Sóc Trăng: Nhiều giáo viên nghỉ hưu kêu cứu vì bị "om" tiền chế độ chính sách!
(Dân trí) - Nhiều nhà giáo đang công tác ở các địa phương thuộc vùng khó khăn của huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được hưởng phụ cấp thu hút 70% nhưng từ năm 2014 đến nay, các nhà giáo này vẫn đang bị ngành giáo dục… nợ lại với số tiền hàng tỷ đồng.
Một giáo viên của trường Tiểu học Tham Đôn 3 (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) cho biết: “Bây giờ đã là tháng 4/2017 nhưng hàng trăm giáo viên của các xã Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới của huyện Mỹ Xuyên vẫn chưa được nhận tiền phụ cấp của năm 2014 và 2016. Cụ thể là tiền phụ cấp ưu đãi theo chương trình 135 của Chính phủ của năm 2014 là 12 tháng; tiền phụ cấp theo Nghị định 116 của năm 2016 là 12 tháng với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Chúng tôi làm đơn đề nghị giải quyết nhưng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không trả lời nên đầu tháng 2/2017, chúng tôi đã gửi đơn đến Bí thư Tỉnh ủy kêu cứu nhưng cũng chưa nhận được hồi âm”.
Còn ở trường Tiểu học Tài Văn 2 (xã Tài Văn, huyện Trần Đề), các nhà giáo Lê Thị Trưởng, Thạch Thị Nuôi, Lâm Thị Hang (đã nghỉ hưu) phản ánh: Trong thời gian công tác tại trường, theo Nghị định 61/2006/NĐ.CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ, họ được hưởng phụ cấp thu hút 70%. Thế nhưng, cho đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được nhận hết số tiền nói trên.
Cụ thể, cô Lê Thị Trưởng cho biết chưa được nhận tiền từ tháng 1-12/2008 và tháng 1-11/2009. Cô Thạch Thị Nuôi chưa được nhận tiền từ tháng 1-8/2008. Cô Lâm Thị Hang cũng chưa nhận tiền từ tháng 1-8/2008. Lý do các cô giáo này chưa nhận được tiền là khi họ còn công tác thì chưa có tiền chi trả, sau khi họ nghỉ hưu cũng không ai báo cho họ biết để đến nhận. Cuối năm 2015, nghe nói tiền đã có, họ đến trường cũ xin nhận thì bất ngờ lãnh đạo nhà trường cho biết là họ đã nhận tiền và có chữ ký đầy đủ.
Cầm bản photo danh sách ký nhận tiền, cô Lê Thị Trưởng nói: “Tôi nghỉ hưu từ năm 2009 nên từ đó cho đến nay không về trường nhận tiền, chữ ký trong đó cũng không phải là chữ ký của tôi”. Các cô Thạch Thị Nuôi, Lâm Thị Hang cũng khẳng định các cô không nhận tiền và chữ ký trong danh sách cũng không phải của họ.
Cùng với 3 cô giáo trên, còn có thầy Nguyễn Ngọc Hùng và vợ là Trần Thị Trúc Phương (đã nghỉ và xuất cảnh đi nước ngoài năm 2010) cũng có tên trong danh sách nhận tiền từ tháng 1-8/2008 và từ tháng 1-12/2009 nhưng không có chữ ký (tức là chưa nhận tiền).
Theo cô Thạch Thị Nuôi, có 4 giáo viên đã nghỉ hưu (trong đó cô Trương Thị Ghết đã mất) có tên trong danh sách nhận tiền, nhưng các cô chưa nhận tiền dù có chữ ký nhưng là chữ ký giả mạo. Còn 2 giáo viên đi nước ngoài là chưa nhận đủ tiền và không ký nhận tiền. “Vậy ai là người đã ký nhận tiền của chúng tôi, đề nghị cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự thật chứ chúng tôi chưa hề nhận tiền”, cô Thạch Thị Nuôi bức xúc.
Cô Lê Thị Trưởng cho biết: “Vừa qua, cơ quan Công an huyện Trần Đề đã cho mời tôi và một số giáo viên đã nghỉ hưu lên lấy chữ ký để giám định có đúng chữ ký trong hồ sơ lưu tại trường là của chúng tôi hay không. Tôi nói với mấy cán bộ điều tra, nếu đúng là chữ ký của chúng tôi thì xử lý thế nào chúng tôi cũng chịu, còn không đúng thì phải trả tiền cho chúng tôi và xử lý các cán bộ cố ý làm sai”.
Cô Lê Thị Trưởng nói tiếp: “Chúng tôi được hưởng chế đọ chính sách khi đang công tác nhưng Nhà nước chưa có tiền chi trả thì chúng tôi đến tuổi nghỉ hưu. Khi có tiền thì nhà trường không thông báo cho chúng tôi biết để chúng tôi đến nhận. Chỉ sau này một số giáo viên mới nói cho chúng tôi biết đã có tiền thì chúng tôi đến xin nhận thì họ nói chúng tôi đã nhận rồi. Thật không thể nào chịu được sự ngang trái này. Chúng tôi khiếu nại mà không giải quyết. Thậm chí cô Trương Thị Ghết chết mà vẫn chưa được nhận tiền. Còn tôi bây giờ thì bệnh tật hoành hành sắp chết đến nơi mà vẫn chưa được nhận tiền của mình. Có lẽ khi chết chúng tôi không thể nhắm mắt vì tiền chính sách của mình vẫn chưa được nhận”.
Dư luận địa phương đề nghị lãnh đạo ngành, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cần làm rõ số tiền trên của các nhà giáo đang ở đâu?
Bạch Dương