3 phút luật sư:

Tài xế container gây tai nạn kinh hoàng đối diện hình phạt nào của pháp luật?

(Dân trí) - Chiều ngày 2/1/2019, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra tại ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An khi 1 chiếc xe container lao vào hàng loạt xe đang dừng đèn đỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ tai nạn đã gây ra ra cái chết thương tâm cho 4 người và khiến 18 người bị thương. Tài xế container sẽ phải chịu những trách nhiệm gì trước pháp luật?

Tài xế gây tai nạn có thể nhận mức án từ 7-15 năm tù

Thưa luật sư, đối với hành vi vi phạm luật an toàn giao thông, gây ra tai nạn nghiêm trọng làm chết 4 người, như vậy người gây ra tai nạn là tài xế xe container phải đối diện với mức án nào?

L.S Nguyễn Đức Chánh: Với việc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án tức là xác định có dấu hiệu hành vi phạm tội. Trong quá trình điều tra theo quy định của luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra sẽ xác minh hành vi và mức độ phạm tội như thế nào. Nếu xác định được trong trường hợp này tài xế xe container có hành vi vi phạm luật An toàn giao thông dẫn đến hậu quả là 4 người chết. Đối chiếu theo quy định tại khoản 3 điều 260 của bộ luật Hiện hành năm 2015 được bổ sung 2017, khung hình phạt đối với hành vi này là từ 7 đến 15 năm. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà trong quá trình giải quyết sẽ xem xét khung hình phạt.

Tài xế container gây tai nạn kinh hoàng đối diện hình phạt nào của pháp luật? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi với báo Dân trí về vụ việc tài xế container gây tai nạn khiến 4 người chết.

Thưa luật sư, sau khi gây ra tai nạn, tài xế xe container đã có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường gây án. Nhờ các cơ quan chức năng và gia đình động viên thì tài xế mới trình diện sau 7 tiếng gây án. Theo pháp luật hành vi này có được phép hay không? Nếu không thì hành vi này có bị tăng mức độ phạm tội hay không?

L.S Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định của điều 38 của luật Giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện và người liên quan trực tiếp đến tai nạn phải ở lại hiện trường. Trừ trường hợp họ bị thương được đưa đi cấp cứu, họ đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa về tính mạng buộc phải rời khỏi hiện trường tuy nhiên phải trình diện tại cơ quan gần nhất. Đối với trường hợp này, rõ ràng sau 7 tiếng tài xế container mới ra trình diện sau sự thuyết phục của cơ quan chức năng và gia đình thì không nằm trong các trường hợp được loại trừ. Trong quá trình xét xử vụ án, hội đồng xét xử sẽ xem xét tính chất mức độ của hành vi này để xem xét trong quá trình lượng hình đối với trường hợp này.

Tài xế gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường có bị truy cứu thêm trách nhiệm?

Theo kết quả xét nghiệm ban đầu, tài xế xe container dương tính với heroin và có nồng độ cồn trong máu. Tình tiết này có làm tăng thêm tội của người tài xế hay không thưa luật sư? Nếu có thì cụ thể sẽ tăng thế nào?

L.S Nguyễn Đức Chánh: Như tôi đã nêu trên, khung hình phạt đối với trường hợp này nếu có là khung hình phạt cao nhất của tội danh này. Vì vậy, đối với tình tiết sử dụng heroin và có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ là tình tiết mà hội đồng xét xử sẽ xem xét để đánh giá tính chất mức độ cũng như hành vi mà bị cáo gây ra, từ đó xem xét mức của khung hình phạt. Tuy nhiên, không vượt quá khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.

Tài xế xe container dương tính với heroin và có nồng độ cồn trong máu có bị tăng nặng thêm hình phạt?

Thưa luật sư, đối với tai nạn thương tâm gây ra tổn thất cho nhiều người thế này thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân, là tài xế hay chủ sở hữu của xe?

L.S Nguyễn Đức Chánh: Khi 1 vụ tai nạn xảy ra, trách nhiệm đầu tiên cần truy cứu là thuộc về người trực tiếp điều khiển phương tiện trong trường hợp này là tài xế xe container. Bởi đã có hành vi xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Qua đó, cơ quan chức năng cũng sẽ xác định tính liên đới của chủ sở hữu chiếc xe vì đây là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quy định ở điều 601 của bộ luật Dân sự 2015, một số trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường. Ngoài ra còn có thêm một trường hợp khác là chủ xe có mua bảo hiểm 2 chiều hay không? Nếu có mua bảo hiểm trách nhiệm 2 chiều thì trường hợp này, việc bồi thường cho các nạn nhân cũng sẽ được xem xét theo hợp đồng bảo hiểm mà chủ xe đã ký với công ty bảo hiểm.

Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Bạn đọc thân mến, thông qua những phân tích của luật sư Nguyễn Đức Chánh, chúng ta đã có thể hình dung được mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn này dưới góc nhìn của pháp luật. Xin được chia buồn cùng với gia đình các nạn nhân và mong là những tai nạn thương tâm như thế này sẽ không còn xảy ra nữa!

Cám ơn luật sư Nguyễn Đức Chánh vì những chia sẻ vừa rồi và cám ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!

Bài: Việt Khuê- Như Quỳnh

Clip: Nguyễn Quang- Như Quỳnh