Bài 20:

Sông Cầu đang "giãy chết": Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại hỏa tốc chỉ đạo!

Anh Thế

(Dân trí) - Báo Dân trí đã có gần 20 kỳ báo phản ánh tình trạng sông Cầu bị bức tử ngày đêm, đang "giãy chết". UBND tỉnh Bắc Ninh lại vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý mối nguy này.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Công văn số 4141/UBND-NN.TN về việc kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.

Công văn gửi các Sở tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du cho biết: Theo phản ánh của người dân sống dọc sông Ngũ Huyện Khê và một số người dân sống dọc sông Cầu, hiện nay, nước sông tại các khu vực trên đang bị ô nhiễm, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Sông Cầu đang giãy chết: Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại hỏa tốc chỉ đạo! - 1

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo hỏa tốc kiểm tra tình trạng ô nhiễm sông Cầu. 

Để xử lý ngay tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu: Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, chính quyền nêu trên trên kiểm tra thực tế dọc khu vực sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, đặc biệt khu vực cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), các cơ sở và hộ kinh doanh tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) và khu vực cống Đặng Xá.

Kiểm tra lại lịch trình xả nước tại cống Đặng Xá, điều chỉnh cho hợp lý, tiến hành kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể quản lý, vận hành cống Đặng Xá nhưng thiếu trách nhiệm, báo cáo Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh trước ngày 4/12/2020.

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguồn thải lớn, không thực hiện việc xử lý nước thải trước khi thải ra sông Ngũ Huyện Khê, xử lý ở mức cao nhất các trường hợp vi phạm, báo cáo kết quả xử lý với Chủ tịch tỉnh trước ngày 25/12/2020.

Tháng 2/2020, thời điểm còn giữ cương vị Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, ông Lưu Xuân Vượng đã có những giãi bày "đau đớn" với PV Dân trí về thực trạng ô nhiễm đau xót của sông Cầu: "Tôi cũng mong muốn các cơ quan truyền thông đưa thông tin thế nào để tỉnh Bắc Ninh vào cuộc. Họ làm sao phải chấm dứt được đầu nguồn gây ô nhiễm bằng cách di dời, chuyển đổi những khu vực tái chế phế liệu đang ngày đêm xả thải ra sông Cầu. Việc này tồn tại lâu như vậy, rõ như vậy mà tại sao họ lại không có giải pháp gì? Hay họ có giải pháp mà chúng tôi không biết?

Họ gây ô nhiễm môi trường đến tận cửa nhà mình rồi. Người dân mình bị ảnh hưởng rồi thế các ông không có cách gì à?", có người hỏi chúng tôi như thế. Và họ hỏi đúng nhưng chúng tôi đã làm hết cách của chúng tôi rồi. Thật đau xót. Nhưng gây ô nhiễm từ CCN Phú Lâm, từ dòng Ngũ Huyện Khê tại tỉnh Bắc Ninh thì chúng tôi không có thẩm quyền xử lý".

Dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu đã được Bộ TN&MT chỉ rõ, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần có các cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh và các sở ngành liên quan nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Bởi vậy, nhiều năm sau kết luận, người dân vẫn khản giọng kêu cứu, cá vẫn chết trắng và dòng sông giờ đang trong tình trạng "giãy chết".

Sông Cầu đang giãy chết: Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại hỏa tốc chỉ đạo! - 2

Nước sông Cầu đen đặc như nhựa đường khiến người dân kinh hãi.

Sông Cầu đang giãy chết: Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại hỏa tốc chỉ đạo! - 3
Sông Cầu đang giãy chết: Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lại hỏa tốc chỉ đạo! - 4

Sông Cầu đang bị hủy diệt một cách trắng trợn và đau đớn.

Mới đây nhất, từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và "mục sở thị" mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.

Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.