Hà Nội:

Thêm một dòng họ mất nhà thờ ở huyện Đông Anh

(Dân trí) - Nằm trong danh sách công trình văn hóa được xếp hạng, nhưng phần diện tích nhà thờ dòng họ Đào ở xã Cổ Loa đã bị UBND huyện Đông Anh “hóa phép” thành sở hữu cá nhân bằng việc cấp Sổ đỏ sai quy định cho ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng.

 
Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí, đại diện dòng họ Đào ở xóm Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội phản ánh: Trong quá trình xét duyệt hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở xã Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh không xem xét kỹ lường nguồn gốc, từ đó cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sai quy định cho hộ ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng trên phần diện tích vốn là nhà thờ của dòng họ Đào được xây dựng từ triều Lý.
 
Nhà từ đường học Đào Duy (gọi tắt là nhà thờ họ Đào) được xây dựng từ triều Lý, do các cụ thượng tổ họ Đào đã có công được vua ban thưởng đem về vinh quy bái tổ. Kiến trúc xây dựng nhà thờ họ được quy hoạch trong khuôn viên 851m2 tại xóm chợ, xã Cổ Loa. Thời Pháp thuộc nhà thờ họ Đào bị tàn phá vào tháng 2/1953, chỉ còn lại ấn tích 5 bia đá cổ trong khuôn viên đất nhà thờ họ. Từ đó đến nay, nhà thờ họ Đào chưa được khôi phục xây dựng lại. Để có người giúp họ trông coi, quản lý đất, dòng họ đồng ý để ông Đào Duy Bình với tư cách cháu trưởng dòng họ Đào Duy đến ở.
 
Bà Nguyễn Thị Bổng xác nhận việc ở nhờ trên đất nhà thờ dòng họ Đào
Bà Nguyễn Thị Bổng xác nhận việc ở nhờ trên đất nhà thờ dòng họ Đào

Từ cuối năm 1957, ông Đào Duy Bình xây dựng nhà cấp 4 và công trình phụ làm nơi ở của gia đình ông Bình trên đất nhà thờ họ. Bà Nguyễn Thị Bổng (vợ ông Đào Duy Đỉnh) cũng xây dựng 1 nhà cấp 4 cho con trai là Đào Duy đang sử dụng, phần diện tích hai nhà con bà Bổng đang sử dụng đều nằm trong khuôn viên đất nhà thờ họ Đào, mặc dù ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng đã được cấp đất ở giãn dân ở vị trí khác.

Để hợp pháp hóa đất nhà thờ họ Đào thành đất riêng của gia đình, ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng đã kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Từ khi biết tin đất nhà thờ họ được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên ông Bình và bà Bổng, gia tộc họ Đào đã tổ chức nhiều cuộc họp yêu cầu trả lại đất nhà thờ họ để khôi phục lại nhà thờ họ làm nơi thờ tự, bởi nhà thờ họ Đào là công trình liên quan đến lịch sử văn hóa Quốc gia.

Theo những tài liệu, chứng cứ thu thập được từ các ban ngành chức năng, năm 1984, hộ ông Đào Duy Bình có tên trong 2 thửa đất trong khuôn viên đất nhà thờ họ Đào, gồm: Thửa đất số 364, tờ bản đồ số 6B, diện tích 720m2; Thửa đất số 365, tờ bản đồ số 6B, diện tích 78m2; Hộ bà Nguyễn Thị Bổng trong bản đồ 299 không có tên, không kê khai trong sổ đăng ký ruộng đất.

Theo bản đồ năm 1992 được xác lập trước khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, hộ ông Đào Duy Bình có tên trên 2 thửa đất trong khuôn viên đất nhà thờ họ Đào, gồm: Thửa đất số 239, tờ bản đồ số 6H, diện tích 493m2; Thửa đất số 140, tờ bản đồ 6H, diện tích 200m2; Hộ bà Nguyễn Thị Bổng xuất hiện đứng tên 1 thửa đất trong khuôn viên đất nhà thờ họ Đào là thửa đất số 238, tờ bản đồ 6H, có diện tích 358m2.

Hiện trạng thực tế hiện nay cho thấy trong khuôn viên đất ở nhà thờ họ Đào, đất nhà thờ họ Đào đã hình thành có 2 chủ sử dụng đất được UBND huyện Đông Anh cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng.

Hộ ông Đào Duy Bình có 1 căn nhà cấp 4 các công trình phụ có diện tích sử dụng khoảng 150m2, ao được san lấp làm vườn; Hộ bà Nguyễn Thị Bổng đã xây dựng 1 nhà cấp 4 giao cho con trai là Đào Duy Hùng sử dụng, xây một nhà 2 tầng giao cho Đào Duy sử dụng và công trình phụ khoảng 200m2, diện tích còn lại là vườn ao lấp dở.

5 bia đá cổ còn nguyên vẹn vẫn được đặt trong nhà ông Đào Duy Bình đang ở, hàng năm vào ngày dỗ tổ họ Đào vẫn tập trung cúng lễ.
 
Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch gửi TP. Hà Nội
Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch gửi TP. Hà Nội

Theo những tài liệu có trong hồ sơ, mặc dù ông Bình và bà Bổng đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng 2 hộ này không đưa ra được các loại giấy tờ pháp lý để chứng minh rằng diện tích này được xã cấp hoặc mua bán, chuyển nhượng hoặc di chúc của ông cha để lại. Thực tế, ông Bình và bà Bổng đều đã công nhận đất thuộc nhà thờ họ Đào (thể hiện tại biên bản UBND xã Cổ Loa lập ngày 30/10/2003).

5 văn bia đá cổ hiện đang có trong khuôn viên đất nhà thờ họ Đào đã được ngữ hán sang tiếng Việt đã có từ thời Lý, nhà thờ được xây dựng có niên đại từ triều Lý. Thời điểm đó, ông cha của hộ ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng không có bằng chứng ngụ cư tại đất nhà thờ họ Đào (có bản dịch 5 bia đá kèm theo).

Tuy nhiên, trong quá trình xét duyệt cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, UBND xã Cổ Loa và huyện Đông Anh chỉ dựa vào tình hình ăn, ở thực tế trên thửa đất mà không nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề nguồn gốc đất.

Trong suốt gần 20 năm qua, đại diện dòng họ Đào đã gửi hàng trăm lá đơn đến UBND TP. Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng của Thành phố đề nghị xem xét lại việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hộ ông Đào Duy Bình và bà Nguyễn Thị Bổng, đề nghị trả lại phần diện tích nhà thờ để dòng họ Đào khôi phục lại nhà thờ làm nơi thờ tự nhưng cho đến nay lời đề nghị chính đáng của dòng họ Đào vẫn bị “bỏ rơi”.

Liên quan đến vụ việc trên, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng (Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội) đã có kiến nghị cho khôi phục lại di tích nhà thờ dòng họ Đào. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội có biện pháp khôi phục, tôn tạo lại công trình nhà thờ dòng họ Đào tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh cho phù hợp với vị thế của một di sản tín ngưỡng, văn hóa đã có từ lâu đời.

Để sớm khôi phục lại di tích nhà thờ dòng họ, đại diện dòng họ Đào khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội có biện pháp can thiệp, giúp đỡ, chỉ đạo huyện Đông Anh kiểm tra lại trình tự cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Bình và bà Bổng, xem xét hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho các cá nhân trên phần diện tích thuộc sở hữu của dòng họ Đào.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc