Sóc Trăng:
Thầy giáo dạy giỏi bất ngờ mất việc tố hiệu trưởng ưu ái bổ nhiệm con ruột!
(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn của thầy giáo Phan Quang Vinh (là giảng viên đang công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) phản ánh những bức xúc của thầy khi bị đơn vị cho thôi việc một cách bất hợp lý.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sư phạm Vật lý, thầy Phan Quang Vinh về làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Sóc Trăng. Tháng 2/2005 đến tháng 8/2005, thầy Vinh theo học lớp giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 mở.
Từ năm 2006 đến 2009, UBND tỉnh Sóc Trăng cử thầy Vinh đi học cao học tại Trường ĐH Cần Thơ và tốt nghiệp Thạc sĩ Vật lý kỹ thuật. Từ năm 2009 đến nay, thầy Vinh công tác tại Trường CĐCĐ Sóc Trăng, ngoài chuyên môn Vật lý, thầy còn đảm nhiệm công tác GDQP-AN tại trường.
Từ năm 2003 đến nay, thầy Vinh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, công đoàn viên xuất sắc; năm 2014, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc môn GDQP-AN,… Con đường nghề nghiệp với nhiều thành tích tốt của thầy Vinh bỗng chốc “tan thành mây khói” khi lãnh đạo Trường CĐCĐ Sóc Trăng thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo đề án 108 của Bộ Nội vụ.
Thầy Vinh cho biết, tháng 4/2016, Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng tổ chức họp với Tổ giáo dục thể chất và GDQP-AN bàn về công tác tinh giản biên chế theo đề án 108. Trong tổ có 4 người thuộc diện tinh giản biên chế (trong đó có thầy Vinh). Khi thầy Vinh thắc mắc thì Hiệu trưởng trả lời do năm tới trường không mở được lớp, bộ máy nhân sự phình to, không có khả năng chi trả lương nên phải tinh giản. Ngày 29/9/2016, trường này có thông báo cho thầy Vinh biết sẽ cho thầy thôi việc từ ngày 1/1/2017.
“Khi xem lại đề án tinh giản thì quyết định của Hiệu trưởng là chưa đúng và bản thân tôi nhận thấy tôi chưa thuộc diện phải nằm trong tinh giản. Trong khi đó, một số bộ phận khác không làm gì lại không đưa vào diện tinh giản biên chế. Còn tôi là người giảng dạy, luôn tâm huyết với nghề thì lại cho thôi việc”, thầy Vinh bức xúc.
Thầy Vinh đưa dẫn chứng, bà Đoàn Hồng Ngọc (là con của Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng) dù chỉ mới học xong Trung cấp, nhưng được Hiệu trưởng đưa vào làm cán bộ Đoàn, rồi sau đó cho đi học Đại học tại chức ngay tại Trường CĐCĐ Sóc Trăng. Cuối năm 2014, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp nhưng chưa làm lễ tốt nghiệp thì bà Ngọc được cha ruột ra quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Phòng Công tác Chính trị và Quản lý học sinh-sinh viên. Hay như trường hợp ông Trang Minh Trung có bằng Cử nhân Tin học, không có chuyên môn Thư viện, nhưng được phân công giữ chức vụ cán bộ quản lý Thư viện; còn bà Quách Thị Bích Ly có bằng Cao đẳng Thư viện thì lại được cho thôi việc.
Lý giải về nội dung trên, ông Đoàn Thiện Tài - Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng, cho rằng: “Đoàn Hồng Ngọc là con gái tôi, học xong Trung cấp thì xin vào trường công tác và được nhận là đúng theo quy định, khi có sự bàn bạc, thống nhất của lãnh đạo trường và sự chuẩn y của cấp trên. Khi Ngọc theo học Đại học tại chức, lại thuộc diện cán bộ đi học nên học xong thì được phân công Phó trưởng Phòng cũng đúng quy định, không có gì sai”.
Riêng trường hợp ông Trang Minh Trung, theo ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng, giải thích: “Đúng là ông Trung có bằng Cử nhân Tin học, không có chuyên môn về thư viện, nhưng đưa ông Trung về thư viện không phải làm thủ thư mà để ông này phụ trách mảng thư viện điện tử, như vậy cũng đúng với chuyên môn của ông Trung”.
Điều đáng nói, sau khi được Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng thông báo cho thôi việc, thầy Phan Quang Vinh đã làm đơn xin thuyên chuyển công tác về Trường THPT TP Sóc Trăng, được Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Sóc Trăng ký đồng ý cho thuyên chuyển. Xét thấy nhu cầu của trường mình còn thiếu giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN, nên Hiệu trưởng Trường THPT TP Sóc Trăng đồng ý nhận thầy Vinh về trường công tác; đồng thời xác nhận bằng văn bản gửi Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng về việc trường này đồng ý nhận thầy Vinh về giảng dạy tại trường. Thế nhưng, khi thầy Vinh gửi hồ sơ về Sở GD-ĐT (tháng 6/2016) thì ngày 26/8/2016, Giám đốc Sở này là bà Nguyễn Thị Tuyết Hà đã trả lời thầy Vinh là Sở GD-ĐT chưa giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng của thầy Vinh vì “Đơn vị nơi đến không có nhu cầu thêm về biên chế”.
Thầy Vinh bức xúc: “Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định đơn vị nơi đến là Trường THPT TP Sóc Trăng không có nhu cầu thêm về biên chế là khó thuyết phục. Bởi, nơi tôi công tác đồng ý cho thuyên chuyển, nơi nhận là Trường THPT TP Sóc Trăng cũng đồng ý nhận tôi về. Trường có nhu cầu mới dám nhận và mới đề xuất với Sở cho tôi về, chứ nếu không có nhu cầu thì làm sao ký nhận tôi về trường được. Hơn nữa, trường hợp của tôi là thuyên chuyển trong tỉnh, chứ không phải tỉnh khác xin về, có chữ ký nơi cho đi và nơi tiếp nhận, nghĩa là thiếu thì Trường THPT TP Sóc Trăng mới nhận, chứ không thiếu người ta nhận làm gì. Tôi tha thiết mong Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho tôi được công tác và cống hiến tại tỉnh nhà. Bản thân tôi được UBND tỉnh cử đi đào tạo, giờ kiếm một công việc làm tại tỉnh nhà hóa ra còn khó hơn là lên trời”.
Hoàn cảnh gia đình thầy Phan Quang Vinh hiện nay khá khó khăn, khi vợ thầy cũng là giáo viên, cuộc sống chưa thật ổn định. Cha ruột thầy Vinh hiện nay đang bị bệnh nặng phải điều trị lâu dài ở bệnh viện tuyến trên. Vì thế, nguyện vọng được công tác trong ngành giáo dục là rất chính đáng và hợp lý.
Bạch Dương