Vì sao GS Nguyễn Quang Tuấn phải đăng ký thực hành lại tại bệnh viện?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Do không thuộc trường hợp ngoại lệ, việc ông Tuấn phải đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc trong 12 tháng trước khi được đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề là hoàn toàn phù hợp.

Như Dân trí thông tin, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội) sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã có đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, thời gian thực hành từ ngày 1/7 và kéo dài trong 12 tháng. Kết thúc thời gian trên, ông Tuấn có thể làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề mới. 

Trước đó, ông Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Về hình phạt bổ sung, do Hội đồng xét xử nhận định vi phạm của ông Tuấn không liên quan đến chuyên môn ngành y mà chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước nên không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ đối với cựu bác sĩ này. 

Từ sự kiện trên, nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, vì sao trên cương vị của một giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ngành Y, ông Tuấn vẫn phải xin thực hành lại để được cấp lại chứng chỉ hành nghề?.

Vì sao GS Nguyễn Quang Tuấn phải đăng ký thực hành lại tại bệnh viện? - 1

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cần bao gồm những giấy tờ sau: Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề; Văn bản xác nhận đạt kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề hoặc giấy phép hành nghề đã được thừa nhận; Giấy khám sức khỏe, giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp; Sơ yếu lý lịch của người đề nghị và bản sao Giấy chứng nhận lương y, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền (nếu có). 

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hành nghề cho người đã bị thu hồi giấy phép do phải chấp hành bản án hình sự có hiệu lực của Tòa án, theo khoản 8 Điều 16 Nghị định này, ngoài những giấy tờ nêu trên, người đề nghị còn phải cung cấp thêm bản chính hoặc bản sao hợp lệ của Quyết định thu hồi giấy phép hành nghề và Giấy chứng nhận chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án.

Trong số các giấy tờ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề nêu trên, ông Tuấn hiện chưa có Văn bản xác nhận đạt kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Để có được văn bản xác nhận trên, căn cứ các Điều 23 và 24 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, cựu bác sĩ này cần phải đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong vòng 12 tháng trước khi tham gia kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh. 

Trừ trường hợp người đề nghị đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc đã được cấp giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật này, việc đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh là thủ tục bắt buộc đối với những người có mong muốn được cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh theo chức danh bác sĩ. 

Nếu vượt qua kỳ thi này, giáo sư Tuấn sẽ được cấp văn bản xác nhận đã đạt kết quả kiểm tra. Khi đó, ông có thể hoàn thiện hồ sơ để xin cấp lại giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh. 

Như vậy, do không thuộc trường hợp ngoại lệ theo Điều 23 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, việc ông Tuấn phải đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong 12 tháng tại Bệnh viện Hữu Nghị (9 tháng thực hành chuyên môn, 3 tháng hồi sức cấp cứu) trước khi được đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.