3 phút cùng luật sư: Đánh ghen coi chừng nhẹ phạt tiền, nặng dính tù tội

(Dân trí) - Đánh ghen là hành vi xuất phát từ sự tổn thương khi phát hiện người bạn đời của mình phản bội. Tuy về tình có thể thông cảm phần nào nhưng về phần lý, liệu hành vi này có vi phạm pháp luật?

Dưới góc nhìn của pháp luật, đánh ghen có phải là hành vi vi phạm pháp luật không? Trong chuyên mục 3 phút cùng luật sư, mời bạn đọc gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để cùng tìm hiểu.

1. Thưa luật sư, việc đánh ghen (bao gồm cả bạo lực và chửi bới) có bị xem là vi phạm pháp luật không? Nếu có thì khung hình phạt cụ thể cho hành vi này là gì?

Đánh ghen bằng bạo lực và lời nói vi phạm pháp luật như thế nào?

Về hình thức, đánh ghen rất đa dạng nhưng có thể tạm chia ra làm hai hình thức phổ biến:

- Xúc phạm danh dự nhân phẩm như chửi bới, lăng mạ, lột quần áo người khác trước đám đông, ...

- Xâm hại thân thể, sức khỏe, tính mạng như cắt tóc, đánh đập, tạt axit, ...

Nếu xét về mặt tình cảm thì hành vi đánh ghen là một hành động, một dạng sự phản ứng. Tuy nhiên, người có ý định thực hiện hành vi đánh ghen cần phải cân nhắc. Vì xét trên khía cạnh pháp luật, người đánh ghen rất dễ vi phạm pháp luật. Cụ thể:

- Đối với hình thức đầu tiên: Tuy hình thức này không đụng chạm hay gây thương tích cho đối phương, nhưng hành vi chửi bới, lăng mạ, lột quần áo, ... giữa nơi công cộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Vì vậy, người đánh ghen có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Đối với hành vi xâm hại thân thể, sức khỏe của người khác: theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người đánh ghen nếu trực tiếp hoặc thuê người khác xâm hại đến sức của người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

3 phút cùng luật sư: Đánh ghen coi chừng nhẹ phạt tiền, nặng dính tù tội - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên của báo Dân Trí

- Nếu mức độ nghiêm trọng hơn thì người đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người đánh ghen có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến tối đa 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu trong quá trình đánh ghen mà gây ra thương tích cho người khác thì tuỳ tính chất, mức độ người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Mức xử lý thấp nhất của tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân

2. Trường hợp người muốn đánh ghen không đánh ghen trực tiếp mà thuê hoặc nhờ người khác đánh ghen giùm thì có vi phạm pháp luật không? Người đi đánh ghen giùm có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

Thuê hoặc nhờ người đi đánh ghen sẽ bị xử lý như thế nào?

- Đối với hành vi thuê, nhờ người khác đánh ghen: người có hành vi thuê, nhờ người khác đánh ghen vẫn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo điểm a khoản 2 và điểm c, điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi xúi giục, lôi kéo hoặc thuê người khác đánh nhau, xâm hại đến sức khỏe của người khác thì bị phạt từ 500.000 đồng đến đến 3.000.000 đồng.

- Đồng thời, tại điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định: người nào thuê người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội danh này.

- Đối với người đi đánh giúp thì tuỳ tính chất, mức độ hành vi mà bị truy cứu với vai trò “người thực hành” hoặc “giúp sức”.

3 phút cùng luật sư: Đánh ghen coi chừng nhẹ phạt tiền, nặng dính tù tội - 2

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên của báo Dân Trí

3. Nếu người có chồng/vợ ngoại tình không có ý định đi đánh ghen nhưng gia đình hoặc bạn bè lại tự ý đi đánh ghen giùm thì người đó có vi phạm pháp luật không?

Đối với trường hợp người thân hay bạn bè tự ý đi đánh ghen mà không có bất kỳ sự tác động, xúi giục hay lôi kéo nào từ phía người bị ngoại tình thì người bị ngoại tình không vi phạm pháp luật. Ngược lại, trong tình huống này người thân/bạn bè tham gia đánh ghen có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Vậy có biện pháp nào không vi phạm pháp luật nhưng vẫn có thể phạt những người ngoại tình không thưa luật sư? Ví dụ như có thể khởi kiện người ngoại tình không?

Biện pháp xử phạt người ngoại tình mà không vi phạm pháp luật

Để giải quyết các vấn đề phát sinh như ngoại tình thì trước tiên nên áp dụng các hướng giải quyết về mặt tình cảm như cùng nhau trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề mâu thuẫn, các yếu tố dẫn đến hành vi ngoại tình... Qua đó có thể giữ gìn hạnh phúc gia đình và không ảnh hưởng đến tương lai của con cái.

Tuy nhiên, trong tường hợp không thể giải quyết được, người dân có thể tham khảo một số quy định pháp luật về vấn đề này. Theo khoản a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP) quy định: Người có hành vi “đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng/kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

3 phút cùng luật sư: Đánh ghen coi chừng nhẹ phạt tiền, nặng dính tù tội - 3

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng phóng viên của báo Dân Trí

Còn nếu hành vi nêu trên mà “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn" hoặc "Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182  Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Còn nếu Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát" hoặc "Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó” thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Thư Quỳnh - Nguyễn Quang