Thanh Hóa: Người dân tái định cư của nhà máy thủy điện bị làm khó
(Dân trí) - Những phần đất bạc màu, sỏi đá, hay những vị trí dốc nghiêng, vách thẳm khó có thể trồng cây được chia cho người dân tái định cư sản xuất. Nhận đất nhưng nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, sản xuất...khiến các hộ dân chưa yên tâm.
Dự án thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên dòng sông Mã, đoạn qua địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa vào tháng 11/2012. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2016 công tác di dân để xây dựng nhà máy sẽ được tiến hành. Để phục vụ dự án, một số các hộ dân xã Trung Sơn nằm trong phạm vi lòng hồ buộc phải sơ tán đến khu tái định cư mới.
Theo đó, bản Tà Bán, xã Trung Sơn có 221 hộ với 839 nhân khẩu và bản Xước có 34 hộ với 120 nhân khẩu sẽ chuyển đến ở 5 khu thuộc dự án tái tái định cư thủy điện Trung Sơn gồm: Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa và Tà Bục.
Khi về địa điểm mới thuộc dự án tái định cư, cuộc sống của người dân đã gặp nhiều khó khăn như: Thiếu nước sinh hoạt, đất được chia thuộc loại đất bạc màu, nhiều sỏi đá không thể trồng cây hoa màu phục vụ đời sống. Nhiều hộ dân được chia cả phần đất dốc, nghiêng, vách sâu, gây khó khăn cho quá trình lao động, sản xuất, trồng trọt. Thậm chí, nhiều hộ dân được chia cả vào phần đất của người khác hiện vẫn chưa được giải phóng, đền bù. Chính vì những lí do trên nên đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân vẫn chưa bằng lòng về nhận đất để ổn định cuộc sống tại khu tái định cư.
Bà Phạm Thị Pán (54 tuổi), khu Pom Chốn, bản Tà Bán, chia sẻ: “Nước sinh hoạt lúc có lúc không, nước không đủ dùng, vườn được giao thì toàn đá nên khó có thể trồng cây. Khi chia đất lại chia cả đất vách, dốc nghiêng thì làm sao sản xuất nổi nên nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận đất. Ruộng lúa trước kia đã nằm dưới lòng hồ, giờ phải đi xa 7 - 8 km đường rừng để khai hoang trồng lúa”.
Trong quá trình san lấp mặt bằng để xây dựng các điểm tái định cư, toàn bộ lớp đất màu phía trên đã bị san ủi để lại phần đất đá, sỏi cằn cỗi phía dưới nên khó có thể trồng trọt. Muốn trồng cây người dân buộc phải dùng xe chở lấy phần đất màu mỡ ven lòng hồ mang về đắp vào vườn, nếu không chở đất về sẽ không thể tiến hành sản xuất, trồng trọt.
Ông Phạm Bá Lâm (55 tuổi), khu Pom Chốn, bức xúc: “Nguồn nước không đủ để dùng, thiếu đất vườn để trồng hoa màu. Đất vườn được chia toàn đất xấu, đất đá nên không thể trồng trọt, muốn trồng trọt phải dùng xe vận chuyển đất màu dưới hồ lên để làm vườn, giờ nước lòng hồ dâng cao nên không thể lấy đất về được rồi. Mỗi hộ 5 khẩu cũng chỉ được chia 700 m2 đất, giờ đi trồng lúa, ngô, sắn cũng phải đi xa mất 7 - 8 km, hiện tại nước lòng hồ dâng cao khó có thể đi qua”.
Trước những quyền lợi chính đáng của người dân trong khu tái định cư thủy điện Trung Sơn, ông Phạm Bá Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: “Những phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng. Hiện đã xảy ra tình trạng chia đất xấu, đất đá và chia cả đất dốc, vách nghiêng cho dân. Nguyên nhân do quỹ đất của xã đã hết, xã không còn quỹ đất để chia cho dân”.
Ông Phạm Bá Khánh - Cán bộ Địa chính UBND xã Trung Sơn, bộc bạch: “Việc người dân phản ánh là hoàn toàn đúng, do quỹ đất của xã đã hết, không còn quỹ đất để chia nên buộc phải chia đất xấu, cả phần đất dốc, vách nghiêng cho dân. Ruộng đất tốt giờ đã nằm trong lòng hồ nên không còn đất tốt để chia. Đất khai hoang mới toàn là đất dốc, xấu. Để trồng hoa màu người dân phải đi xa ít nhất 7 - 8 km nên cũng rất vất vả”.
Lô Giang - Duy Tuyên