Tách trách nhiệm TGĐ Quốc Cường Gia Lai khỏi vụ Tất Thành Cang có hợp lý?

Thế Hưng

(Dân trí) - Trong vụ án Tất Thành Cang, Cơ quan điều tra đã tách phần nội dung liên quan hành vi của TGĐ Cty Quốc Cường Gia Lai để tiếp tục điều tra. Vậy việc này có ảnh hưởng tới kết quả vụ án hay không?

Tách vụ việc đúng quy định

Như đã đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thành ủy TPHCM) cùng 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Về trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai), cơ quan điều tra tách ra, tiếp tục xem xét xử lý trên cơ sở kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước thông tin trên, dư luận có bày tỏ ý kiến băn khoăn, thắc mắc tại sao phải tách riêng phần trách nhiệm của bà Loan? Việc làm này liệu có ảnh hưởng tới kết quả vụ án không?

Giải đáp thắc mắc trên, Luật sư Mạnh Xuân Sơn, Giám đốc Công ty luật Á Châu khẳng định, việc làm này là cần thiết và đúng quy định. Theo đó, tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự về nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra quy định: "Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án."

Tách trách nhiệm TGĐ Quốc Cường Gia Lai khỏi vụ Tất Thành Cang có hợp lý? - 1

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Như vậy theo luật sư Sơn, trong trường hợp này Cơ quan điều tra xét thấy trong một vụ án xuất hiện nhiều tình tiết, sự việc hay quan hệ pháp luật khác nhau cần phải tách ra để giải quyết thành những vụ án khác nhau nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết các quan hệ pháp luật đó.

Luật sư này lý giải, việc tách hành vi của Bà Nguyễn Như Loan để điều tra sau là vì trong vụ án này có nhiều tội phạm được thực hiện, tội phạm xảy ra trong khoảng thời gian dài và cần phải chờ kết quả giám định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Nếu để trong cùng một vụ án mà điều tra, xử lý sẽ mất thời gian và không đảm bảo yêu cầu về thời hạn điều tra vụ án và việc tách vụ án này ra các vụ án khác nhau để điều tra là hợp lý.

"Việc tách hành vi của bà Phạm Thị Như Loan để tiến hành điều tra không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án", đại diện Công ty luật Á Châu nhấn mạnh.

Khi mất đất… mất cả cán bộ

Câu chuyện mất đất, mất cả cán bộ đang lộ diện ngày càng nhiều. Mới đây nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo thành phố bị khởi tố, bắt giam và lĩnh án tù do liên quan đến đất "vàng".

Cuối tháng 7, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Tất Thành Cang - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Trần Công Thiện - Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (viết tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm về cùng tội "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Theo đó, các bị can bị đề nghị truy tố do sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và 169.229m2 đất của dự án Khu dân cư Ven Sông phường Tân Phong, quận 7 từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Đây là đất công, được Thành ủy TP HCM giao cho Công ty Tân Thuận quản lý.

Tách trách nhiệm TGĐ Quốc Cường Gia Lai khỏi vụ Tất Thành Cang có hợp lý? - 2

Tất Thành Cang - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

Đáng chú ý, quá trình chuyển nhượng dự án, các bị can không thẩm định giá, không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thất thoát cho nhà nước hơn 730 tỉ đồng. Vụ án đã khiến không ít người từng là cán bộ thành ủy TP.HCM đã phải ra hầu tòa, do bán đất công sai quy định.

Tại tỉnh Bình Phước, hàng loạt nguyên cán bộ lãnh đạo công tác ở các đơn vị thuộc thành phố Đồng Xoài cũng đã phải chịu trách nhiệm liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đất đai.

Nguyên nhân là do các năm 2016 - 2017, trong cương vị công tác, các cá nhân trên đã thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu; quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất làm đường giao thông không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Nghệ An, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở cũng đã bị xử lý, khởi tố, bắt giam do liên quan đến những sai phạm về lĩnh vực đất đai trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Những vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân họ.

Điều đáng buồn là thời gian qua, có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sau những vụ việc rúng động về sai phạm trong quản lý Nhà nước gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng, nhiều độc giả Dân trí hi vọng Luật Đất đai sớm được sửa đổi, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong những năm tới.