Tây Ninh:

Khó hiểu việc tổ chức chặn bắt, đập đầu gà ở Trảng Bàng

(Dân trí) – Cảnh sát giao thông, lực lượng 113 chặn bắt xe ô tô, dù chỉ phát hiện có một con gà cũng đưa người và tang vật về UBND xã. Không cần biết gà như thế nào, cán bộ xã vẫn cho đập đầu, tiêu hủy.

Có gà là có tội…

Những ngày qua, người dân liên tiếp phản ánh đến Báo Dân trí một sự việc hết sức bất bình và khá hy hữu đang xảy ra tại xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Đó là việc công an giao thông chặn xe, truy tìm… gà. Dù trên xe ô tô chỉ có một con gà cũng bị đưa về trụ sở UBND xã Bình Thạnh. Cán bộ xã buộc người dân phải ôm gà để họ chụp hình, sau đó, tổ chức đập đầu để tiêu hủy mà không cần thời gian kiểm tra, xác định gà đó có đáng bị… chết hay không.
Khó hiểu việc tổ chức chặn bắt, đập đầu gà ở Trảng Bàng
Nhiều người dân gửi đơn đến Dân trí tố cáo việc bắt giữ, tiêu hủy gà có nhiều khuất tất của cán bộ xã Bình Thạnh

Trong đơn gửi đến Dân trí, anh Trần Minh Thái (ngụ P.9, Q.Tân Bình, TPHCM) bức xúc phản ánh, lúc 10h ngày 27/12/2012, anh Thái cùng tài xế đi trên xe ô tô lưu thông trên đường thuộc tỉnh lộ 786 từ ngã tư Hữu Nghị (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) về hướng huyện Đức Huệ (Long An). Khi qua khỏi cầu 5 Tửu (thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) thì bị xe của CSGT chặn lại xét giấy tờ. Sau khi trình các giấy tờ đầy đủ thì CSGT bất ngờ lên kiểm tra xe. Trên xe lúc này có một con gà thịt. Anh Thái nói đang đi đám giỗ ở Củ Chi (TPHCM) nên đem gà về Đức Hòa cho người anh nhưng CSGT áp xe và người, gà về giao công an xã Bình Thạnh giải quyết. Công an xã lập biên bản và bắt anh Thái ôm gà để cán bộ chụp hình bằng điện thoại di động trông giống như những tên ăn trộm gà. Công an giữ anh Thái đến 14h chiều cùng ngày mới cho anh Thái ra về. Con gà bị giữ lại mà không lý do. “Mấy anh công an không cho người lại kiểm dịch mà lập biên bản, tiêu hủy gà. Tôi thật sự thắc mắc không hiểu lý do tại sao tôi không phải tội phạm, không vi phạm giao thông mà bị công an xã Bình Thạnh hành xử như vậy. Họ giữ tôi 4h đồng hồ làm ảnh hưởng đến công việc, thời gian của tôi”, anh Thái bức xúc.

Trường hợp của anh Lê Tấn Phát (SN 1965, ngụ Ô Môn, Cần Thơ) càng khó hiểu hơn khi 3 con gà của anh bị chết một cách oan uổng. Ngày 1/12/2012, anh Phát cũng bị CSGT chặn xe và đưa về UBND xã Bình Thạnh. Ngoài việc bị chụp hình, lập biên bản… 3 con gà của anh Phát bị đập đầu tiêu hủy mà anh không biết nguyên nhân. “Họ nói tiêu hủy gà theo chỉ đạo của trực chỉ huy, tên Hoàng, Phó công an huyện”, anh Phát nói.

Mới đây, ngày 31/12/2012, ông Nguyễn Trúc Phương (SN 1974) và Lê Ngọc Xuyên (SN 1977) cùng ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre đã gửi đơn khiếu nại về việc tiêu hủy gà một cách hết sức vô lý của cán bộ xã Bình Thạnh.

Theo đó, sáng 30/12/2012, ông Phương, Xuyên chở trên xe 10 con gà nòi đi bán thì bị CSGT chặn lại và đưa về trụ sở UBND xã Bình Thạnh. Sau khi lập biên bản, cán bộ xã giữ gà và nói là chờ thú y lại kiểm dịch. Khi kiểm dịch xong nhưng chưa có kết quả thế nào thì Phương, Xuyên và 2 người bạn đi cùng bị bắt ôm gà đứng để cán bộ lấy điện thoại chụp hình. Xong xuôi, cán bộ hẹn những người dân này đến 14h ngày hôm sau đến giải quyết. Ngày 31/12/2012, những người dân này đến công an xã Bình Thạnh nhưng không có ai làm việc. Chờ đến 14h20 thì họ đi ăn cơm. Đến khi quay lại chờ đợi đến 15h30 thì họ “tá hỏa” khi những người dân xung quanh nói là gà đã bị tiêu hủy mà chủ gà không hề được thông báo cũng như chứng kiến.
 
Biên bản họp tiêu hủy không có con dấu, không có chữ ký của người chỉ đạo...
Biên bản họp tiêu hủy không có con dấu, không có chữ ký của người chỉ đạo...
Biên bản họp tiêu hủy không có con dấu, không có chữ ký của người chỉ đạo...

“Chúng tôi rất bức xúc nên làm đơn này. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc tại sao bắt chúng tôi ôm gà để họ chụp hình như tội phạm. Cán bộ hẹn chúng tôi đến giải quyết nhưng khi đến thì không có công an nào làm việc. Gà chúng tôi bị tiêu hủy mà không có sự chứng kiến của chúng tôi. Việc làm này rõ ràng có nhiều khuất tất và không phù hợp với quy định của pháp luật”, anh Phương bức xúc.

“Đập đầu để gà không chạy”

Trước những đơn tố cáo của bạn đọc, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Khi tiếp chúng tôi, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh tỏ ra không nắm được sự việc này. Ông chỉ nói rằng việc bắt người dân ôm gà chụp hình như tội phạm là cách làm chưa phù hợp. Do chưa nắm được cụ thể sự việc nên ông Minh đã có cuộc họp khẩn cấp với các ban ngành của xã ngay trong buổi trưa. Chiều 2/1/2013, ông Minh chỉ đạo cho ông Biện Việt Trung, Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng ban phòng chống dịch cúm gia cầm xã làm việc với chúng tôi.

Tại buổi làm việc, ông Trung tỏ vẻ không thiện chí trả lời các câu hỏi của phóng viên mà chỉ trả lời theo những gì trong đơn phản ánh của bạn đọc và đã được chủ tịch xã thống nhất trước đó. Những câu hỏi phát sinh thì “phải chờ ý kiến chủ tịch”, trong khi ông Minh đã cáo lui vì bận cuộc họp khác bên ngoài.

Ông Trung giải thích rằng việc công an xã chụp hình là để dễ dàng xác định được chủ gà. Việc chụp hình như vậy là đúng pháp luật (!). Việc bắt 10 con gà của ông Phương, Xuyên là vì gà không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch nên phải chỉ đạo xử lý theo Pháp lệnh Thú y. “Chúng tôi lập biên bản và hẹn 14h ngày 31/12 đến giải quyết. Tuy nhiên, 14h50 cùng ngày, người dân không đến nên chúng tôi lập các thủ tục tiêu hủy”, ông Trung nói. Chúng tôi thắc mắc về trường hợp 01 con gà của anh Thái thì không thể gọi là số lượng nhiều, anh Thái cũng chứng minh nguồn gốc… nhưng sao vẫn bị tiêu hủy thì ông Trung nói sẽ hỏi lại chủ tịch thì mới trả lời.
Biên bản họp tiêu hủy không có con dấu, không có chữ ký của người chỉ đạo...
Vị Phó Chủ tịch xã Bình Thạnh không trả lời được việc bắt, tiêu hủy gà có văn bản chỉ đạo của cấp trên hay không

Trong biên bản tạm giữ cũng như biên bản họp tiêu hủy tang vật của UBND xã Bình Thạnh nhưng không hề có con dấu của chính quyền địa phương. Ông Biện Việt Trung với chức danh Phó Chủ tịch xã, kiêm trưởng ban phòng chống dịch cúm, dù có tên trong biên bản họp tiêu hủy nhưng lại không ký tên, đóng dấu vào biên bản này.

Thông thường, khi tiêu hủy gia cầm bệnh thì đào hố, rắc vôi, phun thuốc…trước khi chôn. Nhưng cán bộ xã Bình Thạnh lại có cách tiêu hủy gia cầm một cách lạ lẫm là đập đầu, thiêu đốt. Giải thích về việc này, ông Trung nói: “Tiêu hủy đập đầu gà vì không đập, gà chạy sẽ không xử lý được”.

Chúng tôi thắc mắc là có chỉ đạo của cấp trên hay có văn bản nào cho phép thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (công an, thú y… ) để triển khai việc chặn bắt, tiêu hủy gà hay không thì ông Trung không trả lời được.

Chúng tôi đem những đơn tố cáo của người dân lên gặp lãnh đạo UBND huyện Trảng Bàng. Ông Trần Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện này cho biết lần đầu tiên ông nghe thông tin cán bộ xã thực hiện chặn bắt, tiêu hủy gà. Ông Tâm cho biết sẽ trình lên lãnh đạo và sẽ phản hồi sớm đến Dân trí.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này đến bạn đọc.

Công Quang