Tai nạn trên cầu Phú Mỹ: Xe mất phanh, lái xe tải có phải bồi thường?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, mấu chốt là cần xác định việc xe mất phanh có phải tình huống bất khả kháng không. Đây là căn cứ quan trọng để tiếp tục xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc.

Như Dân trí thông tin, khoảng 14h50 ngày 8/8, xe tải do tài xế Dũng (quê Kiên Giang) điều khiển khi đổ dốc cầu Phú Mỹ theo hướng quận 7 đi TP Thủ Đức (TPHCM) thì bất ngờ có tiếng nổ lớn nghi nổ ống hơi, dẫn tới mất phanh, va chạm liên hoàn với nhiều phương tiện khác. Vụ tai nạn khiến 3 phương tiện bốc cháy, trong đó có 2 ô tô bị thiêu rụi, 4 xe khác bị hư hỏng nặng, một số người bị thương được đưa đi cấp cứu. 

Trường hợp này, với việc xe bất ngờ bị mất phanh, tài xế xe tải có trách nhiệm phải bồi thường cho những chủ phương tiện khác bị thiệt hại hay không? 

Tai nạn trên cầu Phú Mỹ: Xe mất phanh, lái xe tải có phải bồi thường? - 1

Hiện trường ngổn ngang sau vụ tai nạn (Ảnh: Hải Long).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, ô tô nói chung và ô tô tải nói riêng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Theo Điều 156 Bộ luật này, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là việc xe tải mất phanh có phải tình huống bất khả kháng hay không. Từ đó, có thể xảy ra những tình huống như sau:

Thứ nhất, nếu tài xế đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm tra, chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ, phương tiện còn đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, việc nổ ống hơi dẫn tới mất phanh xảy ra là sự kiện bất ngờ, không thể lường trước, tài xế đã áp dụng mọi biện pháp xử lý tốt nhất để hạn chế tối đa thiệt hại nhưng hậu quả vẫn xảy ra, đây có thể coi là trường hợp bất khả kháng. Khi đó, trách nhiệm bồi thường dân sự của tài xế có thể được miễn trừ. 

Nếu rơi vào tình huống này, việc bồi thường cho các chủ xe bị thiệt hại sẽ phụ thuộc vào việc họ có mua bảo hiểm cho phương tiện hay không, và phạm vi hợp đồng bảo hiểm (nếu có) quy định về các trường hợp tai nạn nằm trong phạm vi chi trả của cơ quan bảo hiểm ra sao. Tùy thuộc nội dung hợp đồng, đơn vị bảo hiểm có thể hỗ trợ chi trả một phần nhất định cho chủ xe. 

Thứ hai, nếu cơ quan chức năng xác định phương tiện không đáp ứng điều kiện lưu thông trên đường, tình huống xe mất phanh tuy là sự kiện bất ngờ nhưng có thể lường trước, khắc phục được thông qua việc kiểm tra, bảo dưỡng trước khi đưa phương tiện vào sử dụng nhưng lái xe đã không thực hiện đầy đủ dẫn tới hậu quả, việc xe mất lái và gây tai nạn liên hoàn không được coi là tình huống bất khả kháng. 

Nếu trường hợp này xảy ra, tài xế xe tải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra. Căn cứ xác định thiệt hại về tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015. 

Tai nạn trên cầu Phú Mỹ: Xe mất phanh, lái xe tải có phải bồi thường? - 2

Một phương tiện bị cháy rụi sau vụ va chạm (Ảnh: Hải Long).

Ngoài ra, nếu tình huống thứ 2 xảy ra, cơ quan công an sẽ tiến hành giám định để xác định tổng giá trị tài sản thiệt hại xảy ra trong vụ việc. Trường hợp tổng giá trị tài sản thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông theo Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra làm rõ theo thẩm quyền.

Khi đó, bên cạnh tài xế xe tải, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức là chủ phương tiện (nếu có) trong việc điều động phương tiện chưa đạt chuẩn điều kiện lưu thông tham gia giao thông. Tùy thuộc giá trị tài sản thiệt hại, khung hình phạt cao nhất của tội danh này sẽ là 5-10 năm tù. 

"Hiện tại, còn quá sớm để kết luận về trách nhiệm pháp lý của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Việc đánh giá cần phụ thuộc vào kết quả giám định, thực nghiệm hiện trường cũng như các hoạt động tố tụng khác của cơ quan điều tra. Từ đó, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là đây có phải tình huống bất khả kháng hay không. Đây là căn cứ quan trọng để tiếp tục xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc", luật sư bình luận.