3 phút cùng luật sư:
"Sếp" ngành tư pháp dâm ô trẻ em: Biết luật vẫn phạm tội có là tình tiết tăng nặng?
(Dân trí) - Việc ông Nguyễn Hữu Linh bị nghi ngờ có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy ở một chung cư tại quận 4, TPHCM đang khiến cộng đồng xôn xao. Từng làm việc trong ngành tư pháp, liệu nghi can có bị tăng nặng hình phạt khi là người biết luật vẫn phạm luật?
Ngay sau đó, khi danh tính của người đàn ông này được tiết lộ, dư luận đã dấy lên nhiều phẫn nộ bởi người đàn ông này chính là một người từng làm trong ngành tư pháp (Viện kiểm sát của một thành phố lớn)
Sau đó, theo triệu tập của cơ quan chức năng, chiều 3/4 , ông Linh đã có mặt tại công an quận 4, TP.HCM để làm việc.
Theo thông tin lan truyền trên mạng của một đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại hình ảnh toàn bộ quá trình từ lúc ông Linh và bé gái bước vào thang máy.
Lúc đầu, mỗi người đứng một góc riêng nhưng sau khi cửa thang máy đóng lại, ông Linh đã tiến lại ôm hôn và có những hành động sờ vào những điểm nhạy cảm của bé gái.
Bé gái vội bước đến cửa thang máy nhưng ông Linh vừa nghe điện thoại vừa kéo bé gái về phía mình tiếp tục ôm. Chỉ đến khi cửa thang máy mở, bé gái mới chạy được ra ngoài trong tình trạng hoảng sợ đến mức bị ngã ngay khi vừa ra khỏi thang máy.
Dù mọi việc có vẻ khá rõ ràng, nhưng khi làm việc với cơ quan chức năng, người đàn ông này đã thừa nhận danh tính của mình là Nguyễn Hữu Linh và chính là người trong Clip mà cộng đồng đang chia sẻ, truy tìm nhưng ông Linh lại một mực cho rằng mình không sàm sỡ bé gái mà chỉ nựng bé và đang phải chịu rất nhiều áp lực về của dư luận (!).
Với những lời khai của đương sự, và ở góc nhìn của pháp luật, hành vi của ông Linh đã bị camera quay thì ông Linh đã vi phạm những điều luật gì? Và sẽ phải đối mặt với những mức xử phạt nào?
Thưa luật sư, dựa vào những hình ảnh được camera quay lại có thể buộc tội ông Linh có hành vi sàm sỡ hay thậm chí là “ấu dâm” với bé gái hay không khi hiện nay nạn nhân mới 9 tuổi? Nếu xác định được ông Linh mắc những tội danh này thì này sẽ phải chịu những trách nhiệm gì trước pháp luật?
Ls: Buộc tội là một trong những chức năng đặc biệt của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân. Việc buộc tội một người cần tuân theo trình tự thủ tục pháp luật qui định và phải dựa trên các chứng cứ chứng minh trong vụ án phù hợp với cấu thành của một tội phạm được qui định trong BLHS.
Trong trường hợp trên, những hình ảnh được camera quay lại (cụ thể ông Linh có hành vi tiến lại ôm hôn và có những hành động sờ vào những điểm nhạy cảm của bé gái.
Bé gái vội bước đến cửa thang máy nhưng ông Linh vừa nghe điện thoại vừa kéo bé gái về phía mình tiếp tục ôm. Chỉ đến khi cửa thang máy mở, bé gái mới chạy được ra ngoài trong tình trạng hoảng sợ đến mức bị ngã ngay khi vừa ra khỏi thang máy) là một trong các nguồn chứng cứ quan trọng được qui định tại điểm c khoản 1 Điều 87 BLTTHS hiện hành – Dữ liệu điện tử.
Và nếu chứng cứ rút ra được từ nguồn này được thu thập theo trình tự pháp luật; có tính khách quan: thể hiện được việc người đàn ông có những hành vi nêu trên với bé gái 9 tuổi; tính liên quan đến các chứng cứ khác thì việc buộc tội người đàn ông trên theo qui định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự là việc có thể xảy ra.
Hành vi trên của người đàn ông, tùy vào cụ thể rõ ràng từng hành vi sàm sỡ ra sao, sờ vào vùng nhạy cảm thế nào có thể bị buộc tội vào các tội phạm sau:
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
[a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
- b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
- c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi]
- Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
[Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm]
Một lý do quan trọng để dư luận phẫn nộ với vụ việc này là vì ông Linh là cựu phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng. Trường hợp là người biết quá rõ về luật nhưng vẫn phạm luật, đây có được xem là tình tiết tăng nặng tội hay không thưa luật sư?
Ls: Theo qui định tại Điều 52 BLHS hiện hành và các văn bản mang tính chất tham khảo thì chưa qui định việc người biết quá rõ về luật mà vẫn phạm luật là một tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, xét về nội qui ngành, hay về mặt Đảng, việc là một cán bộ/công chức công tác trong ngành tư pháp nhưng có hành vi kể trên vì quả là đáng trách.
Thưa luật sư, từ vụ việc cụ thể này, chúng ta có thể mở rộng thêm một số giả thuyết, trong trường hơp nếu đối tượng thực hiện hành vi dâm ô hoặc cưỡng dâm, cưỡng hiếp trẻ em được xác nhận là bị mắc các chứng bệnh về tâm thần nhưng hậu quả để lại cho nạn nhân rất nặng nề về mặt tinh thần lẫn thể xác thì những đối tượng này có phải chịu trách nhiệm không?
Ls: Đây là một vấn đề mà chúng ta đáng quan tâm và có đôi chút quan ngại. Xét trên góc độ pháp luật hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên theo qui định pháp luật tố tụng hình sự, hình sự cho thấy việc mắc bệnh tâm thần, bệnh khác dẫn đến việc mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về việc trên và căn cứ vào kết luận giám định sẽ quyết định họ phải bắt buộc chữa bệnh.
Cũng trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì căn cứ vào kết luận giám định, người đó sẽ phải bắt buộc chữa bên và sau đó có thể vẫn chịu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc này đã được rất nhiều cư dân mạng chia sẻ để cảnh báo, lên án và ngăn chặn hành vi này lặp lại. Đặc biệt là sau khi vụ việc xảy ra, đã có nhiều người tìm đến tận nhà ông Nguyễn Hữu Linh để chụp ảnh và check-in và đăng lên mạng. Vậy những động thái lên án, cảnh báo của cộng đồng mạng có bị xem là xúc phạm nhân quyền, sỉ nhục và kết án sớm người khác hay không thưa luật sư?
Ls: Chúng ta cần biết rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (Nguyên tắc suy đoán vô tội).
Vì vậy, trường hợp ông Linh vẫn chưa bị buộc tội và xét xử có bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nên không Linh được xem là chưa có tội. Việc làm trên của một số người được xem là vi phạm đến các quyền cơ bản của ông Linh và tùy vào từng hành vi cụ thể có thể được xem là xúc phạm, danh dự, nhân phẩm người khác hoặc vu khống người khác
Việt Khuê
Bài, clip: Nguyễn Quang- Như Quỳnh