Tài xế phóng xe chở theo cảnh sát trên nắp capo có bị khởi tố hình sự?
(Dân trí) - Bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, Vũ Ngọc Lâm đã rồ ga bỏ chạy. Khi một cảnh sát nhảy lên nắp capo để yêu cầu dừng xe lại, Lâm vẫn cho xe chạy tiếp. Lâm sẽ phải đối mặt với mức án nào?
Diễn biến trước đó, khoảng 14h50 ngày 28/10, trong quá làm nhiệm vụ, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Thái Bình phát hiện một chiếc xe bán tải mang biển kiểm soát 17C-114.98, do Đỗ Ngọc Lâm điều khiển, đỗ xe không đúng quy định trên cầu Gốc Mít (thuộc đường Lý Bôn, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình).
Tổ công tác đã yêu cầu Lâm xuất trình các giấy tờ có liên quan để kiểm tra. Tuy nhiên, thay vì hợp tác với cảnh sát, Lâm đã rồ ga điều khiển xe bỏ chạy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thấy vậy, một chiến sĩ cảnh sát đã nhảy lên nắp capo đầu xe yêu cầu tài xế dừng xe lại, nhưng Lâm vẫn tiếp tục điều khiển xe tăng tốc bỏ chạy, bất chấp có thể gây nguy hiểm cho người đang bám trên capo.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của tài xế xe ô tô này là nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật nên cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội chống người thi hành công vụ là có căn cứ.
Luật giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông. Việc dừng đỗ phải đúng quy định, không làm cản trở giao thông. Trong quá trình tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều hành giao thông, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phải hợp tác, xuất trình giấy tờ theo yêu cầu.
Trong vụ việc này, người thi hành công vụ chủ động nhảy lên nắp capo ô tô để ngăn cản việc di chuyển của chiếc xe ô tô này là hành vi cũng khá nguy hiểm và pháp luật không khuyến khích. Nếu người tham gia giao thông cố ý điều khiển phương tiện đâm vào tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ thì hành vi có thể dẫn đến chết người và trong tình huống này thì có thể xử lý hình sự về tội giết người, kể cả trường hợp người thi hành công vụ không chết.
Còn việc người thi hành công vụ chủ động nhảy lên xe để ngăn cản việc xe di chuyển thì đây cũng là hành vi nguy hiểm, hành vi này có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Nếu trường hợp người thi hành công vụ nhảy lên nắp capo để ngăn cản xe di chuyển và người điều khiển phương tiện dừng xe thì hành vi chỉ đến mức xử phạt hành chính. Khi thấy người thi hành công vụ đang ở trên nắp capo mà vẫn tiếp tục di chuyển xe gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ thì hành vi này đến mức bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Rất may trong vụ việc này là tai nạn giao thông chưa xảy ra, chưa thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ và những người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đây cũng là tình huống cần rút kinh nghiệm đối với cả người thi hành công vụ và người điều khiển phương tiện giao thông. Hành vi vi phạm về dừng đỗ chỉ là vi phạm hành chính, nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành thì có rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính mà không nhất thiết phải "liều mình" như vậy.
Ngược lại, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy cảnh sát giao thông nhảy lên xe, việc di chuyển có thể gây nguy hiểm thì cũng cần phải dừng xe chấp hành hiệu lệnh để giải quyết vi phạm. Việc di chuyển xe trong tình huống này là nguy hiểm cho người thi hành công vụ và những người tham gia giao thông, thể hiện thái độ ý thức coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân của bị can, sẽ xác định nhận thức, ý thức chủ quan của bị can và đặc biệt là trạng thái tâm lý để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xác định yếu tố lỗi cũng như tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Đối với bị can là người trẻ tuổi, có giấy phép lái xe phù hợp; chiếc xe chỉ vi phạm hành chính mà không có hành vi vi phạm khác; kỹ năng xử lý tình huống không tốt; tâm lý không tốt; khi bị phát hiện xử lý vi phạm hành chính thì mất bình tĩnh, lo lắng, sợ hãi; cộng với thiếu hiểu biết pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong quá trình giải quyết vụ án bị can nhận thức được hành vi của mình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... thì cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm.
Hiện nay, căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 2 tháng đối với Vũ Ngọc Lâm (36 tuổi), trú xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, về tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại khoản 1, điều 330 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, điều 330 Tội chống người thi hành công vụ quy định:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.