Thanh Hóa: Ai ăn bớt công trình của Chính phủ?
(Dân trí) - Được Chính phủ hỗ trợ xây công trình nước sinh hoạt cho dân theo Chương trình 134 với tổng số vốn đầu tư 800 triệu đồng. Thế nhưng, người dân nghèo chỉ biết xót xa nhìn công trình “xây cho có” nhiềm năm qua mà không được sử dụng.
Công trình bị “bỏ sót” đập đầu nguồn
Theo phản ánh của người dân xã Luận Khê (Thường Xuân - Thanh Hóa) thì mặc dù năm 2008, xã được nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền xây hai công trình nước sinh hoạt tại hai bản Ngọc Trà và bản Mơ để đáp ứng nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân và hai điểm trường lẻ. Tuy nhiên, từ khi công trình được cho là hoàn thành đến nay người dân không được sử dụng vì bể không có nước, đường ống dẫn thì không bao lâu đã bị vỡ, hư hỏng…
Được biết, hai công trình được UBND huyện Thường Xuân giao cho UBND xã Luận Khê làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Lam Sơn; đơn vị thẩm tra thiết kế dự toán: Cty TNHH tư vấn XD-GT-TL Lam Sơn; đơn vị thi công: Cty TNHH Hợp Tiến - Thọ Xuân. Cả hai công trình được đưa vào khởi công xây dựng năm 2008 và hoàn thành vào tháng giữa năm 2009.
Trong thiết kế, mỗi công trình nước sinh hoạt này phải có các hạng mục như: Đập đầu nguồn, hệ thống đường ống và hệ thống bể chứa. Tuy nhiên, cả hai công trình chỉ được xây hệ thống bể chứa và hệ thống đường ống còn đập đầu nguồn đều bị nhà thầu “bỏ sót”.
Cũng theo người dân phản ánh thì từ khi thi công đến nay, công trình chứa nước sinh hoạt tại bản Ngọc Trà có hai bể chứa nước, tại bản Mơ có 3 bể chứa thì tất cả đều không có nước. Không bao lâu sau ngày “hoàn thành”, các bể nước trên xuất hiện vết nứt, rạn vỡ, hệ thống ống nước cũng bị vỡ, hư hỏng do đào đất chôn quá nông.
Ông Cầm Bá Dũng thôn Ngọc Trà cho biết: “Khi chính quyền làm công trình này không thấy họp dân để bàn bạc gì cả chứ nếu họp thì chúng tôi sẽ không đồng ý cho làm như thế vì không đảm bảo, làm ở vị trí rất khó để có thể dẫn nước vào bể. Hơn nữa, tôi nghe nói công trình phải có đập đầu nguồn nhưng cả hai công trình không thấy xây đập đâu cả. Đường ống nước thì bị lũ cuốn vì chôn quá nông, bể thì còn nhưng không sử dụng được. Làm thế này lãng phí tiền của nhà nước quá. Xây công trình để cho dân dùng nước sạch nhưng dân có được sử dụng đâu, họ làm cho có thôi, mùa khô cả trăm hộ dân phải đi gánh nước khe về sử dụng”.
Cũng theo người dân sống ở thôn Ngọc Trà thì sau khi hoàn thành, thôn bản thấy không có nước vào bể nên không ký vào biên bản bàn giao, nghiệm thu công trình.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lang Văn Thỏa - Phó Chủ tịch UBND xã Luận Khê cho biết: “Tôi mới lên làm Phó chủ tịch nên không nắm được cụ thể về hai công trình này. Thời điểm đó là ông Lang Thanh Lê làm Chủ tịch (hiện giữ chức vụ Bí thư xã). Tuy nhiên, theo tôi được biết thì cả hai công trình đều không xây đập mà chỉ xây bể chứa nước và hệ thống đường ống nhưng chỉ được một thời gian thì ống nước bị lũ cuốn trôi, nước không thể dẫn lên bể được”.
Cũng theo ông Thỏa thì hiện tất cả hồ sơ liên quan đến hai công trình trên đang lưu ở trên huyện chứ ở xã không còn nữa.
Khi PV trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng huyện Thường Xuân đề nghị được làm việc về vấn đề trên với ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện nhưng vị này cho biết ông Xuân bận họp nên không thể tiếp được.
Cũng theo ông Hoàn thì hai công trình nước sinh hoạt tại xã Luận Khê được UBND huyện giao cho xã làm chủ đầu tư thì hồ sơ liên quan phải được lưu ở xã chứ không thể ở huyện như ông Thỏa nói được.
Nhiều sai phạm do đâu?
Thường Xuân là một trong những huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, huyện Thường Xuân rất được nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách cho bà con xóa đói giảm nghèo như chương trình 134, 135 …Tuy nhiên, tại huyện này đã liên tiếp xảy ra việc tắc trách, quản lý lỏng lẻo của cấp trên khiến cho cấp dưới gây thất thoát, lãng phí không ít ngân sách của nhà nước, gây bức xúc cho dư luận.
Trước đó, Dân trí đã có hai bài phản ánh về việc sai phạm trong sử dụng nguồn vốn từ chương trình 134 của Chính phủ tại huyện này.
Đó là sai phạm trong công trình nước sạch lên đến hơn 80 triệu đồng tại xã Ngọc Phụng nhưng sau khi bị thanh tra phát hiện, cả phía nhà thầu cùng phía huyện mặc nhiên không khắc phục. Ngoài ra, tại xã Xuân Thắng, lãnh đạo xã câu kết nhau lập hồ sơ khống để “ỉm’ tiền trâu bò của hộ nghèo với số tiền 70 triệu đồng. Sự việc được phanh phui từ cuối năm 2014 nhưng cho đến nay, các đối tượng vẫn chưa bị xử lý.
Điều đáng nói, dù để xảy ra liên tiếp những sai phạm liên quan đến tài chính của Chính phủ cấp về nhưng lãnh đạo huyện này luôn “né tránh” báo chí mỗi khi được đề nghị làm việc. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không sự “tiếp tay” của chính quyền huyện Thường Xuân cho việc làm tắc trách của cấp dưới?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Thùy