đập chết. Sau đó, vợ chồng em bắt lại được 2 con, còn 3 con gà hoảng sợ chạy mất. Họ đã lừa em vào nhà để bên ngoài họ giết chết gà”, chị vợ thở dài.
Gia đình anh Quyền bàng hoàng kể lại việc 8 con gà bị đập đầu đến chết
Gia đình anh Quyền bàng hoàng kể lại việc 8 con gà bị đập đầu đến chết

Một lúc sau, anh Quyền về nhà, thấy cán bộ đập gà nhà mình nên lớn tiếng cự cãi thì bị dọa đánh. Trước thái độ cứng rắn của anh Quyền, “đoàn kiểm tra” đã lập 01 biên bản rồi cất luôn mà không giao cho gia chủ một bản. Sau đó, “đoàn kiểm tra” bỏ 8 con gà vào bao tải rồi mang đi trong sự khó hiểu của gia đình anh Quyền.

Bức xúc trước cách thực thi công vụ mập mờ, thiếu minh bạch nên anh Quyền đã làm đơn tố cáo hành vi của các cán bộ này đến chính quyền địa phương.

PV Dân trí đã đến UBND xã Vĩnh Lộc B để xác minh sự việc. Phòng Chủ tịch khóa kín. Ông Võ Trường Thành – Phó Chủ tịch xã cho biết ông phụ trách văn hóa xã hội nên không trả lời được. Còn Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực liên quan đến chăn nuôi gà thì đi vắng. Chúng tôi sang làm việc với công an xã thì Phó trưởng công an xã không thuộc thẩm quyền trả lời báo chí. Người có chức năng tiếp truyền thông là Trưởng công an xã thì đi họp.

Người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường

Trao đổi với Dân trí, luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, nếu mỗi con gà giá trị 300.000 đồng thì 8 con đã là 2,4 triệu đồng. Với giá trị này, người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Thuấn, các cán bộ này đi kiểm tra mà như bạn đọc phản ánh thì là việc làm không chính danh. “Đoàn kiểm tra” đã không báo cho gia chủ, không văn bản chỉ đạo, không giải thích cho người dân hiểu mà tự ý xâm nhập gia cư. Dù có là gà đá đi chăng nữa thì cũng là gia cầm. Luật không có quy định cấm người dân nuôi gà đá. Mà nếu có cấm nuôi gia cầm (gà đá) thì khi kiểm tra, đoàn cũng phải làm đúng quy trình, có thành lập tổ liên ngành, có quyết định… “Nếu phát hiện gà lậu, không kiểm dịch thì lập biên bản tịch thu, tạm giữ để chờ xử lý. Còn đây là hành động kiểu côn đồ, xã hội đen và không khác gì là cướp gà, công nhiêm chiếm đoạt tài sản của dân”, luật sư nói.
Con gà vô tội thoát chết sau một trận càn
Con gà vô tội thoát chết sau một "trận càn"

Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Lập biên bản phải có đầy đủ các thành phần, căn cứ quy định, xét hành vi vi phạm. Biên bản cũng được giao cho người vi phạm rồi hẹn ngày giải quyết. Muốn tiêu hủy gà thì cũng phải lập biên bản, ra quyết định xử lý hành chính và các biện pháp kèm theo như phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy theo quyết định mà người có thẩm quyền chỉ đạo. Ở đây, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền ra quyết định này và giao thú y kiểm dịch, tiêu hủy. “Đoàn “liên ngành” công an, tổ dân phố, thú y đến nhà anh Quyền kiểm tra gà thì cũng phải chờ chủ tịch UBND xã ra quyết định thì mới đem gà đi tiêu hủy được chứ không thể ngang nhiên, đứng trên pháp luật mà hành xử như vậy”, luật sư Thuấn nhấn mạnh.

Trong trường hợp của anh Quyền, người dân có thể khởi kiện về hành vi hành chính của các cán bộ ra tòa buộc bồi thường thiệt hại do hành vi hành chính đó gây ra. Tài sản thiệt hại mà trên 2 triệu đồng thì đủ yếu tố hình sự nên có thể đề nghị cơ quan công an khởi tố hình sự các cán bộ này về tội: “Hủy hoại tài sản”.

Trong diễn biến khác, ngày 4/1/2013, báo Dân trí đăng bài: Khó hiểu việc tổ chức chặn bắt, đập đầu gà ở Trảng Bàng. Bài viết phản ánh việc nhiều người dân chở gà đi ngang qua địa bàn xã Bình Thạnh (Trảng Bàng, Tây Ninh) thì bị cảnh sát giao thông, cảnh sát 113 bắt giữ giao công an xã Bình Thạnh. Công an xã bắt dân ôm gà rồi chụp hình như tội phạm. Sau đó, UBND xã Bình Thạnh tự ý đập đầu gà chết để tiêu hủy. Trước phản ánh của PV, ông Trần Minh Tâm Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Trảng Bàng cho biết sẽ cho kiểm tra và trả lời sớm đến cơ quan ngôn luận. Tuy nhiên, đến nay, đã nửa tháng nhưng chính quyền huyện Trảng Bàng vẫn còn nợ báo chí một lời giải thích rõ ràng như đã hứa.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc hy hữu này đến bạn đọc.

Công Quang