Nam Định:

TANDTC hoãn xử phúc thẩm để làm rõ nhiều “uẩn khúc” trong kháng cáo kêu oan

(Dân trí) - Để Cty CP công nghiệp Tàu thủy Trường Xuân (Nam Định) hoạt động, giám đốc Hoàng Văn Tuyển đã phải đưa toàn bộ tài sản công ty và tài sản cá nhân thế chấp vay vốn. Thế nhưng khi sử dụng vốn vay, ông Tuyển cùng thuộc cấp lại bị khởi tố tội Tham ô.

Trong đơn kêu cứu gửi báo điện tử Dân trí, ông Hoàng Văn Tuyển (SN 1937), trú tại xã Giao Tiến - Giao Thủy (Nam Định), Giám đốc Công ty Cổ phần công nghiệp Tàu thủy Trường Xuân (Nam Định) cùng các thuộc cấp đã trình bày một sự việc tréo ngoe xảy đến với ban lãnh đạo công ty có nguy cơ đẩy cả bộ máy công ty vào vòng lao lý. 

Đơn kêu cứu trình bày, nguyên do sự việc bắt đầu từ năm 2004 khi Công ty CP Trường Xuân của ông Tuyển đang hoạt động thì có sự thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo đó, Công ty CP công nghiệp tàu thủy Trường Xuân (Cty Trường Xuân) được thành lập với vốn điều lệ 20 tỷ đồng gồm: Tập đoàn Vinashin góp vốn 51%, Công ty CP Trường Xuân của ông Tuyển góp 39% và ông Nguyễn Văn Nội góp 10% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong số vốn điều lệ 51% của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã mặc nhiên coi 6 tỷ đồng vốn góp là giá trị thương hiệu của Vinashin.

Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử Dân trí.

Theo lời ông Tuyển, sau khi Cty Trường Xuân chính thức hoạt động một thời gian dài, Tập đoàn Vinashin và ông Nguyễn Văn Nội vẫn chưa thực hiện việc góp vốn theo điều lệ công ty dẫn đến công ty hoạt động hết sức khó khăn. Một mình ông Tuyển đã phải tự “chèo chống”, chạy vạy lo kinh tế mới có thể duy trì hoạt động cho công ty, trả lương cho công nhân viên.

Từ năm 2004, Cty Trường Xuân được tập đoàn Vinashin cho phép khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Châu - Xuân Trường (Nam Định) theo quyết định số 1392 CNT/QĐ-KHĐT và được các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, do một số hộ dân có đất bãi không chấp thuận giao đất nên công ty phải tiếp tục tìm địa điểm phù hợp với nhu cầu đầu tư sản xuất để thực hiện dự án lại từ đầu. Và ông Tuyển lại đi huy động mọi nguồn nhân lực có thể để đầu tư thực hiện dự án. 

Ông Tuyển cho biết, ngoài bảo lãnh vay vốn củaVinashin, ông Tuyển đã đưa toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư xây dựng công ty, tài sản của công ty cổ phần CNTT Trường Xuân và của gia đình ông Tuyển gồm đất đai, nhà xưởng, ô tô… vay số tiền 15 tỷ đồng từ VFC để đóng mới 16 xà lan đẩy 450 tấn cho Công ty TNHH Hoàng Lộc. Điều này thể hiện tại các hợp đồng tín dụng số N07/136 ngày 2/7/2007.  

Sau đó, khi sử dụng số vốn vay bằng tài sản thế chấp này, ông Tuyển và các thuộc cấp tại công ty đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định khởi tố tội danh “Tham ô tài sản”. 

Theo Cáo trạng số 12/QĐ - KSĐT ngày 14/3/2012 của VKSND tỉnh Nam Định thì ngày 30/6/2007, Tập đoàn Vinashin ra quyết định số 552/CNT-QĐ-BGĐ&QLCLCT về việc duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công và dự toán hạng mục san lấp mặt bằng, tường rào, nhà bảo vệ dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Trường - Nam Định với tổng giá trị xây dựng công trình sau thuế là gần 8 tỷ đồng, trong đó giá trị san lấp mặt bằng là hơn 6,4 tỷ đồng.  Sau đó, Tập đoàn Vinashin cân nhắc và giao cho Cty Trường Xuân tự thực hiện thi công sau giảm giá tiết kiệm 10% còn gần 7,2 tỷ đồng.

Ngày 19/3 và ngày 27/3/2007, Tập đoàn Vinashin lần lượt ra các quyết định giao nhiệm vụ tư vấn giám sát các hạng mục công trình cho Công ty CP kỹ thuật - máy & thiết bị Hà Nội  thực hiện với tổng kinh phí hơn 141 triệu đồng. 

Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
TAND Tối cao đã quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm để làm rõ nhiều “uẩn khúc” trong kháng cáo kêu oan của ông Hoàng Văn Tuyển và các thuộc cấp.

Ngày 18/10/2007, Cty Trường Xuân đã cùng Công ty CP kỹ thuật máy và thiết bị (đơn vị giám sát thi công) và Công ty CP tư vấn xây dựng Vinashin (đơn vị tư vấn thiết kế) lập biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục san lấp mặt bằng, tường rào nhà bảo vệ và lập hồ sơ quyết toán công trình. Số tiền được quyết toán là gần 7,2 tỷ đồng, trong đó, hạng mục san lấp công trình là hơn 5,7 tỷ đồng. 

Hồ sơ quyết toán hoàn thành các hạng mục công trình được Đào Quang Huy - kế toán trưởng Công ty đem quyết toán tại Công ty tài chính CNTT Việt Nam, nay là công ty tài chính TNHH-MTV CNTT Việt Nam, gọi tắt là VFC. Ngày 25/2/2007, VFC giải ngân gói thầu san lấp mặt bằng của Cty Trường Xuân  với hơn 4,9 tỷ đồng. Theo bản cáo trạng, số tiền này nằm ở khế ước số 30/NN/01-02 thuộc nguồn vốn ủy thác cho vay của tập đoàn CNTT Việt Nam. Hiện VFC đã thu gốc N/07/136.

Cũng theo bản cáo trạng, thực tế ngày 20/2/2006, trước khi có quyết định duyệt thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công và dự toán hạng mục san lấp mặt bằng, tường rào, nhà bảo vệ dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Trường - Nam Định với tổng giá trị xây dựng công trình sau thuế là xấp xỉ 8 tỷ đồng, Cty Trường Xuân do giám đốc Hoàng Văn Tuyển đã ký kết hợp đồng san lấp mặt bằng, tường rào, nhà bảo vệ công ty với Công ty TNHH Hương Bằng do Nguyễn Văn Hương làm giám đốc. Tổng chi phí chỉ hết hơn 1,2 tỷ đồng.

So với phê duyệt của Vinashin, số tiền còn thừa ra là gần 4 tỷ đồng. Để chiếm đoạt số tiền đó, Hoàng Văn Tuyển đã cùng với Hương, Tâm - thủ quỹ, Huy - kế toán trưởng Cty Trường Xuân làm các thủ tục hợp đồng khống để chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng. VKSND tỉnh Nam Định đã quyết định truy tố các bị can Hoàng Văn Tuyển, Mai Thị Tâm, Đào Quang Huy, Nguyễn Văn Hương về tội “Tham ô tài sản”.

TAND tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo. Tại bản án số 28/2012/HSST ngày 18/6/2012, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Tuyển 20 năm tù giam, 3 bị cáo còn lại đều bị tuyên phạt 15 năm tù giam. Kết thúc phiên sơ thẩm, cả 4 bị cáo đã đồng loạt làm đơn kháng cáo kêu oan lên TAND Tối cao. 

Ngày 31/10/2012, TAND Tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án. Tại tòa, bị cáo Tuyển kêu oan rằng số tiền 4 tỷ trong số 15 tỷ mà tập đoàn Vinashin rót về thực chấp là số tiền được Cty Trường Xuân và cá nhân ông thế chấp toàn bộ tài sản vay về từ Công ty VFC. Vì thế, đó là nguồn tiền vay có thế chấp chứ không phải tiền góp vốn của Tập đoàn Vinashin. Vì vậy, ông Tuyển cho rằng mình bị oan khi bị truy tố tội “Tham ô tài sản” dẫn đến các thuộc cấp và đối tác cũng bị truy tố oan.

Có mặt tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Nội, cổ đông có 10% vốn điều lệ trong Cty Trường Xuân với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng khẳng định rằng Tập đoàn Vinashin góp vốn điều lệ 51% trên giấy tờ. Nhưng Vianshin lại góp vốn bằng thương hiệu đến 6 tỷ đồng. Và chỉ đóng góp bằng tiền mặt có 50 triệu đồng khoảng năm 2007 - 2008. 

Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
Ông Hoàng Văn Tuyển - Giám đốc Công ty CP CNTT Trường Xuân gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử
Luật sư Trần Việt Hùng khẳng định: Khoản 4 tỷ mà các bị cáo bị quy kết về tôi danh “tham ô” đã được chính ông Đồng Anh Tuấn - Tổng giám đốc VFC xác định là khoản vay vốn có thế chấp tại Công văn số 559 ngày 28/07/2011 gửi Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Nam Định.

Ông Nội cũng khẳng định với tư cách là thành viên HĐQT công ty, ông chưa thấy có một quyết định đầu tư nào Vinashin cho Cty Trường Xuân mà Cty Trường Xuân phải thực hiện dự án bằng cách vay vốn các đơn vị kinh tế trong đó có công ty VFC  bằng tài sản thế chấp của công ty và của cả cá nhân gia đình ông Tuyển.
 
Kết thúc phần thẩm vấn HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao sau khi hội ý đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm nhân chứng tham gia tố tụng và thu thập thêm căn cứ thể hiện số vốn sử dụng của Công ty CP CNTT Trường Xuân là vốn vay thế chấp. 
 
