Sóc Trăng:
Sóc Trăng: Người dân điêu đứng vì vay vốn tín dụng qua "cò"!
(Dân trí) - Năm 2016, báo Dân trí đã có nhiều bài phản ánh về nỗi khổ của người dân nghèo ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) khi vay tiền ở Quỹ Tín dụng nhân dân Huỳnh Hữu Nghĩa. Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cán bộ tín dụng làm sai vẫn không bị xử lý khiến người dân bất bình, thậm chí nhiều gia đình đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Đến xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống), chúng tôi được nhiều người dân cho biết họ đang lâm vào tình trạng khốn khổ vì lỡ vay tiền ở Quỹ Tín dụng nhân dân Huỳnh Hữu Nghĩa.
Theo phản ánh của bà T.T.K.H., năm 2015, bà thế chấp “sổ đỏ” vay 30 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa thông qua “cò” là bà Lê Thị Minh Thúy (người ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa) và phải chi 3 triệu đồng tiền “cò”, mà theo bà H. thì bà Thúy cho biết là đưa cho bà Hồ Thị Bích (cán bộ Quỹ Tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa).
Vài ngày sau, bà Bích nói với bà H. nếu người dân ở địa phương có nhu cầu vay tiền thì giới thiệu cho bà Bích để bà này giúp người dân vay vốn. Về địa phương, bà H. giới thiệu cho bà Bích được khoảng 30 người vay từ 15-25 triệu đồng và đều phải chi tiền “cò” 10% cho bà Thúy và bà Bích.
Bà H nói: “Khi có người vay tiền, bà Thúy và bà Bích kêu người dân đưa giấy chứng minh nhân dân cho họ và nói số tiền muốn vay, còn hồ sơ do bà Bích và bà Thúy làm, khi nhận tiền thì người dân đến nhận tiền và chi tiền “cò”. Nhưng thực tế, khi làm hồ sơ, bà Thúy và bà Bích ghi số tiền vay cao hơn số tiền người dân thực vay hàng chục triệu đồng và số tiền này bà Bích, bà Thúy lấy sử dụng riêng. Khi người dân phát hiện thì 2 bà này nói họ sẽ trả lãi và vốn cho số tiền vay cao hơn đó nhưng chỉ trả được ít tháng là… lờ đi khiến người dân phải ôm nợ”.
Còn bà N.T.A.N. cho biết, do cần vốn buôn bán nhỏ sinh sống nên bà phải vay nóng bên ngoài 30 triệu đồng. Biết chuyện, bà Thúy và bà Bích nói với bà N. là trả hết tiền vay nóng rồi họ sẽ giúp vay từ Quỹ Tín dụng.
Tin lời bà Thúy và bà Bích, bà N. đồng ý thì được bà Thúy đưa tiền riêng cho bà N. trả, sau đó được bà Bích làm hồ sơ cho vay 50 triệu đồng, trả 30 triệu cho bà Thúy, chi tiền “cò” hết 5 triệu đồng, còn phải trả 1,5 triệu đồng tiền lãi cho số tiền bà Thúy chi ra trước để trả nợ vay nóng. Lần đáo hạn sau, bà N. vay 100 triệu đồng cũng chi tiền “cò” thêm 10 triệu đồng nữa.
Trường hợp ông L.N.P. vay ngân hàng 80 triệu đồng, nghe lời bà Bích và bà Thúy nên nhận của bà Thúy 80 triệu đồng trả nợ. Về Quỹ Tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa, ông P. được bà Bích giúp cho vay 100 triệu đồng, trả cho bà Thúy 80 triệu đồng mượn trước cùng lãi 1 triệu đồng/ngày.
Trường hợp bà T.T.N. còn bi đát hơn khi bà vay 15 triệu đồng theo diện tín chấp cũng chi 1,5 triệu đồng tiền “cò” và gửi trở lại quỹ 10%. Sau đó, bà N. được bà Bích giao làm Tổ trưởng Tổ vay vốn (chỉ có 2 người) và làm hồ sơ cho vay 45 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho 2 người 30 triệu đồng, còn 15 triệu đồng thì bà Thúy và bà Bích giữ lại. Khi người vay vốn trong tổ bỏ nhà đi khỏi địa phương, bà N. phải trả nợ thay cho người đó. Đã vậy còn bị bà Bích yêu cầu phải trả hết nợ không sẽ bị bắt bỏ tù, thì bà N. phải vay tiền bên ngoài để trả nợ thành ra chồng thêm nợ mà không biết lúc nào mới thoát ra được.
Tìm hiểu ở Quỹ Tín dụng Huỳnh Hữu Nghĩa, chúng tôi được một cán bộ cho biết: Bà Hồ Thị Bích đã nghỉ nên không ai biết giải quyết như thế nào. Chỉ biết chiếu theo hồ sơ, ai còn nợ thì phải trả nợ, nếu không trả thì sẽ bị khởi kiện ra tòa.
Dư luận người dân rất hoang mang khi nghe lời cán bộ Quỹ Tín dụng để bây giờ… mang nợ suốt đời, còn cán bộ tín dụng và “cò” vẫn vô tư.
Bạch Dương