Sở Y tế Lâm Đồng chi gần 56 tỷ đồng phụ cấp ưu đãi nghề không đúng đối tượng!
(Dân trí) - Chỉ trong vài năm, 6 Bệnh viện và 19 Trung tâm Y tế đã chi phụ cấp ưu đãi nghề cho hơn 2.000 người không đúng đối tượng với tổng tiền lên đến gần 56 tỷ đồng. Sở Y tế Lâm Đồng khẳng định việc chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho người lao động yên tâm công tác, không có tư lợi cá nhân.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) có hệ số lương từ 2,34 trở xuống và sử dụng kinh phí đối với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.
Không đủ điều kiện vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi nghề
Kết luận chỉ ra, thực hiện kế hoạch PCTN của UBND tỉnh, năm 2016 - 2017, Giám đốc Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch để triển khai cho CBCCVC và người lao động trong cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, trong kế hoạch PCTN của các đơn vị chưa phân công cụ thể bộ phận theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại 5 đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng; Trung tâm Y tế Cát Tiên; Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Bệnh viện II Lâm Đồng.
Việc công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ: Đối với người lao động làm việc theo chế độ lao động hợp đồng trong các phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc là 1.794 người, trong đó có 1.345 trường hợp nằm trong chỉ tiêu biên chế, 376 trường hợp nằm ngoài chỉ tiêu biên chế do UBND tỉnh giao nhưng nằm trong định mức biên chế theo giường bệnh và có 63 trường hợp ngoài định mức biên chế theo giường bệnh (quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV).
Mặt khác, sở chưa xây dựng, xác nhận quy hoạch trưởng phòng, phó trưởng phòng và lãnh đạo quản lý của các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2020-2025 theo quy định của Tỉnh ủy. Ngoài ra, sở còn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn của chức vụ đối với 13 trường hợp chương trình quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính và trung cấp lý luận chính trị.
Việc lập kế hoạch và danh sách chuyển đổi một số chức danh (văn thư, thủ kho, thống kê) chưa đúng đối tượng phải chuyển đổi theo Điều 7, Điều 8 Danh mục các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi được quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với việc chi phụ cấp ưu đãi nghề cho các đối tượng hợp đồng lao động chưa phải là công chức, viên chức, Sở Y tế phê duyệt quyết toán và hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện chưa đúng quy định. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế ngày 4/5/2018 số tiền đã chi phụ cấp ưu đã nghề không đúng đối tượng là hơn 55,9 tỷ đồng.
Đối với việc chi tiền lương tăng thêm cho CBCCVC có hệ số lương từ 2,34 trở xuống: Sở chưa kịp thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng Nghị định số 17/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2015/TT-BTC ngày 17/3/2015 của Bộ Tài chính, dẫn đến có 9 đơn vị chi sai tiền lương tăng thêm cho các lao động hợp đồng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (không phải hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) với tổng số tiền 834,1 triệu đồng.
Quản lý, sử dụng kinh phí chưa đúng quy định
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra, công tác quản lý, sử dụng kinh phí tại bệnh viện còn một số tồn tại, hạn chế: Năm 2016-2017, đơn vị áp dụng chế độ khoán tiền công tác phí, nhiên liệu và chi hỗ trợ thêm 15% phụ cấp ưu đãi nghề từ nguồn quỹ phúc lợi của đơn vị chưa đúng quy định với số tiền 11,4 triệu đồng.
Năm 2016, đơn vị chi tiền phụ cấp thủ thuật không đúng mức phụ cấp theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chế độ phụ cấp chống dịch với số tiền 75,7 triệu đồng; chi trả thêm 15% phụ cấp ưu đãi nghề từ nguồn quỹ phúc lợi với số tiền 119,7 triệu đồng là không đúng quy định;
Đặc biệt, chi phụ cấp ưu đãi nghề cho các đối tượng hợp đồng lao động chưa phải là công chức, viên chức không đúng quy định nêu tại Khoản 1, 2, 3, Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính với số tiền 742,6 triệu đồng.
Theo Thanh tra tỉnh, để xảy ra những sai phạm trên là do Giám đốc Sở Y tế chưa tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm). Chưa kịp thời hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của các đơn vị trực thuộc, còn để các đơn vị thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí...
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chưa áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí tại đơn vị; chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến một số tồn tại, sai phạm nêu trên.
Chánh Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thu hồi vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh số tiền sai phạm là trên 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát việc tăng số giường bệnh, xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp y tế của tỉnh Lâm Đồng.
Kiến nghị Giám đốc Sở Y tế tăng cường việc kiểm tra và hướng dẫn cụ thế các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch PCTN đảm bảo đủ các nội dung theo quy định Luật PCTN và kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức theo đúng quy định.
Trước những nội dung Thanh tra tỉnh nêu ra, lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng khẳng định việc chi trả phụ cấp ưu đãi nghề của 25 đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã chi cho người lao động yên tâm công tác, không có tư túi cá nhân. Từ tháng 10/2017, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị dừng chi phụ cấp ưu đãi nghề.
Việc này cùng với mức lương cán bộ y tế thấp đã gây tâm lý không yên tâm công tác đối với các thầy thuốc, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng nên một số người xin nghỉ việc.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên