Tận diệt chim trời, chích điện đánh cá: Coi chừng trả giá!
(Dân trí) - Không dừng lại ở chế tài hành chính, người thực hiện những hành vi như săn bắt các loài chim hoang dã hay dùng điện, thuốc nổ để đánh cá còn có thể bị xử lý hình sự.
Như Dân trí đã phản ánh, tại khu vực huyện Quốc Oai (Hà Nội) tồn tại chợ cóc tự phát, chuyên buôn bán các loại chim, bao gồm cả những loại quý hiếm với giá lên tới hàng triệu đồng. Ở nhiều nơi khác thuộc Hà Nội cũng như các địa phương khác, tình trạng "tận diệt chim trời", săn bắn chim quý trái phép nói riêng cũng như động vật hoang dã nói chung là vấn đề nhức nhối, chưa thể giải quyết triệt để.
Pháp luật đã có những quy định cấm cũng như chế tài áp dụng đối với hành vi săn bắt, khai thác động vật trái phép. Không dừng lại ở chế tài hành chính, người thực hiện những hành vi này còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để lại hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, Điều 5 Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mọi hoạt động săn bắn, bắt, khai thác, nuôi nhốt, chế biến… không được gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của các loài thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm trong tự nhiên và phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Mọi hành vi săn bắn, khai thác, nuôi nhốt… tự phát, không được sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền vì thế đều là vi phạm pháp luật.
Theo Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng cảnh sát môi trường được giao nhiệm vụ tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi nhốt, tiêu thụ… trái phép các loài chim hoang dã, chim di cư. Các lực lượng chức năng khác được chỉ đạo tăng cường điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư xuyên quốc gia.
Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật và dưới luật đều đã nêu rõ về việc người có hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt… trái phép động vật hoang dã là vi phạm pháp luật và có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định.
Chế tài nào cho hành vi săn bắt trái phép chim trời?
Theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, các động vật lớp chim được xếp vào nhóm IB (Nhóm bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) bao gồm các loài như bồ nông chân xám, cò thìa, hạc cổ trắng hay đại bàng đầu nâu… Theo Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, người săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng thuộc nhóm IB trái quy định có thể bị xử phạt 300 - 400 triệu đồng, tùy thuộc tổng số lượng và cá thể động vật là tang vật bị phát hiện.
Còn theo danh mục này, các động vật lớp chim thuộc nhóm IIB (Nhóm chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) có thể kể tới như hạc đen, công, vẹt lùn, bồ câu nâu hay sẻ đồng ngực vàng… Đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt động vật thuộc nhóm này, khung hình phạt áp dụng là từ 5 triệu đến 300 triệu đồng, tùy thuộc giá trị động vật.
Về chế tài hình sự, Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc nhóm IIB trị giá từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng; Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc nhóm IIB trị giá từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc các loài động vật khác thuộc danh mục cấm, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Mức phạt theo khoản 1 Điều này là phạt tiền 50-300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, tùy thuộc giá trị động vật bị khai thác trái phép cũng như số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành quy định chế tài rất nặng đối với hành vi săn bắt, giết hay nuôi nhốt trái phép các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, việc xử lý và áp dụng chế tài đối với các trường hợp trên thực tế không đơn giản bởi cần làm rõ 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, những loài chim hoang dã đó có thuộc danh mục cấm, hạn chế hoặc quản lý săn bắt, khai thác hay không? Thứ hai, nếu có, số lượng tang vật bị phát hiện là bao nhiêu, đã đủ mức độ để áp dụng chế tài hay chưa? Thứ ba, số tiền mà họ thu lợi bất chính từ hoạt động này ở mức nào, có thể sử dụng những chế tài nghiêm khắc để xử lý hay không?
Trên thực tế, việc mua bán hiện nay chủ yếu thực hiện bởi các tiểu thương, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ. Hoạt động này cũng không được đăng ký để cơ quan có thẩm quyền quản lý hay có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ giao dịch để chứng minh giá trị sản phẩm hay mức lợi nhuận. Bởi vậy, việc áp dụng chế tài để xử lý nghiêm hoạt động khai thác chim trời trái phép còn gặp nhiều khó khăn.
Dùng xung điện đánh cá, mức phạt cao nhất lên tới 10 năm tù
Một thực trạng đáng lưu tâm khác là hoạt động sử dụng nguồn điện hoặc thuốc nổ để đánh bắt, khai thác cá và các loại thủy sản. Dưới góc độ pháp lý, theo khoản 7, Điều 7 Luật Thủy sản 2017, một trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi khai thác thủy sản là sử dụng chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Theo Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt tiền 3-15 triệu đồng. Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, tùy thuộc kích thước tàu cá, mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức xử lý hình sự, khung hình phạt áp dụng là 40-50 triệu đồng.
Về chế tài hình sự, nếu hành vi sử dụng nguồn điện để khai thác thủy sản gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, giúp người thực hiện thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc người vi phạm từng bị xử phạt, kết án về hành vi này mà còn vi phạm thì người đó có thể bị xử lý về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe người khác hay gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt tối đa lên tới 10 năm tù, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 242 Bộ luật này.
Hoàng Linh