Bạn đọc viết:
Tham khảo cách họp phụ huynh ở nước ngoài
Tôi có con đã từng học tiểu học, THCS và phổ thông ở nước ngoài muốn chia sẻ cách họp phụ huynh ở đó để các quí vị, nhất là các vị làm trong ngành giáo dục tham khảo. Tất nhiên khi nói một hoạt động cần hiểu rõ bối cảnh mà hoạt động đó xảy ra.
Các trường mà con tôi theo học đều là trường công lập ở châu Âu, tức là học sinh đa số từ các gia đình nhập cư có thể đã sống lâu hay mới qua nước sở tại và học sinh có thể được sinh ra và lớn lên trong nền giáo dục của nước sở tại hay mới qua.
Cha mẹ các cháu có thể biết tiếng Anh (ngôn ngữ sử dụng tại trường) hoặc có thể không thạo tiếng Anh. Sĩ số học sinh ở một lớp thường chỉ dưới 30 cháu.
Ở tiểu học chỉ có một giáo viên chủ nhiệm dạy là chính xong có trợ giáo (để giúp các em học yếu, ổn định trật tự) và các môn như họa, nhạc, thể dục thì có giáo viên riêng.
Trường cũng tổ chức các lớp dạy thêm các môn nghệ thuật, thể thao nhưng gia đình phải nộp tiền, trong khi học chính khóa không mất tiền.
Gia đình nghèo có thể xin trợ cấp xã hội thông qua trường, trường làm việc với địa phương để rót tiền xuống trường và các cháu thuộc các gia đình đó được miễn tiền ăn trưa, được cấp vé tàu xe công cộng, ...
Ở những lớp tiểu học mà con tôi đã học, đầu năm học, giáo viên chủ nhiêm từng lớp gửi thư cho từng gia đình thông báo chương trình học, yêu cầu mà các em ở lứa tuổi/lớp đó cần đạt được theo qui định của cơ quan quản lí giáo dục, các trang web cha mẹ cần tham khảo để biết chương trình học, yêu cầu và các tài liệu tham khảo, sách văn học cần đọc để trau dồi thêm tiếng Anh và văn hóa phù hợp với lứa tuổi của con em mình.
Sau khi bắt đầu học khoảng 1 tháng GVCN mời cha mẹ học sinh đăng kí gặp từng người (không có mặt học sinh) để trao đổi về tình hình học tập của từng cháu. Đến cuối năm lại có một buổi như vậy để thông báo kết quả học tập của các cháu. Những việc có tính chất thông báo sẽ được in ra giấy và gửi thư cho bố mẹ các cháu lúc đến đón con hay qua bưu điện.
Ở các lớp trung học cơ sở buổi họp đầu tiên là nhà trường thông báo và hướng dẫn phụ huynh biết cách dạy của nhà trường, các phương tiện nghe nhìn, thí nghiệm để phụ huynh hiểu và góp sức cùng nhà trường hỗ trợ con em mình trong quá trình dạy học, hướng dẫn cách vào các trang điện tử để tiện liên lạc với nhà trường và tìm hiểu mọi thông tin về nhà trường.
Khi các em đã học được khoảng 1-2 tháng, giáo viên đã nắm được trình độ học lực của từng học sinh, nhà trường tổ chức 1-2 ngày họp phụ huynh toàn trường nhưng có lịch hẹn với từng gia đình với giáo viên dạy từng môn, gia đình có thể đăng kí giờ (thường mỗi lần gặp từng giáo viên 10-15 phút) với giáo viên chủ nhiệm để bố trí cho học sinh và phụ huynh cùng đến gặp giáo viên bộ môn/chủ nhiệm, đăng kí chỉ tiêu, hướng phấn đấu của con em mình trong học kỳ đó, kí tên giữa gia đình, học sinh và giáo viên vào các bản đã thống nhất về kết quả cần đạt được của hcọ sinh đến cuối học kỳ.
Như vậy giáo viên phải nắm rõ từng học sinh và cha mẹ học sinh thấy cần gặp giáo viên nào có thể gặp trao đổi trực tiếp với giáo viên đó.
Nếu cha mẹ không biết tiếng Anh có thể yêu cầu bố trí phiên dịch hay để con em mình dịch trong buổi gặp đó.
Nhà trường thường bố trí hội trường, nhà ăn hay sân thể thao trong nhà để làm nơi gặp gỡ giữa cha mẹ, học sinh và giáo viên trong 1-2 ngày đã định, mỗi GV có một bàn để gặp cha mẹ và học sinh tại đó.
Đối với trung học phổ thông cũng tương tự như THCS song có thêm các buổi họp phụ huynh chung toàn trường để hướng dẫn hướng nghiệp, chọn ngành học, chọn trường phù hợp với từng học sinh...
Như vậy so với cách họp phụ huynh của Việt Nam các buổi họp như vậy hiệu quả hơn nhiều.
Tất nhiên để làm như vậy họ có những đặc thù riêng như sĩ số học sinh ít, có cơ sở vật chất để tổ chức, song thiết nghĩ ở các thành phố lớn của Việt Nam, các trường đều có thể tổ chức như vậy được và nếu cần thuê hội trường thì cha mẹ học sinh sẵn sàng đóng góp để họp PH thiết thực và bổ ích hơn nhiều thay vì cuối buổi họp, phụ huynh nào quan tâm hỏi han cụ thể tình hình con em mình lại phải chờ đợi gặp riêng mà cũng chỉ gặp GVCN, còn nếu muốn gặp các GV khác lại phải xin gặp riêng hay đến nhà, rất phiền phức cho GV và cha mẹ học sinh, nảy sinh tiêu cực...
Ở các tỉnh có thể sĩ số học sinh ít hơn nên cũng có thể tổ chức như vậy được.
Mong rằng một số kinh nghiệm họp phụ huynh ở các nước sẽ giúp ngành giáo dục, và nhất là các vị hiệu trưởng có ý tưởng mới, cải tiến cách họp phụ huynh ở trường mình.
Trần Anh Thư