TPHCM:

Thầy dạy “đắc nhân tâm” bị trường Đắc Nhân Tâm khởi kiện

(Dân trí) – Sau khi làm đơn nghỉ dạy vì sức khoẻ yếu, một tiến sĩ dạy đắc nhân tâm đã “té ngửa” khi nơi từng gắn bó nhiều năm đâm đơn kiện mình vì vi phạm sở hữu trí tuệ và cam kết giữa 2 bên.

Cấm dạy 2 năm

TAND TPHCM vừa thụ lý vụ án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 192/2012/KTST về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (34-36 Đinh Tiên Hoàng, P. Đa Kao, Q.1, TPHCM, viết tắt: ĐNT) khởi kiện tiến sĩ Lê Như Hiếu, nguyên giảng viên của trường.

Ông Hiếu cho biết, năm 2006, Công ty Dale Carnegie & Associates, Inc (Mỹ) chuyển nhượng thương hiệu cho ĐNT. Ông Hiếu nộp hồ sơ dự tuyển làm giảng viên dưới danh nghĩa của ĐNT.

Ngày 1/6/2007, ông Hiếu với vai trò là người huấn luyện và ĐNT đã ký với nhau một hợp đồng thoả thuận lao động bằng tiếng Anh nhưng không Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế… Ông Hiếu là một trong 3 giảng viên của ĐNT ngày sơ khai. Ông tham gia xây dựng nội dung giảng dạy, chuyển tải nội dung từ chương trình tiếng Anh sang tiếng Việt, cả việc dịch thuật các tài liệu cho phù hợp với văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam.

Đầu năm 2011, ông Hiếu bị bệnh, đi khám thì mới “sực nhớ” mình không được công ty lo cho bảo hiểm y tế mà phải bỏ tiền túi ra điều trị. Sau đó, ông có chủ động gặp bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – TGĐ ĐNT để trình bày nguyện vọng chính đáng của mình là được ký hợp đồng lao động, hưởng chế độ bảo hiểm y tế… Ngày 1/4/2011, ĐNT đã ký với ông Hiếu một Hợp đồng lao động theo mẫu của Bộ LĐTB&XH, thời hạn 01 năm.

Sau vài tháng được ký HĐLĐ, nhận thấy sức khoẻ không tốt nên ông Hiếu xin chấm dứt hợp đồng. Ngày 23/9/2011, Tổng Giám đốc ĐNT đã xác nhận cho ông Hiếu nghỉ việc và ông Hiếu ra dạy tư.
Thầy dạy “đắc nhân tâm” bị trường Đắc Nhân Tâm khởi kiện
Nhiều người cho rằng, việc sử dụng kiến thức, chất xám để đi dạy của ông Hiếu là không vi phạm (Ảnh minh hoạ)

Cho rằng, ông Hiếu đã vi phạm hợp đồng nên ĐNT kiện ra toà đòi ông Hiếu phải bồi thường số tiền 396 triệu đồng (trong đó có cả chi phí luật sư), lập văn bản có nội dung xin lỗi trường trên 3 tờ báo, chấm dứt việc sử dụng tài liệu trong “chương trình đào tạo”, buộc ông Hiếu trong thời hạn 2 năm (kể từ ngày 23/11/2011) không được tham gia vào bất kỳ chương trình nào về mặt phát triển, xúc tiến thương mại, mua bán, công bố, cung ứng, tổ chức hoặc hướng dẫn mà chương trình đó có tính chất cạnh tranh với “chương trình đào tạo” của ĐNT.

Ai vi phạm?!

Đây là vụ án khá hy hữu và có nhiều tình tiết mà giới luật sư cho rằng thú vị. Lãnh đạo trường ĐNT không bình luận về vụ việc này mà cho biết mọi chuyện đã giao cho văn phòng luật sư đại diện pháp lý xử lý.

Căn cứ vào thoả thuận lao động ký ngày 1/6/2007, đại diện pháp lý của ĐNT cho rằng trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, ông Hiếu đã thực hiện các khoá huấn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, quan hệ khách hàng, bán hàng… liên quan đến “Chương trình đào tạo” mà không có sự đồng ý của ĐNT. Ông Hiếu còn sử dụng logo, tài liệu của Dale trong các khoá huấn luyện của mình.

Trong thoả thuận tiếng Anh ký ngày 1/6/2007, có điều khoản: “Người huấn luyện không được sao chép chương trình đào tạo”(Điều 4); “Người huấn luyện không được tham gia bất kỳ hoạt động giáo dục nào đối tác khác ngoài ĐNT” (Điều 53) và “Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu không được tham gia giảng dạy…” (Điều 55). Căn cứ vào 3 điều khoản của thoả thuận lao động này và Luật sở hữu trí tuệ, đại diện pháp lý của ĐNT cho biết: “Rõ ràng, hành vi trên của ông đã vi phạm nghiêm trọng đến chính những nội dung ông đã cam kết trong Hợp đồng huấn luyện và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, ông Hiếu cho rằng, hợp đồng lao động bằng tiếng Việt ký ngày 1/4/2011 không đề cập đến bản cam kết bằng tiếng Anh ký ngày 1/6/2007 còn hiệu lực hay không. Ông chỉ biết rằng, sau ngày 1/4/2011 thì ĐNT có làm bảo hiểm y tế cho ông. “Hơn 6 năm đi dạy cho ĐNT, tôi đã bỏ hết công việc chuyên môn để tập trung dạy cho trường. Giờ đây, họ yêu cầu tôi không đi dạy thì làm sao tôi nuôi gia đình và vợ con. Vả lại, kiến thức về kỹ năng mềm tôi có được là từ nhiều nền giáo dục khác nhau chứ đâu phải của ĐNT. Họ cũng đâu có trả lương cho tôi trong 2 năm đó mà yêu cầu tôi không được đi dạy”, ông Hiếu tâm sự.

Theo các chuyên gia giáo dục, kỹ năng mềm là những quan hệ giao tiếp thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể học được từ gia đình, từ cuộc sống xã hội. Không ai bỏ chi phí ra để đào tạo thì cũng không có cơ sở để đòi bồi thường tổn thất. Kiến thức là quá trình tự tích luỹ của mỗi người nên buộc người khác không được đi dạy là xâm phạm quyền tự do làm việc.

Trao đổi với PV Dân trí về vụ án này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, Theo quy định tại Điều 2 của Bộ luật Lao động thì Bộ luật Lao động được áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu. Hơn nữa, Bộ luật Lao động cũng được áp dụng đối với quan hệ lao động giữa công dân Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Như vậy, đối với trường hợp của Tiến sĩ Lê Như Hiếu với ĐNT đã ký hợp đồng lao động không có quy định về bảo hiểm xã hội, quy định người lao động không được tham gia bất cứ hoạt động giáo dục nào khác, không được tham gia giảng dạy trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động và hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi luật của New York, Mỹ (Điều 49 của thoả thuận tiếng Anh) là vi phạm pháp luật lao động.

Cụ thể là tại Khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động có quy định người lao động có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm, Điều 29 của Bộ luật Lao động quy định hợp đồng lao động phải có một số nội dung nhất định, trong đó phải bao gồm điều khoản về bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, vào ngày 1/4/2011, ông Hiếu đã ký hợp đồng lao động theo mẫu của Bộ LĐTBXH với ĐNT. Điều này cũng có nghĩa là hợp đồng lao động cũ đã được 2 bên thỏa thuận thay thế bằng hợp đồng lao động mới phù hợp với pháp luật Việt Nam. Sau đó, vì sức khoẻ không tốt, ông Hiếu xin chấm dứt HĐ và Tổng Giám đốc ĐNT đã xác nhận vào ngày 23/9/2011.

“Như vậy, việc ông Hiếu nghỉ việc và sau đó tham gia vào các hoạt động giảng dạy theo tôi là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty cổ phần trường doanh nhân Đắc Nhân Tâm chưa có đủ căn cứ pháp lý. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định, hướng dẫn nào về các khoản bồi thường có liên quan đến chi phí thuê luật sư”, luật sư Hậu khẳng định.

Công Quang

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm