TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, vườn của dân bị phá hoại tan hoang
(Dân trí) - Khi TAND tối cao ra Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm về việc việc tranh chấp đất đai thì khu vườn nơi đang tranh chấp bị phá hoại tan hoang. Gia đình bắt được đối tượng phá hoại là người thân của phía tranh chấp nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý.
TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ "xã làm khó dân"
Ngày 22/11/2013, TAND tối cao ra Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm 01/2012/HC - PT của TAND tỉnh Trà Vinh. Đồng thời đề nghị TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án hành chính phúc thẩm 01/2012/HC - PT của TAND tỉnh Trà Vinh và bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Cầu Kè, giao hồ sơ vụ án để TAND huyện Cầu Kè xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Phần đất nửa con mương gia đình bà Bé Năm tranh chấp với gia đình cán bộ xã
Như Dân trí đã thông tin trong bài "UBND xã làm khó người dân: Cần một quyết định thấu tình đạt lý" vào ngày 10/10/2012 về việc năm 1989, ông Phạm Văn Sáu, SN 1952 ngụ ấp Dinh An (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) và ông Nguyễn Văn Hòa (đã mất vào năm 1997) có tranh chấp với nhau ranh đất con mương tại ấp An Trại, xã An Phú Tân. Sau đó UBND xã An Phú Tân ra quyết định số 14/QĐ-UBX.89 (QĐ14) giải quyết giữa ông Sáu và ông Hòa chia nhau sử dụng 1/2 cái mương. Tiếp sau đó, ngày 31/8/1989, UBND huyện Cầu Kè có công văn số 57/CV-UBH yêu cầu hai bên thực hiện theo QĐ14 của UBND xã An Phú Tân. Từ đó đến năm 2006, hai bên không ai có tranh chấp hay khiếu nại gì.
Sau khi ông Hòa mất vào năm 1997, đến năm 2006 ông Nguyễn Văn Út (con ông Hòa - pv) là người trực tiếp sử dụng phần đất này tranh chấp đòi 1/2 con mương. Ông Út ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Đậm (anh ruột mình và đương chức Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân tham gia tố tụng tại tòa - PV).
TAND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp đất
Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp ranh đất đã được Tòa án các cấp thụ lý giải quyết. Ngày 2/4/2010, TAND huyện Cầu Kè ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do ông Sáu yêu cầu đóng ranh đất theo QĐ 14 nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ngày 14/2/2011, UBND xã An Phú Tân ra QĐ 32 về việc thu hồi QĐ 14 sau khoảng 22 năm có hiệu lực thi hành, ông Sáu không đồng ý đã khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án. TAND huyện Cầu Kè và TAND tỉnh Trà Vinh bác yêu cầu của ông Sáu với lý do QĐ 14 của UBND xã An Phú Tân không thể hiện số thửa, diện tích, nơi đất tọa lạc, chiều dài, tứ cận nên không thể thi hành được. Nhưng thực tế các bên đã tự nguyện thi hành từ rất lâu.
Sau đó Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh có văn bản gửi TAND Tối cao kiến nghị kháng nghị bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm vụ “Người dân kiện quyết định hành chính của UBND xã” tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Khu vườn có ranh đất tranh chấp liên tục bị phá hoại
Sau khi có quyết định của TAND tối cao, gia đình ông Sáu chưa kịp vui mừng thì khu vườn có phần ranh đất tranh chấp liên tục bị kẻ xấu phá hoại. Bà Lưu Thị Bé Năm (vợ ông Sáu - PV) vừa gửi đơn cầu cứu tới báo điện tử Dân trí về việc vườn nhà mình bị chặt phá gây thiệt hại lớn nhưng chính quyền địa phương lại làm ngơ, không xử lý.
Khu vườn của gia đình bà Bé Năm bị phá hoại tan hoang.
Điều đáng nói, gia đình bắt được kẻ phá hoại lại là dòng họ với cán bộ UBND xã - người đang trực tiếp tranh chấp đất đai với gia đình mình. Bà Bé Năm cho biết: "Do nhà tôi ở một nơi, đất ở một nơi nên bị kẻ xấu phá hoại tan hoang hàng chục lần với hàng trăm cây chuối, cây dừa gây thiệt hại rất lớn. Ngày 16/5/2014 gia đình tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Đoàn đang đốn chuối, đốn dừa trong vườn nên báo cơ quan công an nhưng đến nay vẫn không thấy ai xử lý". Theo bà Bé Năm ông Đoàn là anh em cô cậu ruột với ông Nguyễn Văn Út và ông Nguyễn Văm Đậm (đương chức Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân - PV) - gia đình đang tranh chấp đất đai với gia đình mình nên không ai xử lý, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân thừa nhận ông Đoàn là bà con dòng họ với ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Út cho biết: "Vụ việc chặt phá cây cây trồng trong vườn nhà bà Bé Năm đang được giải quyết, xứ lý theo quy định. Theo ông Đoàn giải thích thì đây là đất nghĩa địa là nơi chôn cất của ông bà mình nên tới ngày thanh minh mới vô đốn hạ để không cho cây mọc xung quanh mộ". Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao khu đất này gia đình bà Bé Năm đang có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Út lý giải: "Khu đất này ngày xưa là nhị tì của địa chủ nhưng trước đây cán bộ địa chính đã cấp "lộn" nên dính vô phần đất giáp ranh với đất của bà Bé Năm. UBND xã đang đề nghị thanh tra tiến hành xác minh để xử lý vụ việc".
Hàng rào xung quanh vườn cũng bị xô ngã.
Tuy nhiên, theo trình bày của bà Bé Năm, gia đình bà đã sang nhượng nguyên thửa đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó có vài phần mộ gia đình người khác, nơi đây chỉ trồng cây xung quanh không hề xâm phạm tới mồ mả. Diện tích vườn bị phá hoại rất rộng chứ không hề chặt tỉa, hay dọn dẹp trong dịp thanh minh. Bà Bé Năm bức xúc: "Gia đình tôi kiện tranh chấp đất với gia đình cán bộ cấp xã nhiều năm liền bị xử thua kiện từ xã đến huyện rồi lên tới tỉnh. Bây giờ TAND tối cao mới kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho gia đình, tạo sự công bằng của pháp luật thì lại bị phá hoại theo kiểu côn đồ nên rất uất ức". Hiện tại bà Bé Năm đang làm đơn cầu cứu khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào xử lý tới nơi tới chốn vụ việc phá hoại vườn trồng cây ăn trái của gia đình mình.