Hồi âm:

Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết "kỳ án" ở xã Đông Mỹ

(Dân trí) - Về vụ tranh chấp đất kéo dài nhiều năm gây bức xúc ở xã Đông Mỹ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Nhung đến TAND Tối cao xem xét, chỉ đạo giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão.

Văn bản số 1239/TTCP-VP ngày 4/6/2013 của Thanh tra Chính phủ, do Chánh Văn phòng Ngô Đại Tuấn ký nêu rõ: “Tổng Thanh tra Chính phủ nhận được văn bản số 51/BBĐ-2013, ngày 24/4/2013 của báo điện tử Dân trí chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Nhung, trú tại tập thể Trường Đảng Lê Hồng Phong, quận Đống Đa, Hà Nội đề nghị làm rõ và giải quyết dứt điểm vụ án khiếu nại đòi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì của cụ Triệu Thị Mão.
 
Văn bản của Thanh tra Chính phủ thông báo việc chuyển đơn đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết
Văn bản của Thanh tra Chính phủ thông báo việc chuyển đơn đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết

Căn cứ nội dung đơn và quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Nhung đến Chánh án TAND Tối cao để được xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền”.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngày 3/6/2013, bà Nguyễn Thị Nhung tiếp tục gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến ông Nguyễn Đức Bình - Chánh án TAND TP. Hà Nội, cùng Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân. Bà Nhung đề nghị xem xét lại nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn về quan hệ pháp luật là hủy 2 sổ đỏ trái pháp luật về cả nội dung, lẫn quy trình cấp.

Trong đơn khiếu nại khẩn cấp, bà Nguyễn Thị Nhung tái khẳng định cụ Triệu Thị Mão (mẹ bà Nhung) là chủ sở hữu hợp pháp khuôn viên đất rộng 1020m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì theo đúng quy định pháp luật. Quá trình xét xử vụ kiện bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Trì lần thứ nhất và án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội đã xét xử đúng nội dung yêu cầu của nguyên đơn khởi kiện, bản án đã được thi hành từ năm 2009.

Dựa trên những giấy tờ pháp lý hiện có, gia đình cụ Triệu Thị Mão kiến nghị TAND TP. Hà Nội xét xử: Thu hồi và hủy bỏ 2 Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Chung để kết thúc vụ kiện đã kéo dài trên 12 năm.
 
Đơn khiếu nại khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Nhung
Đơn khiếu nại khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Nhung

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, Vụ án tranh chấp đất hy hữu tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội bắt đầu từ năm 2002, sau khi cụ Triệu Thị Mão biết việc con trai út Nguyễn Văn Tạo tự ý chia tách khu đất rộng 1020m2 ra làm 2 Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ) đứng tên mình, sổ còn lại cho anh họ Nguyễn Văn Chung (bị bệnh tâm thần từ nhỏ) đứng tên. Điều đáng nói, khi thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ, UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì không đi đo đạc lập hồ sơ thửa đất, đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông Chung đề ngày 20/12/1993 không có chữ ký mà vẫn được xã Đông Mỹ cho là hợp pháp.

Dựa trên hồ sơ vụ án do gia đình cung cấp, thửa đất rộng 1020m2 là tài sản được gia đình cụ Triệu Thị Mão sử dụng từ những năm 50 thế kỷ trước có nguồn gốc do 2 cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa để lại với diện tích ban đầu 2.036m2. Sau khi vợ chồng cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa qua đời, cụ Nguyễn Văn Kế và vợ là Triệu Thị Mão tiếp tục quản lý và sử dụng 2.036m2 đất.

Năm 1956, cụ Nguyễn Văn Kế chia cho người em ruột là ông Nguyễn Văn Sáu một phần diện tích đất nên gia đình bà Mão chỉ còn sở hữu 1020m2. Sau khi cụ Nguyễn Văn Kế qua đời năm 1988, cụ Mão tiếp tục sử dụng ổn định phần diện tích này.
 
Bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT đã được thi hành xong vào tháng 1/2009
Bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT đã được thi hành xong vào tháng 1/2009

Do trình độ văn hóa thấp, khi nhà nước có chủ trương làm sổ đỏ năm 1993, ông Nguyễn Văn Tạo (con trai út của bà Mão) đã tự nhờ người viết hộ đơn để chia tách đôi thửa đất gia đình bà Mão đang ở thành 2 phần bằng nhau. Cá nhân ông Tạo đứng tên 510m2, phần diện tích 510m2 còn lại đứng tên anh họ Nguyễn Văn Chung vì nghe đồn ai làm sổ đỏ có nhiều đất sẽ bị thu hẹp, hoặc phải đóng thuế cao hơn.

Tất cả các giấy tờ liên quan đến việc cấp sổ đỏ do ông Tạo tự kê khai và nộp lên xã Đông Mỹ, UBND xã Đông Mỹ cũng không cho người đi đo đạc, cắm mốc giới theo đúng quy định nhà nước. Năm 1994, phần diện tích 1020m2 đã bị chia tách thành 2 sổ đỏ. Để tránh bị phát hiện, sau khi lấy về ông Tạo đem đi giấu luôn.

Đầu năm 2002, bà Nguyễn Thị Bình là chị gái Nguyễn Văn Chung, đồng thời cũng là người giám hộ của Chung bất ngờ đem sổ đỏ về quê đòi chia đôi khuôn viên nhà cụ Triệu Thị Mão đang ở, khi đó cụ Mão mới biết chuyện con trai tự ý chia tách đất đề nghị cấp sổ đỏ và làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Thanh Trì từ năm 2002.

Trải qua 8 phiên xét xử sơ cấp thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm kéo dài suốt gần 10 năm, ngày 23/9/2008, TAND TP. Hà Nội ban hành bản án số 58/2008/DSPT với nội dung chấp nhận đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của cụ Triệu Thị Mão với ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung.

Ở tất cả các phiên xét xử, HĐXX đều khẳng định 2 quyển sổ đỏ cấp cho ông Tạo và ông Chung là trái pháp luật, cần phải thu hồi.

Đối với ông Nguyễn Văn Chung, gia đình cụ Triệu Thị Mão vẫn dành cho ông Nguyễn Văn Chung sử dụng 170m2 nằm sát ngõ và cũng là địa thế đẹp nhất thửa đất.
 
Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT có thể tạo ra tiền lệ xấu
Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT có thể tạo ra tiền lệ xấu

Thực hiện nội dung bản án số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, tháng 1/2009, Cơ quan Thi hành án tiến hành cắm mốc giới trả lại cho cụ Mão 850 m2 đất và tài sản trên đất. Cắm mốc giới cho ông Nguyễn Văn Chung sử dụng 170m2. Trong suốt quá trình thi hành án, Cơ quan thi hành án không nhận được ý kiến phản đối nào từ những người liên quan và cả đơn kháng nghị của TAND Tối cao.

Tuy nhiên, sau khi cụ Triệu Thị Mão qua đời (tháng 4/2010), ngày 9/6/2010, TAND Tối cao bất ngờra Quyết định kháng nghị bản án số 58/2008/DSPT của TAND TP. Hà Nội, dù lúc đó bản án này đã thi hành xong gần 2 năm.

Quyết định kháng nghị của TAND Tối cao một lần nữa lại đẩy các thành viên gia đình cụ Triệu Thị Mão rơi vào vòng kiện tụng rắc rối, tốn kém thời gian và tiền bạc. Trong khi đó, đối tượng được thi hành án, đồng thời cũng là người có tiếng nói quan trọng nhất là cụ Triệu Thị Mão thì đã qua đời khiến vụ việc càng thêm phức tạp.

Trong đơn trình bày gửi đến báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Nhung (con gái cụ Triệu Thị Mão) và ông Nguyễn Văn Tạo (con trai út cụ Triệu Thị Mão) kiến nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét lại Quyết định kháng nghị bản án số 58/2008/DSPT, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người có liên quan, đồng thời cũng để cho hương hồn cụ Mão được yên nghỉ nơi suối vàng.

Trong nỗi đau bị xô đẩy vào vòng xoáy kiện tụng hao tiền, tốn sức kéo dài suốt hơn một thập kỷ, ông Nguyễn Hữu Xưởng, con rể mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão quyết định gửi bức tâm thư đến Chánh án TAND Tối cao chỉ với mong muốn vụ án này sẽ được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử công tâm,đúng pháp luật theo quyết định Giám đốc thẩm.

Trong bức “tâm thư” gửi Chánh án TAND Tối cao, gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão kiến nghị ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo, giám sát TAND TP. Hà Nội tiến hành xét xử vụ án trên thấu tình đạt lý theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến “kỳ án” kéo dài hơn 10 năm ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, trong thời gian qua, hàng loạt các cơ quan báo chí đã phản ánh rõ ràng vụ án này: “Cần trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình mẹ liệt sỹ!” - Báo Bảo vệ pháp luật; “Công dân hoang mang vì quyết định mâu thuẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao” - Báo Dân trí; “Chưa sinh ra đã phải làm...nhân chứng” - Báo Gia đình & Xã hội; “Một vụ án giữ kỷ lục về số lần xét xử” - Báo Đời sống & Pháp luật. “Bản án kháng nghị không thuyết phục” - Báo Lao động; “Vì sao “tiền hậu bất nhất”?” - Báo Quân đội nhân dân; “Liệu công lý có được thực thi” - Báo Thanh tra...
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương