Sự thay đổi bất ngờ về luật của di chúc chung vợ chồng

Khả Vân

(Dân trí) - Pháp luật hiện nay không còn quy định về Di chúc chung vợ chồng, hướng xử lý ra sao với Di chúc chung đã lập trước và sau khi có quy định này?

Di chúc chung của vợ chồng là gì?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (điều 646 Bộ luật dân sự năm 2005). Di chúc chung của vợ, chồng có thể hiểu là sự thống nhất ý chí của hai vợ chồng nhằm chuyển tài sản chung của mình cho người khác sau khi chết.

Sự thay đổi bất ngờ về luật của di chúc chung vợ chồng - 1

Di chúc chung vợ chồng có những ưu điểm trong việc bảo vệ quyền lợi của một bên vợ, chồng còn sống khi người còn lại mất (Ảnh minh họa).

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Pháp trị, di chúc chung vợ chồng có những ưu điểm trong việc bảo vệ quyền lợi của một bên vợ, chồng còn sống khi người còn lại mất. Theo quy định về thừa kế, nếu vợ, chồng mất có lập di chúc cá nhân hoặc không có di chúc thì phần quyền của người này trong khối tài sản chung sẽ được mở, phân chia thừa kế cho các đồng thừa kế. Do vậy để hạn chế việc phân tán tài sản, đảm bảo người còn lại được quyền quản lý, sử dụng vẹn toàn tài sản của người vợ, chồng đến khi người này qua đời thì hai vợ chồng thường lập di chúc chung.

Điều 668 Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng: "Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết".

Tuy nhiên khi trình Dự thảo Bộ luật dân sự năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ các quy định về di chúc chung vợ chồng với 2 lý do: thứ nhất "phức tạp trên thực tế", thứ hai "kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng". Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã không còn quy định chế định Di chúc chung vợ chồng.

Câu hỏi đặt ra trên thực tế áp dụng pháp luật là phải xử lý thế nào với những di chúc đã lập trước thời điểm ngày 01/01/2017 và từ ngày này hai vợ chồng muốn lập di chúc chung để đảm bảo quyền lợi người còn lại thì cần phải làm gì?

Với di chúc chung vợ chồng đã lập trước thời điểm ngày 01/01/2017. Bộ luật dân sự năm 2015, tại khoản 1 điều 688 quy định: "Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này".

Như vậy Di chúc lập trước ngày 01/01/2017, không bị người lập sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2015 thì vẫn đảm bảo hiệu lực pháp lý và được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Từ ngày 01/01/2017 hai vợ chồng muốn lập di chúc chung để đảm bảo quyền lợi người còn lại, cần phải làm gì?

Bộ luật dân sự năm 2015 đã bãi bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc pháp luật cấm lập di chúc chung vợ chồng.

Theo điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: "Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng".

Sự thay đổi bất ngờ về luật của di chúc chung vợ chồng - 2

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị.

Nguyên tắc cơ bản của bản của Bộ luật dân sự tại điều 3 quy định: "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Như vậy dù không có điều luật quy định về di chúc chung vợ chồng nhưng cũng không hề có điều khoản nào cấm nên việc lập di chúc chung vợ chồng vẫn thực hiện được. Trường hợp cá nhân có mong muốn lập di chúc chung vợ chồng tại phòng công chứng thì công chứng viên cũng không được quyền từ chối.

Trong trường hợp muốn tránh những tranh chấp, rủi ro pháp lý do việc không có điều luật cụ thể điều chỉnh về di chúc chung vợ chồng thì hai vợ chồng có thể lập di chúc riêng rẽ nhưng trong từng bản di chúc có những điều khoản ràng buộc về việc hạn chế phân chia di sản.

Cụ thể điều 661 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc …, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia".

Thời hạn có thể được tính bằng khoảng thời gian hoặc sự kiện người vợ hoặc chồng chết. Với việc thể hiện ý chí như vậy tại di chúc thì dù về mặt hình thức là di chúc cá nhân nhưng mục đích hạn chế việc phân tán tài sản, đảm bảo người còn lại được quyền quản lý, sử dụng vẹn toàn tài sản của người vợ, chồng đến khi người này qua đời như di chúc chung vợ chồng vẫn đạt được.

Chế định về di chúc chung có những ưu điểm nhất định dù trên thực tế khi áp dụng có sự phức tạp nhất định. Tuy nhiên về lý luận cần xác định rằng quy định pháp luật được thiết lập để tạo ra các chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của cá nhân, quyền nghĩa vụ nhân thân và tài sản của cá nhân.

Xã hội có nhu cầu và phát sinh những cách hiểu, cách làm khác nhau nên cần pháp luật để điều chỉnh cho hành xử đó chuẩn mực, không rơi vào hỗn loạn. Do vậy với lý do áp dụng chế định di chúc chung có phức tạp mà loại bỏ nó trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự năm 2015 thì hoàn toàn không thuyết phục.

Với người quan tâm tới pháp luật dân sự, việc bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng ra khỏi BLDS như trên là quá bất ngờ. Di chúc chung của vợ chồng là một vấn đề lớn của xã hội Việt Nam, một văn hóa gắn liền với người Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm