Tem phạt: Tiện lợi hay bất lợi?

Hiệp hội Vận tải Việt Nam vừa có kiến nghị cơ quan chức năng, phát hành tem nhiều loại mệnh giá như 50.000 đồng, 100.000 đồng hay 500.000 đồng… tương ứng với mức tiền bị phạt theo quy định tại Nghị định 34, xử phạt những vi phạm về giao thông.V iệc này có nên?

Và khi lái xe vi phạm về giao thông, họ chỉ cần đưa tem cho cảnh sát giao thông là có thể đi tiếp, thay vì bị giữ giấy tờ xe, sau đó mang tiền nộp kho bạc rồi mang biên lai nộp tiền tới trụ sở cảnh sát giao thông để lấy lại giấy tờ xe.

Việc Hiệp hội Vận tải có đề nghị như trên, cũng là dễ hiểu, bởi cơ quan này đại diện cho quyền lợi của hàng ngàn hội viên hằng ngày hằng giờ đang lưu thông trên khắp các cung đường. Đứng ở phía quyền lợi của người làm vận tải, thì đề xuất trên có vẻ rất tiện cải cách triệt để thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào khía cạnh của người làm luật và quyền lợi của mọi người tham gia giao thông nói chung, chưa hẳn đã là hay. Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xảy ra hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông, ít nhất có trên một vạn người thiệt mạng và hàng vạn người khác bị thương.

Trong những người xấu số ấy, phần lớn là nạn nhân của những vụ vi phạm về giao thông, hoặc họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Mới hồi đầu năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 34, theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm về an toàn giao thông, cũng là để tăng tính giáo dục, răn đe.

Bởi thế, việc cải cách hành chính trong trường hợp này, không hẳn đã là hay. Khi người lái xe vi phạm, ngoài việc bị mất tiền, còn mất cả thời gian để thực hiện việc nộp tiền. Có người cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều này giống như một hình phạt bổ sung. Người vi phạm không những mất tiền mà còn cảm nhận được sự khó khăn, vất vả. Từ đó, giúp chuyển biến nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông, tôn trọng luật pháp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu thủ tục quá nhiêu khê, dẫn tới người vi phạm tìm cách đưa tiền, hối lộ cảnh sát giao thông. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây chính là tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật, nhất là trong bối cảnh, tai nạn giao thông tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Còn lo cảnh sát giao thông nhận hối lộ, đó lại là chuyện khác, được điều chỉnh ở một quy định khác của pháp luật.

Chưa kể, khi tem được coi như tiền, rất có thể sẽ bị làm giả. Phát hành tem nộp phạt vi phạm giao thông, dù mới chỉ là đề xuất của một hiệp hội, cũng cho thấy rõ câu chuyện và bài toán về lợi ích nhóm trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của mình là điều đương nhiên, vấn đề là lợi ích đó không làm ảnh hưởng tới quyền lợi chung, không làm phát sinh thêm những vấn đề phức tạp.

Tiện cho người này, nhưng có tiện cho người khác, việc khác, lại là điều rất cần cân nhắc.

Theo Nhật Anh
Báo Tiền phong