Sóc Trăng: Dân khốn đốn bởi một vụ thi hành án bất chấp pháp luật!

(Dân trí) - Tòa án tuyên bà Ngô Thúy Hiền và 2 người con (ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) phải có trách nhiệm trả tiền cho nguyên đơn, nhưng chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mỹ Tú lại có quyết định và thông báo cho mẹ con bà Hiền là sẽ thi hành án bằng biện pháp… cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất.

Theo trình bày của bà Ngô Thúy Hiền (ngụ tại ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng): Năm 2007, bà Hiền vay 250 triệu đồng tại Ngân hàng Công thương chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (VietinBank Sóc Trăng).

Ngày 18/12/2009, tổng số nợ gốc và lãi lên đến hơn 386 triệu đồng. Ngày 27/11/2009, ông Kỷ Hồng Phát (Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro VietinBank Sóc Trăng) đề nghị bà Hiền bán đất trả nợ. Theo biên bản làm việc giữa ông Phát và bà Hiền, giá bán một mét ngang đất phía ngân hàng đồng ý hỗ trợ 1,5 triệu đồng; tổng ngân hàng hỗ trợ 40 triệu đồng.

Sau khi thỏa thuận, ông Phát giới thiệu cho bà Hiền người mua đất là bà Phạm Thị Mỹ Cao. Điều lạ lùng là việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được thiết lập tại chính quyền địa phương hay công chứng mà làm tại ngân hàng, dưới sự chứng kiến và xác nhận của ông Lâm Kim Tòng - Phó Giám đốc VietinBank Sóc Trăng.

Theo đó, bà Hiền và con là Huỳnh Thị Phương Thảo, Huỳnh Thị Phương Nhung chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Mỹ Cao diện tích 360m2 tại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Trong đó có 60m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa số 40, tờ bản đồ số 29, do bà Hiền đứng tên trong sổ đỏ và 300m2 (trong đó 100m2 đất thổ cư và 200m2 đất cây lâu năm) thuộc thửa số 99, tờ bản đồ số 27, do bà Huỳnh Thị Phương Thảo đứng tên sổ đỏ (cả hai sổ đỏ này đang thế chấp tại ngân hàng). Tổng giá trị chuyển nhượng 450 triệu đồng. Số tiền này bà Hiền phải mở tài khoản tại ngân hàng, sau đó ngân hàng trừ vào khoản nợ. Ngân hàng dùng GCNQSDĐ của bà Hiền để làm hợp đồng thế chấp cho bà Mỹ Cao vay 450 triệu đồng.

Sóc Trăng: Dân khốn đốn bởi một vụ thi hành án bất chấp pháp luật! - Ảnh 1.

Bà Huỳnh Thị Phương Thảo bức xúc tòa tuyên một đường, cơ quan thi hành án làm một nẻo.

Sau khi nộp 450 triệu đồng cho VietinBank Sóc Trăng nhưng không được chuyển quyền sử dụng đất, bà Phạm Thị Mỹ Cao phát đơn kiện bà Hiền cùng VietinBank Sóc Trăng ra TAND huyện Mỹ Tú đòi bồi thường 150% giá trị hợp đồng như thỏa thuận.

Tại bản án số 30/2010/DS - ST ngày 21/9/2011, TAND huyện Mỹ Tú nhận định: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập tại bản thỏa thuận giữa bà Mỹ Cao, ông Công (chồng bà Cao) với bà Hiền, bà Thảo, bà Nhung (con bà Hiền) không có chứng thực, chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên HĐXX tuyên hợp đồng trên vô hiệu. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu. Bà Hiền trả lại cho bà Mỹ Cao 450 triệu đồng; bà Mỹ Cao chưa nhận đất nên không phải hoàn trả.

Dù tuyên bố bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, nhưng TAND huyện Mỹ Tú lại dùng chính nội dung bản thỏa thuận để buộc bà Hiền trả cho bà Mỹ Cao 150% giá trị của bản thỏa thuận chuyển QSDĐ với tổng số tiền là 675 triệu đồng.

Bà Hiền cho biết: “Tôi chỉ nợ ngân hàng trên 380 triệu đồng, trong khi giá trị tài sản thế chấp của tôi lên đến 450 triệu đồng, anh Phát kêu tôi bán đất để trả nợ ngân hàng, phần còn dư gửi lại. Sau đó, tôi bán đất không được, tòa buộc tôi phải trả cho bà Mỹ Cao đến 675 triệu đồng, trong khi thực tế tôi bán có 450 triệu đồng”.

Theo bà Hiền, xảy ra cớ sự trên là do bà quá tin vào cán bộ ngân hàng. Trước đó, chính bà cam kết tự bán đất để trả nợ nhưng cán bộ ngân hàng lại giới thiệu bà Mỹ Cao mua đất để nhanh chóng thu hồi nợ.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Cao, ông Công và bà Hiền cùng kháng cáo đến TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 7/6/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Mỹ Tú.

Theo phản ánh của bà Ngô Thúy Hiền, sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) huyện Mỹ Tú yêu cầu bà Hiền phải thanh toán cho bà Cao số tiền nói trên. Trong quá trình THA, bà Hiền bị ông Văn Công Mới (chấp hành viên, Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Mỹ Tú) gây khó khăn; thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật khi THA đối với gia đình bà, nên bà đã làm đơn tố cáo gửi Cục THADS tỉnh Sóc Trăng yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm ông Mới.

Cụ thể, theo bà Hiền, khi bản án có hiệu lực pháp luật, giao cho cơ quan THA huyện Mỹ Tú thi hành, gia đình bà không hề nhận được quyết định THA của cơ quan THA huyện Mỹ Tú, nhưng vẫn bị cưỡng chế THA. Ông Mới không có thiện chí tạo điều kiện cho gia đình bà được THA; tự ý rút hơn 104 triệu đồng tiền mặt của bà Hiền gửi tại VietinBank Sóc Trăng để giao cho người được THA; không thông báo cho gia đình bà Hiền biết quyết định phong tỏa, kê biên tài sản của gia đình bà.

Qua xác minh, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng kết luận khiếu nại của bà Ngô Thúy Hiền là có cơ sở. Cụ thể, theo kết luận số 06/KL-CTHA của Cục THADS Sóc Trăng ngày 13/12/2013, ông Văn Công Mới không thực hiện việc thông báo cho người phải THA, không thông báo quyết định THA, không thông báo quyết định cưỡng chế kê biên tài sản cho bà Hiền là có như tố cáo của bà Hiền. Việc rút tiền mặt của bà Hiền gửi tại ngân hàng theo công văn của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Mỹ Tú là không đúng quy định; chấp hành viên không áp dụng biện pháp bảo đảm quy định về “phong tỏa tài khoản” và “khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải THA” theo quy định của Luật THADS; chấp hành viên không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm THA về việc “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” của người phải THA.

Từ kết luận trên, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ông Văn Công Mới cần nghiêm túc kiểm điểm trong việc tổ chức THA và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi hành án; yêu cầu ông Mới thu hồi Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất của gia đình bà Hiền, khắc phục hậu quả.

Sau vụ việc trên và một số lùm xùm khác, ông Văn Công Mới mất chức Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Mỹ Tú. Tuy nhiên, những sai phạm ở Chi cục THADS huyện Mỹ Tú lại “tái diễn” khi cán bộ mới thay ông Mới thực hiện THA với mẹ con bà Ngô Thúy Hiền.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Thảo (con gái bà Hiền), bản án của tòa tuyên buộc các bị đơn là Ngô Thúy Hiền, Huỳnh Thị Phương Thảo, Huỳnh Thị Phương Nhung hoàn trả cho nguyên đơn 450 triệu đồng và bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn 225 triệu đồng, nhưng không tuyên rõ mỗi bị đơn phải trả cho nguyên đơn bao nhiêu tiền. Tức là tòa chưa xác định trách nhiệm của mỗi người khi phải THA cho nguyên đơn; còn nếu chia đều cho 3 người thì mỗi người phải chịu 225 triệu đồng.

Thế nhưng, ngày 19/7/2016, ông Mai Hoàng Phong (chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Mỹ Tú) đã có Quyết định số 01/QĐ.CCTHADS và Thông báo số 176/TB.CCTHADS về việc tự nguyện THA (bằng hình thức giao tài sản) cho nguyên đơn. Điều phi lý là tòa tuyên 3 mẹ con bà Hiền phải có trách nhiệm trả tiền cho nguyên đơn nhưng ông Phong lại có Quyết định và Thông báo cho mẹ con bà Hiền là sẽ cưỡng chế THA bằng biện pháp “cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất” (cho bà Phạm Thị Mỹ Cao và ông Trương Thành Công- PV) diện tích 695m2 (trong đó thổ cư 200m2, lâu năm 495m2) tại thửa số 99, tờ bản đồ số 27, tọa lạc tại ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa được UBND huyện Mỹ Tú cấp cho bà Huỳnh Thị Phương Thảo”.

Bà Thảo bức xúc: “Diện tích 695m2 tại thửa số 99, tờ bản đồ số 27, tọa lạc tại ấp Cầu Đồn, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa được UBND huyện Mỹ Tú cấp cho tôi, tức là tài sản của cá nhân tôi nhưng THA huyện Mỹ Tú kê biên, bán đấu giá (không thành) và cưỡng chế giao toàn bộ diện tích đất của tôi cho nguyên đơn là không đúng luật, bởi mẹ tôi và em tôi cũng có tài sản riêng, tại sao không kê biên, cưỡng chế tài sản của mẹ và em tôi khi những người này cũng chịu trách nhiệm trả tiền cho nguyên đơn. Vô lý như vậy nhưng khi tôi khiếu nại Quyết định thì ngày 3/8/2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS Mỹ Tú Nguyễn Quốc Tuấn vẫn bác đơn khiếu nại của tôi”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm