Thấy gì từ thất bại của đội tuyển Việt Nam và ông Troussier?
(Dân trí) - Bên cạnh sự phẫn nộ với HLV Troussier, nhiều độc giả thẳng thắn chỉ ra rằng chất lượng cầu thủ của Việt Nam cũng đang không tốt và là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại.
Tối 26/3, đội tuyển Việt Nam thất bại bạc nhược 0-3 trước đội tuyển Indonesia tại lượt trận thứ 4, vòng loại 2 World Cup 2026. Vài giờ sau, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phát đi thông điệp về việc "đường ai nấy đi" với HLV trưởng Philippe Troussier, kết thúc một giai đoạn đen tối của đội tuyển Việt Nam.
Đêm thảm họa tại Mỹ Đình
Nhìn những gì đội tuyển Việt Nam làm được dưới thời ông Troussier, nhiều CĐV không khỏi ngán ngẩm, và trận đấu trước Indonesia chính là thước đo phản chiếu chính xác nhất thực lực của đội tuyển Việt Nam thời gian qua.
Nhớ về buổi tối "thảm họa" ngày 26/3 trên sân Mỹ Đình, độc giả Hoàng Linh bình luận: "Tiếng còi mãn cuộc vang lên, các cầu thủ ngồi gục xuống sân, gương mặt thẫn thờ; HLV và dàn trợ lý thì ngơ ngác, đờ đẫn còn trên khán đài, những người hâm mộ sục sôi, phẫn nộ trước màn trình diễn bạc nhược và cùng đồng thanh "Troussier out". Suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, đây thực sự là cảnh tượng chưa từng xuất hiện, kể cả khi đội tuyển dưới trướng của những vị thuyền trưởng không mấy thành công như Edson Tavares hay Toshiya Miura. Và dù chỉ chứng kiến qua màn ảnh nhỏ, những hình ảnh và âm thanh đó thực sự để lại cho tôi sự ám ảnh.
Ông Troussier thực sự đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với những thành tích dở tệ khó ai có thể lặp lại. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta thua Indonesia 3 trận liên tiếp ở cấp độ đội tuyển; lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng của chúng ta thua 10 trong 11 trận thi đấu gần nhất; lần đầu tiên sau 20 năm, chúng ta mới lại thua Indonesia ngay tại Mỹ Đình… và còn rất nhiều lần đầu tiên khác, những thứ mà người hâm mộ có lẽ không bao giờ muốn nhắc lại. Chung quy lại, chưa bao giờ tôi thấy trong lịch sử đội tuyển Việt Nam có một vị HLV được các CĐV đồng lòng… quay lưng tới như vậy. Ngao ngán!".
Có chung tâm trạng, độc giả Hồng Lê trải lòng: "Một ngày cực buồn và thảm của bóng đá Việt Nam. Trên sân HLV bảo thủ, bất lực trên băng ghế chỉ đạo; các cầu thủ từ dự bị đến đá chính tinh thần hời hợt còn trên khán đài, CĐV đốt pháo sáng, giăng biểu ngữ xương chéo, gây gổ xô xát chảy cả máu. Một tối thảm họa của bóng đá Việt Nam".
"Cảm giác các cầu thủ bị ức chế tâm lý bởi cách điều binh khiển tướng của HLV trưởng, một lối chơi rất cùn nhưng vẫn phải tuân theo", anh Muoi Tran Van tiếp lời.
"Theo tôi, các cầu thủ có lẽ đã chấp nhận bỏ vòng loại World Cup để phản đối vị "phù thủy" này. Tinh thần cầu thủ chưa bao giờ xuống thấp như vậy, họ không còn khát khao, thiếu đi người truyền lửa, lạc lối giữa những thứ chiến thuật rối rắm để rồi đôi chân như mang chì, thi đấu chuệch choạc và vô định.
Đằng sau đỉnh vinh quang là vực thẳm, hy vọng chúng ta sẽ thấy đội tuyển Việt Nam dưới triều đại mới có thể rũ bùn mà đứng lên mạnh mẽ. Chúc các bạn cầu thủ chân cứng đá mềm trong 2 lượt trận tới để có lời chia tay đẹp", bạn đọc Trương Phước Ngọc nhắn nhủ.
