Tham lam đất cát mất tình anh em

Tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng làm cho mọi mặt của đời sống xã hội cũng thay đổi đáng kể. Đất đai tự nhiên tăng giá vùn vụt. Xung quanh vấn đề này đã nảy sinh bao chuyện vui, buồn, dở khóc, dở cưòi, thậm chí còn dẫn đến bi kịch...

Gia đình nhà bà Hằng cũng nằm trong vòng xoáy đó. Tất cả chỉ vì cái thói tham lam ích kỷ mà ra cả. Mấy đứa con của bà do tranh giành đất cát thiệt, hơn mà dẫn đến cảnh mất tình anh em, trở thành người dưng nước lã...

Bà Hằng có năm người con, tất cả giờ đã có vợ có chồng. Do chịu khó góp nhặt, làm lụng chăm chỉ nên bà Hằng đã mua được mấy thửa đất. Về phần các con bà, khi ra ở riêng, ông bà đã lo cho mỗi đứa một phần đất đai, có nhà cửa tươm tất. Do còn khoẻ mạnh nên hai ông bà quyết định vẫn ở riêng chứ không chịu về sống chung với con trưởng hay con thứ nào cả. Lâu lâu nhớ con, nhớ cháu thì ông bà ghé thăm. Kể ra nghĩ như vậy cũng phải, đỡ lệ thuộc vào đứa con nào.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Thế rồi, đùng một cái ông Hằng bị cảm đột ngột và qua đời. Ông Hằng mất rồi, nhà thì rộng rãi, chỉ còn mỗi mình bà thật buồn. Con cái thấy vậy khuyên nhủ bà chuyển về ở với các con cho vui vầy. Đắn đo rồi bà cũng quyết định về ở với anh con cả. Ngôi nhà ông bà Hằng ở giờ bỏ không. Các con bà bàn bạc “hay là bán căn nhà đi vì hiện nhà đất cũng đang được giá”. Tuy nhiên, anh con cả lại không muốn bán. Thực ra anh cũng muốn giữ lại để gia đình sử dụng. Vì nhà anh cũng đông con, trước sau gì nhu cầu nhà ở cũng cần đến. Anh định chia cho mỗi em một ít tiền coi như là phần thừa hưởng từ mảnh đất chung của bố mẹ. Tuy ý định tốt đẹp là thế song việc thực hiện nó lại là cả vấn đề...

Anh định tháng sau sẽ đưa cho các em số tiền này. Nhưng một hôm có người đến hỏi mua nhà và mảnh đất. Họ trả giá cũng khá cao. Không ai bảo ai, vì thấy số tiền anh cả hứa chia cho các em có sự chênh lệch khá lớn nên mọi người đã lên tiếng. Không dằn được lòng mình, chú em thứ tư đã đề nghị bán cho người khách nọ. Cái gì đến đã phải đến. Mâu thuẫn giữa mấy anh em đã nảy ra. Hàng xóm đã phải hú hồn chứng kiến một cảnh tượng thật đau lòng. Vì bênh bố mình, thằng con của chú em thứ tư đã văng tục ra với bác cả của mình. Thậm tệ hơn, cậu ta còn vác dao ra doạ chém bác... May mà ông khối trưởng đến kịp thời không thì xảy ra án mạng cũng nên!

Chuyện thật buồn. Giá như mỗi người bình tĩnh hơn một chút và đừng tham lam, ích kỷ như thế thì cảnh tượng đau lòng trên đã không xảy ra. Anh em "lọt sàng xuống nia" đi đâu mà thiệt.

Quả thật, tham lam là một thói hư tật xấu mà ai cũng có thể mắc phải. Theo phật giáo thì "tham" là một trong những điều (Tham, Sân, Si) có thể khiến cho con người đau khổ. Vì vậy, trong cuộc đời, mỗi chúng ta cần nhận mặt rõ những thói hư tật xấu này mà tránh nó, để cho cõi lòng được thanh thản và có một cuộc sống tốt đẹp .

Hoàng Việt Thịnh
(Số 4 Lê Lai, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)

LTS Dân trí - Câu nói của người xưa: “Tấc đất tấc vàng” có lẽ ứng nghiệm vào thời nay là đúng nhất. Đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Cũng vì lẽ đó mà các cuộc tranh giành đất đai xảy ra dữ dội, lôi kéo cả những người thân thích vào cuộc! Điều đáng buồn đó còn do mặt trái của cơ chế thị trường làm suy thoái đạo lý, coi cái lợi trước mắt nặng hơn tình nghĩa anh em, máu mủ, cho nên đã xảy ra câu chuyện đáng buồn phản ánh trong bài viết nói trên. Tình cảnh ấy xảy ra ở không ít vùng nông thôn đang đô thị hóa nhanh chóng hiện nay.

“Anh em chém nước chẳng lìa”! Ấy vậy mà cái lợi vị kỷ nhiều khi nó làm mờ mắt con người ta, không còn nhận ra những người ruột thịt của minh! Thật là một bài học đích đáng cho tất cả những ai còn biết suy nghĩ hãy luôn tự răn mình đừng bao giờ để rơi vào cảnh ngộ của câu chuyện đau lòng nói trên.