Làm chết người bằng bẫy điện đánh cá: Nên cân nhắc xử lý tội giết người?

PV

(Dân trí) - Ngoài săn bắn chim trời trái phép, dùng kích điện đánh cá cũng là một vấn đề nhức nhối. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản và có tính chất rất nguy hiểm.

Theo luật sư, tương tự trường hợp sử dụng bẫy điện để diệt chuột, cơ quan làm luật nên xem xét đưa ra văn bản hướng dẫn áp dụng tội danh phù hợp đối với việc làm chết người bằng bẫy điện đánh cá.

Thực tế chỉ ra rằng không ít trường hợp tử vong thương tâm vì dính phải bẫy điện của người đánh cá. Một số vụ án đã được đưa ra xét xử, song tội danh và khung hình phạt áp dụng chưa thực sự đủ mạnh. Liệu đã đến lúc pháp luật nên bổ sung các văn bản hướng dẫn, quy định về việc áp dụng tội Giết người trong những trường hợp nêu trên, tương tự hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC của TAND Tối cao quy định về áp dụng tội Giết người đối với trường hợp làm chết người bằng bẫy điện diệt chuột hay chưa?

Làm chết người bằng bẫy điện đánh cá: Nên cân nhắc xử lý tội giết người? - 1

Một nhóm đối tượng dùng kích điện để tận diệt hải sản bị Đồn Biên phòng An Hải, tỉnh Phú Yên bắt giữ cùng tang vật (Ảnh: Trung Thi).

Phải được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội

Bình luận về vấn đề trên, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Nguyên Điều tra viên hình sự Cao cấp Bộ Quốc phòng) cho biết, theo Điều 4 Luật Thủy sản 2017, nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật. Khoản 7, Điều 7 Luật này quy định nghiêm cấm các hành vi sử dụng xung điện, dòng điện, hóa chất cấm, chất độc... để khai thác nguồn lợi thủy sản.

Như vậy, có thể thấy nguồn lợi thủy sản do Nhà nước quản lý và bảo vệ, việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, dù vì mục đích gì, đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng nhiều người vẫn bất chấp sử dụng rất nhiều loại công cụ, phương tiện để khai thác nguồn lợi thủy sản, kể cả kích điện, bẫy điện, gây tận diệt nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

Các hành vi vi phạm điều cấm của Luật Thủy sản đã có các chế tài xử lý hành chính và hình sự. Việc sử dụng dòng điện để khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản phải bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi việc sử dụng dòng điện (xung điện) không chỉ hủy diệt môi trường sống của nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, mà còn có thể gây ra hậu quả làm chết người từ nguồn điện.

Đối với tình huống làm chết người do sử dụng bẫy điện để bẫy chuột, luật sư Biên cho biết, Bộ luật Hình sự 1999 chưa có điều luật nào quy định cụ thể về hành vi này. Bởi vậy, TAND Tối cao mới có Công văn số 81/2002/TANDTC để hướng dẫn những vướng mắc khi xét xử.

Cụ thể, Tiểu mục 12 Công văn này quy định đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng, nếu người sử dụng mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Giết người.

Trường hợp người sử dụng mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra... nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Vô ý làm chết người.

Làm chết người bằng bẫy điện đánh cá: Nên cân nhắc xử lý tội giết người? - 2

Nếu không xử lý triệt để vấn nạn dùng kích điện thì nguồn thủy hải sản sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt (Ảnh: Trung Thi).

Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định rất cụ thể tại Điều 242 về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Trong các tình tiết định khung quy định tại Điều luật này, nếu người vi phạm sử dụng bẫy điện, dòng điện gây hậu quả chết người thì bị áp dụng mức phạt tù 3-5 năm. Trường hợp làm chết từ 2 người trở lên, mức án là 5-10 năm tù.

"Pháp luật hình sự đã có chế tài cụ thể về hành vi sử dụng dòng điện để khai thác đánh bắt cá chính là hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản của xã hội. Vì vậy, mọi công dân nên tôn trọng, chấp hành Luật thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh những hậu quả đáng tiếc, thương tâm", luật sư Biên nhấn mạnh.

Căn cứ nào để xem xét áp dụng tội Giết người?

Còn luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, Tiểu mục 12, Công văn số 81/2002 của TAND Tối cao đã quy định về việc áp dụng các tội danh khác nhau đối với 2 trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người. Phân tích về 2 tình huống này, ông Tuấn nhìn nhận như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp mắc điện tại nơi có nhiều người qua lại, biết hành vi là nguy hiểm nhưng vẫn bỏ mặc hậu quả xảy ra, đây là tình huống mà về mặt khách quan, người thực hiện hành vi mắc điện nhận thức được hoàn cảnh là nơi có nhiều người qua lại, khả năng cao gây chết người nhưng người đó vẫn lựa chọn thực hiện hành vi trên với lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi thể hiện ở dạng không hành động, mặc dù người đó có nghĩa vụ phải làm để đảm bảo sự an toàn tính mạng người khác trong khi có điều kiện thực hiện và đã dẫn đến hậu quả chết người trên thực tế.

Thứ hai, đối với trường hợp mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, đây là tình huống người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với lỗi vô ý dẫn đến hậu quả chết người. Người thực hiện hành vi sử dụng điện để đặt bẫy ở nơi ít có người qua lại, có sự canh gác và có biển báo nguy hiểm nhưng tự tin vào năng lực, kinh nghiệm của bản thân cũng như nhận định chủ quan về hoàn cảnh thực tế mà lược bỏ những yếu tố khách quan khác, từ đó tự tin cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được hậu quả đó.

Hậu quả chết người là hậu quả thực tế, xuất phát từ lỗi của người thực hiện và có mối quan hệ nhân quả với nhau. Người thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra nhưng không mong muốn hậu quả đó xảy ra và tự tin hậu quả không xảy ra trên thực tế. Việc xác định yếu tố lỗi là bắt buộc để phân biệt, áp dụng trong hai trường hợp trên.

Từ đó, ông Tuấn cho rằng đối với trường hợp sử dụng bẫy điện để đánh cá, cơ quan chức năng và các nhà làm luật cũng nên xem xét đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn đối với trường hợp này, tương tự như việc sử dụng bẫy điện để bắt chuột, nhằm giúp thuận lợi hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử.

"Cần bóc tách từng trường hợp, xác định yếu tố lỗi là vô ý hay cố ý (trực tiếp, gián tiếp) khi áp dụng các quy phạm pháp luật đối với hành vi này. Ngoài ra, cần xác định các yếu tố khách quan như vị trí, thời gian, mật độ người qua lại, biện pháp cảnh báo ngăn ngừa khi đặt bẫy, hậu quả chết người có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Bên cạnh đó, cần thống kê các trường hợp phạm tội đã xảy ra trên thực tế do sử dụng bẫy điện để đánh cá, nghiên cứu, phân tích yếu tố cấu thành tội phạm trong các vụ án này để có các văn bản, hướng dẫn phù hợp. Sự xuất hiện của các văn bản hướng dẫn sẽ là cơ sở, hành lang pháp lý để người dân hiểu và giúp cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng áp dụng pháp luật để giải quyết trong thực tế", luật sư Tuấn nêu ý kiến.

Hoàng Diệu