Cần nhìn nhận vào nội tại của bóng đá Việt Nam
Trong thất bại của đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier chắc chắn là người phải chịu trách nhiệm cao nhất và thực tế cũng đã phản ánh điều này khi ông phải rời chiếc ghế HLV trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của chiến lược gia người Pháp, nhiều người cho rằng thất bại này còn là dịp để người hâm mộ được tỉnh ngộ và có cái nhìn thực tế vào thực lực của bóng đá Việt Nam.
"Nói thì dễ, vào việc mới khó. Tôi không bênh vực HLV Troussier, nhưng cần nhìn nhận lối đá, chiến thuật mà ông xây dựng cho đội tuyển Việt Nam là lối đá theo xu thế hiện đại, cần nhiều thể lực và kỹ thuật. Nếu thực lực, nội tại của cầu thủ đủ tốt, đáp ứng được chiến thuật, tôi nghĩ lối đá đó có thể giúp chúng ta vươn tầm châu Á.
Nên thừa nhận rằng thể lực và kỹ thuật của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của bóng đá hiện đại, kể cả Quang Hải có vào sân thì cũng khó có thể xoay chuyển cục diện và hoàn toàn có thể bị yếu thế trong tranh chấp với các cầu thủ của họ. VFF sa thải HLV Troussier là kịp thời bởi ông không phải người phù hợp với bóng đá Việt Nam, nhưng tìm kiếm một HLV mới sẽ là điều không đơn giản", chủ tài khoản Doan phân tích.
"Thua là đúng, cầu thủ Indonesia rất chất lượng, cao lớn, khỏe mạnh, thi đấu đơn giản nhưng rất hiệu quả. Trong khi chúng ta thi đấu lung tung, thiếu bài vở, cầu thủ thì nhỏ con, thiếu thể lực, làm sao có thể theo kèm cầu thủ đội họ? Tôi không phản đối chuyện nhập tịch bởi chỉ cần một cầu thủ được quốc gia đó công nhận, đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì đều cần được đối xử như công dân của nước đó và có quyền thi đấu cho đội tuyển quốc gia của họ. Đó là cái mà chúng ta cần quan tâm, cần có cơ chế thoáng hơn nhằm cải thiện chất lượng cầu thủ", bạn đọc Linh Khánh nhìn nhận.
Có chung quan điểm, anh Lê Hoàng viết: "Indonesia cầu thủ hầu hết ở châu Âu, được đào tạo hiện đại, có trình độ cao hơn nhưng cả 3 trận đều lựa chọn lối chơi phòng ngự chặt, phản công nhanh rất hiệu quả, sử dụng chính lối đá thực dụng của ông Park để chiến thắng mớ triết lý suông "kiểm soát bóng" của ông Troussier. Từ đây, ta nên thấy rằng triết lý nào không quan trọng, quan trọng là phù hợp thực lực của đội tuyển và áp dụng thành công trước từng đối thủ".
Còn theo người dùng có nickname Tom, độc giả này cho rằng từ câu chuyện của ông Troussier, VFF nên thay đổi tiêu chí tuyển chọn HLV, bởi chưa chắc người châu Âu có thể phù hợp với đội tuyển Việt Nam. "Tư duy bóng đá không thể thay đổi ngay, thể lực chúng ta cũng thua kém, nên cần có đối sách và chiến thuật phù hợp. Các HLV đông Á có vẻ phù hợp, hoặc HLV nội cũng có nhiều người giỏi nên được thử sức. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc đào tạo bóng đá trẻ cần phải thay đổi", người này nhấn mạnh.
"VFF chấm dứt hợp đồng với ông Troussier là sáng suốt. Nghĩ cũng thấy thương cho ông Troussier vì làm HLV ai cũng muốn chiến thắng, song vì tuổi cao và trình độ hạn chế, cũng như sự khác biệt trong văn hóa nên lực bất tòng tâm. Chúc ông và gia đình sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc", chủ tài khoản FFFFF nhắn nhủ.
Hoàng Diệu