Không phải là chủ thể của tội Tham ô tài sản

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe - Văn phòng luật sư Interla (Hà Nội), người bào chữa cho các bị cáo Hoàng Văn Tuyển, Đào Quang Huy, Mai Thị Tâm cho rằng: “Tập đoàn Vinashin là cổ đông sáng lập của Cty Trường Xuân, điều này được ghi nhận tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty được thông qua ngày 22/10/2004. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Vinashin không hề thực hiện góp vốn vào Cty Trường Xuân. Chúng tôi cho rằng Vinashin không còn là cổ đông của Cty Trường Xuân nữa. Khi đó, Cty Trường Xuân sẽ có tư cách là chủ đầu tư và phải là người có trách nhiệm phê duyệt thiết kế kỹ thuần, thiết kế bản vẽ thi công dự án, dự toán.... Vinashin không có vai trò gì trong dự án này, do đó, các quyết định của Vinashin đối với việc xây dựng dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Trường là sai thẩm quyền.
 
Ông Hoàng Văn Tuyển được HĐQT Cty Trường Xuân phân công nhiệm vụ làm Giám đốc điều hành công ty theo Biên bản họp HĐQT số 01/NQ/HĐQT ngày 08/10/2004, ông Đào Quang Huy và bà Mai Thị Tâm là những nhân viên của công ty và được Cty Trường Xuân bổ nhiệm làm các chức danh kế toán trưởng và thủ quỹ. Như vậy các ông Đào Quang Huy và bà Mai Thị Tâm cũng không phải là những đối tượng được quy định tại Điều 1 Luật chống tham nhũng.
 
Hơn nữa, số tiền 15 tỷ đồng Cty Trường Xuân vay của Công ty tài chính VFC thời hạn 6 tháng tính từ ngày giải ngân 5/7/2007 thì ngày 9/8/2007 thì Cty Trường Xuân đã trả đầy đủ cả lãi và gốc cho Công ty VFC là đúng hạn và đúng hợp đồng. Như vậy, ông Hoàng Văn Tuyển, ông Đào Quang Huy và bà Mai Thị Tâm không phải là chủ thể của tội Tham ô tài sản được quy định tại điều 278 Bộ luật hình sự được .

Còn Luật sư Luật sư Trần Việt Hùng - Văn phòng luật sư Trí Việt, Đoàn luật sư Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hương đưa ra quan điểm: “6 tỷ đồng vốn góp vào Cty Trường Xuân của Vinashin được cho là giá trị thương hiệu của Vinashin. Từ năm 2004 đến đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ nhất ngày 8/10/2007 Vinashin chưa góp một đồng tiền mặt nào. Xem xét về Luật sở hữu trí tuệ thì dù Vinashin có Đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục sở hữu Trí tuệ thì cũng chưa có cơ sở pháp lý nào xác định giá trị thương hiệu của Vinashin là 6 tỷ, để góp vốn thành lập công ty.

“Hơn nữa khi công ty Cổ phần công nghiệp Tàu thủy Trường Xuân đi vào hoạt động, ngoài bảo lãnh vay vốn củaVinashin, Giám đốc Hoàng Văn Tuyển đã đưa toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư xây dựng công ty, tài sản của Cty Trường Xuân và của cá nhân gia đình ông Hoàng Văn Tuyển gồm đất đai, nhà xưởng, ô tô… vay số tiền 15 tỷ đồng từ VFC để đóng mới 16 xà lan đẩy 450 tấn cho Công ty TNHH Hoàng Lộc.

Điều này thể hiện tại các hợp đồng tín dụng số N07/136 ngày 2/7/2007. Như vậy, khoản 4 tỷ mà các bị cáo bị quy kết về tôi danh “tham ô” đã được chính ông Đồng Anh Tuấn - Tổng giám đốc VFC xác định tại Công văn số 559 ngày 28/07/2011 gửi Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Nam Định. Vấn đề đặt ra là khoản 4 tỷ các bị cáo rút ra chi tiêu trái nguyên tắc nằm trong khoản vay có thế chấp tài sản liệu có được xác định là nguồn đầu tư góp vốn của Vinashin để buộc các bị cáo về tội danh “tham ô”?”, luật sư Hùng phân tích.

Cùng quan điểm với luật sư Trương Quốc Hòe, luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, ngoài ra, trong quá trình điều tra và xét xử cấp sơ thẩm đã không đưa công ty VFC tham gia tố tụng với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa sơ thẩm các ông Đinh Khắc Môn, Trần Quốc Chiến được tòa xác định là đại diện nguyên đơn dân sự nhưng họ vẫn khẳng định chưa phải là đại diện pháp luật của công ty. Chúng tôi hy vọng trong phiên tòa sắp tới các vấn đề nêu trên sẽ được HĐXX tòa phúc thẩm làm rõ trắng đen.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Anh Thế - Quốc Cường