Kiên Giang - Bài 8:
Thanh tra Chính phủ chuẩn bị đối thoại với cụ bà dành nửa đời người đòi 5.400m2 đất!
(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí có bài phản ánh “Vì sao chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chưa được thực hiện?”, ngày 10/5, gia đình cụ Thị Sảnh nhận được công văn của Thanh tra Chính phủ về việc cơ quan này phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sẽ đối thoại với gia đình cụ Sảnh vào 28/5 .
Gia đình bà Sảnh sắp được đối thoại
Theo đó, ngày 8/5, Chánh văn phòng Thanh tra Chính phủ Đỗ Đức Toàn ký công văn số 678/TTCP- C.III về việc đối thoại giải quyết khiếu nại đối với công dân tỉnh Kiên Giang.
Nội dung công văn nêu: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại văn bản số 13041/VPCP – V.I ngày 15/12/2017 về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ TN –MT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang để làm rõ nội dung khiếu nại của bà Thị Sảnh (khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), có phương án giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4836/VPCP –V.I ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức buổi đối thoại với gia đình cụ Sảnh (người được ủy quyền theo pháp luật là ông Danh Leo – con cụ Sảnh) vào lúc 8h ngày 28/5 tại UBND tỉnh Kiên Giang.
Chủ trì buổi đối thoại này là Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực III. Ngoài ra còn có Đoàn Thanh tra theo quyết định lập đoàn của Tổng Thanh tra Chính phủ; đại diện Bộ TN –MT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang.
Ông Danh Leo, chia sẻ: “Nhận được công văn gia đình tôi rất vui. Rất mong qua buổi đối thoại lần này, các cơ quan thấy được nổi khổ của mẹ tôi trong việc dành hơn nửa đời người đòi 5.400m2 đất mà chính quyền huyện An Biên lấy làm nhà thiếu nhi từ những năm 1983. Vì giữ mảnh đất này, mẹ tôi từng bị bắt, khởi tố bị can từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào nói lời xin lỗi”.
Vì giữ mảnh đất này, bà Thị Sảnh từng bị Cơ quan điều tra Công an huyện An Biên khởi tố bị can vào năm 1996
Liên quan đến quyết định khởi tố vụ án số 25, ngày 16/8/1996 của VKS huyện An Biên và quyết định khởi tố bị can số 71, ngày 16/8/1996 của Cơ quan điều tra công an huyện An Biên, ông Nguyễn Chí Trung – Viện trưởng VKSND huyện An Biên, cho biết: “Qua kiểm tra không có hồ sơ về việc khởi tố bị can đối với bà Sảnh. Sự vụ này chỉ có hồ sơ bên Công an huyện An Biên”.
PV Dân trí đã liên hệ với Công an huyện An Biên và được Trưởng Công an huyện này hẹn tuần sau sẽ cung cấp thông tin vụ việc bà Thị Sảnh bị khởi tố bị can vào năm 1996 cho báo Dân trí.
Nguồn gốc đất…
Như Dân trí đã phản ánh, Bà Thị Sảnh có mảnh đất hơn 5.400m2 ở khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Mảnh đất này do ông bà khai phá và để lại cho vợ chồng bà Thị Sảnh canh tác từ trước năm 1975. Và khi quốc lộ 63 đi qua, chia mảnh đất 5.400m2 bà Thị Sảnh ra 2 phần, phần diện tích 4.500m2 nằm phía trên quốc lộ 63, phần 900m2 nằm cặp kênh Xẻo Rô.
Đến 1983, chính quyền huyện An Biên đến “vận động” gia đình bà Thị Sảnh cho mượn 5.400m2 mở lối đi ra sân bóng và sau đó sử dụng xây dựng Nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, thời điểm đó, chính quyền địa phương không hỗ trợ hay bồi hoàn gì cho bà Sảnh.
Hiện nay cụ Sảnh đã 91 tuổi, ông Danh Leo lo mẹ mình không biết có cơ hội nhận lại phần đất mà bà dảnh nửa đời người đi đòi hay không
Đến 1995 bà Thị Sảnh có đơn gửi đến UBND huyện An Biên yêu cầu Nhà nước giao trả hoặc bồi thường phần đất 5.400m2 cho bà.
Sau khi tiếp nhận đơn của bà Thị Sảnh, từ 1995 đến 2009, UBND huyện An Biên, UBND tỉnh Kiên Giang lần lượt ra các quyết định giải quyết không thừa nhận khiếu nại của bà Thị Sảnh; giao UBND huyện An Biên giao cấp đất và cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 95,5m2 (trong số diện tích 411m2 cặp kênh Xẻo Rô) cho bà Thị Sảnh làm nhà ở. Bà Thị Sảnh không đồng ý nên có đơn gửi đến Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương.
Ông Võ Minh Tý cho biết, vì lợi ích chung và tâp thể quyết định nên ông chỉ đạo lấy đất của bà Sảnh. Nhiều lần ông đứng ra và kể cả viết giấy tay gửi các cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương để xác minh sự thật về nguồn gốc đất của bà Sảnh là có thật
Về nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh đã được ông Danh Long, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba (là người trực tiếp đến nhà vận động bà Thị Sảnh giao đất cho nhà nước) và ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch huyện, nguyên Bí thư huyện ủy An Biên (từ 1989 - 2000) xác nhận về nguồn gốc 5.400m2 đất của bà Thị Sảnh cũng như việc chính quyền địa phương đã vận động bà giao diện tích đất này để làm khu vui chơi cho trẻ em từ 1983 - 1989.
Chính phủ vào cuộc…
Những tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ, Ngành liên quan lập đoàn thanh tra kiểm tra lại nội dung khiếu nại của bà Thị Sảnh. Đến 04/8/2016, Đoàn Thanh tra Chính phủ đến làm việc với ông Danh Long – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba là người xác nhận nguồn gốc đất cho bà Thị Sảnh.
Trong biên bản làm việc, ông Danh Long tiếp tục khẳng định từ năm 1983 (lúc Nhà nước thu hồi đất), gia đình bà Thị Sảnh liên tục ở trên phần đất cũ như ông xác nhận, trừ phần đất Nhà nước đã lấy làm Nhà văn hóa.
Làm việc với Đoàn Thanh tra Chính phủ, ông Danh Long - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba tiếp tục khẳng định, từ năm 1983, gia đình bà Sảnh liên tục ở trên phần đất cũ còn lại, trừ phần đất đã làm nhà văn hóa
Trong khoảng thời gian này, Đoàn Thanh tra Chính phủ cũng làm việc với ông Võ Minh Tý – Nguyên Chủ tịch UBND huyện An Biên. Tại buổi làm việc, ông Tý tiếp tục khẳng định UBND huyện có lấy đất của bà Sảnh làm Nhà văn hóa là sư thật, đúng như giấy xác nhận viết tay của ông.
Ngày 13/10/2017, UBND tỉnh Kiên Giang mời gia đình ông Danh Leo lên trụ sở tiếp công dân của tỉnh để đối thoại với Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ TN – MT, và UBND tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu ông làm đơn xác minh lại nguồn gốc 5.400m2 đất để làm cơ sở trình Thủ tướng xin ý kiến giải quyết vụ việc.
Công văn chuyển đơn yêu cầu của ông Danh Leo đến Thanh tra Chính phủ của UBND tỉnh Kiên Giang
Đến ngày 15/12/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 13401, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN –MT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang đối thoại lại với bà Sảnh để làm rõ nội dung khiếu nại, có phương án giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4836/VPCP-V.I, ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 01/02/2018.
Không nhận được kết quả giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ, gia đình ông Danh Leo trực tiếp đến Trụ sở tiếp Công dân Trung ương gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh Thanh tra Chính phủ chậm trả lời vụ việc thì 16/1/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu sớm trả lời cho công dân theo quy định pháp luật.
Công văn của Văn phòng Chính phủ nhắc nhở Thanh tra Chính phủ về việc xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của ông Danh Leo theo đúng quy định pháp luật
Và ngày 11/4/2019, ông Danh Leo tiếp tục có đơn đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và tỉnh Kiên Giang tổ chức đối thoại lại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại công văn số 13401, ngày 15/12/2017.
Nguyễn Hành