Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông "ăn" đường, "nuốt" nhà!

(Dân trí) - Những ngày này, nhiều người dân ở một số xã của huyện Kế Sách và huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đang lo lắng vì tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Ông Phạm Hải Hoàng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) cho biết, trên địa bàn ấp Hòa Thành của xã này vừa xảy ra vụ sạt lở tuyến đê bao nghiêm trọng khiến 2 căn nhà bị nhấn chìm xuống dòng nước, một căn còn lại cũng đang bị đe dọa, thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng.

Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 1
Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 2

Sạt lở khu vực nhà dân ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách).

Ông Lê Ngọc Lâm (69 tuổi, ngụ ấp Hòa Thành) kể: “Chỉ trong vòng hơn một tuần từ ngày 21 đến 27/7, 2 căn nhà của gia đình tôi bị tuột xuống dòng sông. Trong đó có một căn nhà sàn diện tích 75m2, một nhà kho khoảng gần 120m2. Vụ sạt lở xảy ra bất ngờ, người trong gia đình chỉ kịp chạy ra ngoài, còn tài sản bị cuốn trôi hết. Thuê thợ lặn chỉ lấy được mấy tấm tôn.

Còn căn nhà thứ 3 thì cũng đang bị đe dọa sạt lở nên gia đình đang cho tháo dỡ, không dám ở trong nhà nữa. Trên nền nhà cũ hiện nay là hố nước rất sâu, chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 12m, nguy cơ sạt lở vẫn còn đe dọa không chỉ với gia đình tôi mà với nhiều hộ ở khu vực này”.

Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 3

Người dân đang rất lo lắng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Thanh (người dân địa phương) cho biết, vụ sạt lở khu vực nhà ông Lâm đã “nuốt” luôn một đoạn đường giao thông nông thôn khiến cho khoảng 1.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn vì đây là tuyến lộ nông thôn độc đạo, huyết mạch để người dân đi lại với các địa phương khác.

Theo ông Phan Hoàng Hải Tâm, tình trạng sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều đoạn đê bao tiếp tục bị nhấn chìm xuống sông. Sau khi xảy ra sạt lở, xã đã báo cáo về Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng sớm khắc phục bờ bao bị sạt lở, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất.

Đối với hộ ông Lâm do bị ảnh hưởng trực tiếp, xã đang chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đồng thời, cử ngành chức năng thống kê thiệt hại, sau đó sẽ có hướng hỗ trợ phù hợp theo quy định. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực vận động người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp, di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản.

Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 4
Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 5
Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 6

Sạt lở ở một số đoạn ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại trên địa bàn ấp Hòa Thành còn có nhiều đoạn đê bao bị đe dọa, có nơi đã sạt lở, lấn sâu vào đường giao thông nông thôn, có đoạn bờ sông sát gần nhà dân khiến cho việc đi lại của bà con rất khó khăn, đe dọa đến an toàn tính mạng của bà con.

Ông Phan Hải Hoàng Tâm cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã có 7 đoạn đê bao bị sạt lở, có nhiều đoạn bị sạt lở từ 40m - 60m. Nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa lo lắng vì tuyến đê bao bị sạt lở đe dọa đến vườn cây ăn trái của xã vì những đoạn đê bao này có nguy cơ làm nước mặn tràn vào.

Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 7
Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 8
Sóc Trăng: Dân thấp thỏm lo sạt lở bờ sông ăn đường, nuốt nhà! - 9

Một số khu nhà sống bên bờ sông đã và đang bị đe dọa sạt lở ở huyện Kế Sách và huyện Long Phú.

Tại xã Song Phụng (huyện Long Phú), tình trạng sạt lở ở một số tuyến đường cặp bờ sông cũng có diễn phức tạp. Nhiều đoạn sạt lở lấn sâu vào đất liền khiến nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực này lo lắng.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực này có 4 đoạn sạt lở với tổng chiều dài khoảng 120m, trong đó có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng ở 2 ấp Phụng Sơn và Phụng An. Tuy không gây thiệt hại về tài sản của người dân nhưng làm ảnh hưởng đến giao thông đường bộ và việc vận chuyển hàng hóa của người dân cũng bị hạn chế hơn.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 40.000m. Đặc biệt, Kế Sách là huyện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nhất với 12 vị trí thường xuyên bị đe dọa cao vào mùa mưa bão.

C.X.L

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm