Thanh Hóa: Chính quyền có “ép” người lao động?

(Dân trí) - Khuyến khích dân vay ngân hàng hàng tỷ đồng để đầu tư máy găt phục vụ bà con trong xã thế nhưng mới chỉ được một thời gian, chính quyền xã lại tìm cách “gây khó” khiến người nông dân vô cùng bức xúc.

Theo đơn phản ánh của bà Mai Thị Thêm, thôn 3, xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thì năm 2011, xã có chính sách xây dựng cánh đồng mẫu lớn 320 ha đạt năng suất cao để đưa cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng phục vụ nhân dân. Lãnh đạo xã đã khuyến khích bà con mua máy gặt lúa đập liên hợp theo dự án của nhà nước. Lúc này, chỉ có gia đình bà là đứng ra vay ngân hàng hàng tỷ đồng để mua máy.

Tính từ năm 2011 cho đến nay, gia đình bà Thêm đã đầu tư 7 chiếc máy gặt lúa đập liên hợp và được nhà nước hỗ trợ 20% số tiền trong tổng số tiền mua máy. Trong những năm qua, gia đình bà Thêm đã phục vụ cho hàng trăm ha lúa của bà con trong xã và thu tiền với mức giá phải chăng. Có những vụ bà con mất mùa, bà Thêm còn giúp đỡ không lấy tiền hoặc lấy với giá rẻ nên được bà con trong vùng vô cùng ủng hộ.

Bà Thêm bên chiếc máy gặt đập liên hợp được chính quyền khuyến khích mua để phục vụ bà con nông dân
Bà Thêm bên chiếc máy gặt đập liên hợp được chính quyền khuyến khích mua để phục vụ bà con nông dân

Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Thêm thì từ khi ông Chủ tịch xã cũ luân chuyển đi vị trí khác, ông Chủ tịch xã mới lên thay thì lại “gây khó” cho gia đình bà và cho bà con nông dân.

Bà Thêm bức xúc cho biết: “Khi xã khuyến khích gia đình tôi mua máy thì nói là cho gia đình tôi phục vụ liên tục bà con trong xã trong vòng 5 năm. Nếu tính cái đầu tiên tôi mua từ năm 2011 thì đã hết 5 năm nhưng số máy tôi ký hợp đồng mua sau thì mới chỉ được vài năm mà xã lại đưa máy gặt bên ngoài vào để thu lợi nhuận cao”.

“Vụ mùa năm 2016, chính quyền lại bắt gia đình tôi thu giá tiền gặt lên cao hơn so với trước đây. Nếu lâu nay gia đình tôi chỉ lấy giá gặt 200 nghìn đồng/sào đối với đồng bãi; 180 nghìn đồng/ sào đối với đồng cồn thì bây giờ xã yêu cầu gia đình tôi lấy thêm 210 nghìn đồng nếu đồng bãi còn 190 nghìn đồng nếu đồng cồn. Rồi trích 20% cho Hợp tác xã. Nếu không làm theo thì xã sẽ đưa máy gặt khác vào. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý thu thêm tiền của nông dân. Do xã ép quá nên trong cuộc họp, tôi chỉ đồng ý trích 15 triệu đồng cho Hợp tác xã” - bà Thêm cho biết thêm.

Điều mà người nông dân này lo lắng là không biết, vụ này xã lấy của gia đình bà 15 triệu đồng thì những vụ sau có tiếp tục nâng mức thu này lên hay không vì họ luôn “dọa” gia đình bà sẽ đưa máy gặt bên ngoài vào.

Bà con nông dân lo lắng nếu chính quyền xã yêu cầu gia đình bà Thêm tăng tiền gặt
Bà con nông dân lo lắng nếu chính quyền xã yêu cầu gia đình bà Thêm tăng tiền gặt

Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân xã Nga An chia sẻ: “Nếu xã mà yêu cầu gia đình bà Thêm thu thêm tiền gặt của chúng tôi thì người dân chúng tôi thiệt thòi quá. Làm được hạt lúa đổ mồ hôi sôi nước mắt mà các ông lãnh đạo có hiểu được đâu. Nếu thu thêm tiền gặt thì người làm ruộng ít thì thiệt ít, người làm ruộng nhiều thì thiệt nhiều. Có những gia đình làm cả mẫu ruộng thì số tiền tăng lên cả trăm nghìn. Đối với người nông dân bớt một xu cũng quý lắm rồi đằng này không bớt thì thôi lại còn đòi thu thêm”.

“Có những vụ mất mùa, bà Thêm thường lấy tiền dầu cho máy chứ không lấy tiền công, tiền lời. Bây giờ chính quyền ép bà ấy thì bà ấy lại phải đổ đầu vào người dân chúng tôi thôi. Làm được hạt lúa vất vả mà công nọ công kia thành ra người dân thu về chẳng được bao nhiêu” - Ông Nguyễn Văn Chiểu, người dân xã Nga An than thở.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Văn Tuấn cho biết ông không biết việc Hợp tác xã yêu cầu gia đình bà Thêm đóng 15 triệu đồng. Trong cuộc họp giữa gia đình bà Thêm và Hợp tác xã, ông không có mặt. “Nếu có thu cũng là thu tiền phí công tác quản lý điều hành của Hợp tác xã. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cho họp lại để thống nhất thu ở mức tương đối chứ nếu gia đình bà ấy làm không được bao nhiêu mà thu những 15 triệu một vụ là cũng không được” - ông Tuấn nói.

“Còn việc bà Thêm phản ánh xã yêu cầu gia đình bà thu thêm tiền gặt của dân là không đúng. Xã không áp đặt giá. Việc máy ở bên ngoài vào là việc của họ, xã không can thiệp được. Nếu gia đình bà Thêm làm có uy tín thì máy bên ngoài vào người dân vẫn làm của gia đình bà ấy thôi”- ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Hóan, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cho rằng: “Đúng ra là phải đóng tiền dịch vụ nông nghiệp 10 nghìn đồng/sào. Thế nhưng, trong cuộc họp chúng tôi cũng chưa nói gì đến vấn đề tiền nong. Số tiền 15 triệu đồng là bà Thêm tự nguyện ủng hộ chứ chúng tôi không yêu cầu”.

Bình Minh