Thanh Hóa:

Thanh Hóa: Nhiều sai phạm trong thực hiện một số chính sách dân tộc!

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chất lượng và hiệu quả của một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế. Đồng thời, đơn vị này còn phát hiện một số sai phạm, phải thu hồi, giảm trừ quyết toán, yêu cầu khắc phục sai phạm. Ngoài ra, trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn, một số nơi không cấp tiền hỗ trợ cho người dân.

Xử lý, thu hồi hàng tỷ đồng sai phạm

Trong giai đoạn 2011 - 2017, ước tính tổng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa là gần 5.825 tỷ đồng. Trong đó, Ban dân tộc Thanh Hóa tham mưu, quản lý theo dõi kinh phí là 1.988 tỷ đồng, các ngành là 3.836,4 tỷ đồng. Bình quân mội năm, kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc là hơn 832 tỷ đồng.

Việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn một số sai phạm
Việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn một số sai phạm

Theo báo cáo của Ban dân tộc Thanh Hóa, từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Ban dân tộc đã xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán gần 600 triệu đồng, yêu cầu xử lý khác (hoàn thiện lại, trả lại cho dân...) hơn 2,2 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước thu hồi gần 400 triệu đồng, giảm trừ quyết toán gần 300 triệu đồng.

Có tình trạng nêu trên là do chương trình triển khai trên địa bàn rộng lớn, đi lại khó khăn; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến thực hiện các chính sách dân tộc; chưa bố trí, sắp xếp đủ số lượng và chưa bố trí cán bộ, công chức có năng lực để tham mưu cho chính quyền địa phương làm công tác dân tộc.

Về hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình 135, do quy định của nhà nước nên các công trình thôn, bản vốn ít, quy mô nhỏ vẫn phải thực hiện chủ trương đầu tư theo quy định, làm giảm kinh phí đầu tư trực tiếp vào công trình.

Đối với hợp phần dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 và Chương trình theo Nghị quyết 30a còn dàn trải, chưa tích hợp, lồng ghép dự án với nhau. Trong khi đó, tính chất thời vụ của sản xuất nông nghiệp, thời gian giao vốn chậm, việc bình xét đối tượng thụ hưởng và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án kéo dài nên nội dung hỗ trợ chưa thực hiện được trong năm, phải chuyển sang năm sau hoặc triển khai kém hiệu quả.

Đồng thời, định mức hỗ trợ thấp so với giá cả thị trường nên không lựa chọn được giống tốt, nhiều nơi chất lượng con giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm định, chất lượng con giống kém, người dân không được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh..., dẫn đến hiệu quả chính sách hạn chế...

Có nơi không cấp tiền hỗ trợ cho dân

Theo Ban dân tộc Thanh Hóa, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo quyết định 102/QĐ-TTg có định mức quá thấp; một số nội dung hỗ trợ bằng hiện vật trùng với chính sách của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a; việc cấp muối i ốt và bột canh hiện nay đã không còn phù hợp với một số nơi, vì hiện nay giao thông phát triển, nhiều thôn, bản đã có nhiều đại lý, cửa hàng cung ứng các mặt hàng này.

Dê đi lạc vào nhà quan ở Thanh Hóa năm 2015
Dê "đi lạc" vào nhà quan ở Thanh Hóa năm 2015

Đặc biệt, qua giám sát, phát hiện nhiều nơi người dân chưa hiểu được nội dung của chính sách, số lượng hiện vật và tiền mặt được cấp phát khi được hỏi người dân không nắm được số lượng cụ thể. Tại huyện Quan Hóa có một số nội dung hướng dẫn thực hiện chính sách chưa đúng theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của các ban, ngành.

Việc rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu khẩu nghèo không trùng thời điểm, độ chính xác chưa cao, số khẩu nghèo sau rà soát ở một số nơi có sự chênh lệch lớn như: Huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành,...

Việc phối hợp giữa Công ty cổ phần thương mại miền núi với các huyện và các xã chưa chặt chẽ, dẫn đến việc cấp phát hiện vật và tiền mặt không cùng một thời điểm theo hướng dẫn. Thậm chí, đơn vị này không tổ chức cấp phát trực tiếp đến từng hộ nghèo mà giao cho trưởng thôn làm là trái với quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đến cấp sai đối tượng như ở huyện Quan Hóa, số tiền cấp phát Chi nhánh Công ty thương mại Quan Hóa vẫn hưởng trên 72 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân sử dụng tiền hỗ trợ chưa đúng mục đích, có một số xã của các huyện như: Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước... dùng số tiền mặt được cấp chuyển sang mua phân bón với Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại miền núi.

Tuy nhiên, việc mua bán không có hợp đồng, không có sổ ghi chép, chứng từ thanh toán, cá biệt có nơi còn sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước vào các khoản đóng góp ở địa phương hoặc không chi trả cho dân như: Quan Hóa, Quan Sơn..., làm mất tác dụng, ý nghĩa nhân văn của chính sách...

Tiền hỗ trợ một số nơi không cấp cho dân
Tiền hỗ trợ một số nơi không cấp cho dân

Trách nhiệm của Ban dân tộc, mặc dù là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh nhưng chưa bao quát hết được công tác dân tộc và chính sách dân tộc nên có việc tham mưu còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động đến đồng bào các dân tộc miền núi trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án, chính sách dân tộc có lúc, có nơi còn chưa kịp thời.

Đồng thời, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc nắm bắt kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc do các sở, ban, ngành tham mưu quản lý, chỉ đạo còn hạn chế. Việc rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung của các chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương chưa thường xuyên.

Ban dân tộc Thanh Hóa đánh giá, nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, lực lượng mỏng, nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm