Thanh Hóa: Dân tố cán bộ xã vòi tiền “bôi trơn” khi làm giấy khai sinh
(Dân trí) - Không chỉ xử phạt các hộ dân sinh con thứ 3 trái quy định, cán bộ Tư pháp xã Mỹ Lộc còn bị người dân tố cáo vòi tiền “bôi trơn” khi đến đăng ký khai sinh. Nhiều hộ dân trong xã cũng sinh con thứ 3 nhưng lại không bị cán bộ Tư pháp này xử phạt.
Anh K thôn Liên Hoan cho hay, thời điểm anh đến UBND xã Mỹ Lộc đăng ký làm giấy cho đứa con trai thứ 3, cán bộ Tư pháp xã nói gia đình anh đã vi phạm chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) phải nộp phạt từ 700 - 1 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh. Anh K phân vân vì thấy quy định mới không hề có đề cập đến việc xử phạt gia đình sinh con thứ 3, trừ cán bộ Đảng viên thì phải xử lý kỷ luật. Chưa hiểu rõ sự việc, anh K được cán bộ Tư pháp xã là anh Phí Văn Tân đưa ra một quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu nộp tiền nếu muốn làm giấy khai sinh cho con.
“Sợ con phải đăng ký khai sinh muộn nên tôi trình bày hoàn cảnh gia đình, xin cán bộ Tư pháp phạt mức thấp nhất nhưng anh này vẫn không nghe. Tôi phải nhờ người quen làm ở xã xin, anh này mới hạ mức phạt xuống thấp nhất là 500.000 đồng. Để được nhận mức phạt thấp này, cán bộ Tư pháp còn đòi tôi phải đưa thêm 100.000 đồng tiền “bôi trơn”. Cả tiền phạt, tiền “bôi trơn”, tiền làm giấy khai sinh cho con, tôi mất hơn 600.000 đồng” - Anh K nói.
Cũng theo anh K, không chỉ xử phạt mình gia đình anh mà nhiều gia đình khác trong cũng phải nộp phạt vì sinh con thứ 3. Điều này không hề đúng với Nghị định 176/2013/NĐ-CP mà Chính phủ đã ban hành. Nghị định này không đề cập đến việc xử phạt hành chính đối với hộ dân sinh con thứ 3.
Một điều lạ nữa đó là một số hộ dân ở thôn của anh K cũng sinh con thứ 3 nhưng khi đến làm giấy khai sinh lại không bị cán bộ Tư pháp này xử phạt mà vẫn được cấp giấy khai sinh. Điều này khiến nhiều người bị phạt tỏ ra nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong việc thực hiện quy định Nhà nước của UBND xã Mỹ Lộc.
Về việc bị tố vòi tiền “bôi trơn”, ông Tân phủ nhận hoàn toàn và cho hay: “Không hề có chuyện tôi nhận tiền như người dân nói. Việc tôi yêu cầu nộp phạt theo quy định là có chứ tôi không đòi tiền “bôi trơn”. Người dân có nhờ người khác đưa phong bì cho tôi nhưng tôi nói: Anh làm thế là không được, sau đó tôi không nhận? Còn tiền làm giấy khai sinh và lệ phí hết 30.000 đồng là do hộ dân đó lấy nhiều bản sao?”.
Anh K khẳng định, để được nhận mức phạt 500.000, chính vị cán bộ Tư pháp xã nói với anh là phải mất 100 nghìn tiền công. “Tôi kẹp tiền vào cuốn sổ và đưa cho anh cán bộ này. Sau khi báo đăng bài, anh này còn nhờ người căn dặn tôi là không được nói việc phải đưa 100 nghìn ấy” – anh K nói.
Liên quan đến việc thu tiền phạt trái với quy định của các hộ dân trong xã khi sinh con thứ 3, trao đổi với Dân trí ông Lê Xuân Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, sau khi báo có bài phản ánh xã đã họp chấp hành Đảng ủy để giải quyết những vấn đề này.
“Việc UBND xã thực hiện theo quy định cũ xử phạt các hộ dân sinh con thứ 3 là do cán bộ chuyên môn (cán bộ Tư pháp) không nắm bắt được thông tin về Nghị định mới. Xét thấy việc làm này là không đúng nên chúng tôi đã tổ chức mời các hộ dân đến giải thích và trả lại tiền”.
Cũng theo ông Bảy, từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn toàn xã Mỹ Lộc có 7 trường hợp sinh con thứ 3 đã bị UBND xã ra quyết định xử phạt. Các hộ dân phải nhận mức phạt từ 300 - 500 nghìn đồng. Tổng số tiền phạt là 2.900.000 đồng.
“Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ Tư pháp kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Việc này cũng chưa có sai sót lớn nên chưa đến mức kỷ luật. Việc chưa nắm bắt được nghị định mới về chính sách DS&KHHGĐ tôi cũng đã cho cán bộ dân số và tư pháp đến phòng tư pháp và Ban dân số của huyện để hỏi. Họ nói cũng chưa cập nhập được về Nghị định mới này?”.
Thái Bá