Vụ sàm sỡ trong thang máy bị xử phạt 200 nghìn: Quá nhẹ và gây phản cảm lớn cho dư luận!

(Dân trí) - Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an) cho rằng mức xử phạt hành chính 200 nghìn đồng dành cho đối tượng có hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, gây phản cảm lớn cho dư luận.

Mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy mới đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này? Bản thân ông nghĩ sao về mức phạt 200 nghìn đồng dành cho ông Đỗ Mạnh Hùng – người  có hành vi sàm sỡ cô gái?

Tôi cho rằng hành vi ép nữ sinh trong thang máy để hôn của người đàn ông trong vụ việc này là phản văn hóa. Đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ. Tuy nhiên, trong luật của chúng ta lại chưa có quy định về tội danh này nên rất khó để xử lý hình sự.

Vụ sàm sỡ trong thang máy bị xử phạt 200 nghìn: Quá nhẹ và gây phản cảm lớn cho dư luận! - 1

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an) cho rằng mức xử phạt hành chính 200 nghìn đồng dành cho đối tượng có hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Việc áp dụng, xử phạt ông Đỗ Mạnh Hùng là các cơ quan chức năng phải vận dụng nghị định167, điều 5 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. Theo đó, mức phạt ở đây được quy định là từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác". Tuy nhiên, Nghị định này ra đời từ năm 2013, tức là nó đã có độ lùi, trễ rất lớn về mặt thời gian và không có sự tương thích với tình hình xã hội hiện nay.

Tôi cho rằng, mức xử phạt hành chính này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Điều này đã gây ra làn sóng phẫn nộ, và sự phản cảm rất lớn cho dư luận. Hành vi xâm hại đến danh dự nhân phẩm của phụ nữ như vậy nhưng lại áp dụng một chế tài hoàn toàn không phù hợp. Bất cứ ai theo dõi vụ việc này đều cảm thấy thật sự thất vọng, bức xúc.

Vụ việc cô gái bị sàm sỡ trong thang máy chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc quấy rối tình dục bị đưa ra xử lý. Theo ông ngoài vướng mắc trong luật, cái khó của việc xử lý những hành vi quấy rối này là gì?

Bản chất của quấy rối tình dục là việc sử dụng các hành vi hoặc lời nói có liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của cả nam hoặc nữ giới. Đó có thể là những bình luận, nhận xét khiếm nhã liên quan đến các bộ phận cơ thể hoặc động chạm thân thể…

Những hành vi này chưa đến mức thỏa mãn tình dục theo kiểu giao cấu nhưng nó làm cho người tiếp nhận bình phẩm cảm thấy bị tổn thương.

Quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh vì hầu như không để lại sự thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề.

Vụ sàm sỡ trong thang máy bị xử phạt 200 nghìn: Quá nhẹ và gây phản cảm lớn cho dư luận! - 2

Người đàn ông có hành vi ép và hôn cô gái trong thang máy gây làn sóng phẫn nộ lớn trong dư luận

Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các vụ việc trên là hiện nay pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với tội danh này. Hành vi quấy rối tình dục mới chỉ được nêu ra duy nhất trong Bộ luật Lao Động năm 2012, và cũng chỉ được đưa rất ngắn gọn về quy định buộc thôi việc đối với người lao động có hành vi quấy rối tình dục.

Tuy nhiên thế nào là quấy rối tình dục thì trong Luật lại chưa có quy định cụ thể. Đây là kẽ hở rất lớn trong việc xử lý các vụ việc như trên.

Tôi cho rằng tất cả những hành vi quấy rối tình dục trước nguy cơ phát triển như vậy cần phải được luật hóa để xử lý. Ở nhiều nước trên thế giới hành vi quấy rối tình dục được coi là một loại tội phạm và xử lý rất nghiêm khắc. Việt Nam cũng nên học hỏi để có những chế tài xử lý phù hợp, đủ sức răn đe.

Quấy rối tình dục – Sự lệch lạc trong nhận thức cần phải lên án

Thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các vụ quấy rối, xâm hại tình dục. Điều đáng nói là nhiều vụ việc trẻ em, phụ nữ bị quấy rối, xâm hại ngay ở những nơi được cho là an toàn nhất như: trường học, trong chính gia đình mình… Theo ông, nguyên nhân của những vụ việc này do đâu?

Có thể thấy loại tội phạm tình dục đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng và xảy ra ở nhiều địa phương. Chủ thể của những hành vi này có thể bao gồm cả những người thân thiết như: thầy cô giáo, hàng xóm, anh em họ hàng… điều này vẽ nên một bức tranh buồn và đáng báo động.

Nguyên nhân thì có rất nhiều, do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, những hiện tượng văn hóa tiêu cực tràn lan trong đời sống, phim ảnh bạo lực, đồi trụy… Tuy nhiên có thể thấy, các hành vi phạm tội này là kết quả tương tác giữa các yếu tố tiêu cực của môi trường sống bên ngoài với các đặc điểm sống, tâm lý cá nhân tiêu cực có sẵn ở trong chủ thể, cá nhân người phạm tội đó. Khi gặp những điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi, dựa trên sự tương tác những cái lệch lạc bên trong với môi trường bên ngoài, thì nó sẽ phát sinh thành hành vi phạm tội.

Ví dụ như trường hợp của đối tượng Hùng trong vụ cưỡng hôn cô gái, nếu là người khác gặp một cô gái trẻ đẹp trong thang máy, họ được giáo dục tốt, họ không bị biến thái, không bị lệch lạc trong suy nghĩ thì không bao giờ họ có những hành động như vậy.

Đây là sản phẩm sinh ra từ những người đã có sự biến thái, lệch lạc trong nhận thức, trong suy nghĩ. Một con người không biết kỹ năng kiểm soát, kiềm chế các hành vi của mình để phù hợp với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mức xã hội và pháp luật. Tức là trong sẵn con người đó đã chứa đựng những yếu tố tiêu cực trong nhân cách rồi nên khi gặp những điều kiện thuận lợi thì nảy sinh hành vi.

Cảnh giác với loại tội phạm mới trong thang máy

 Rõ ràng, việc sử dụng thang máy trong các chung cư, nhà cao tầng hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự mất an toàn và mối đe dọa nảy sinh loại tội phạm mới, thưa ông?

Trước đây, tôi cũng đã từng nghiên cứu và cảnh báo về các nguy cơ an ninh xảy ra trong thang máy. Vụ ép hôn vừa rồi chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra thôi, đó có thể còn là tình huống cướp giật, giết người… Đối tượng hoàn toàn có thể làm vì trong một không gian hẹp, lại không có nhiều người thì rất dễ ra tay, hành động.

Vì thế, khi vào thang máy mọi người cần phải sở hữu các kỹ năng tự bảo vệ mình. Nhiều người thường có tâm lý cảnh giác khi ở ngoài đường nhưng khi về đến nhà mình thì lại chủ quan, nghĩ rằng an toàn nên ít quan sát, phòng vệ.

Chính vì thế, nhiều người khi đi thang máy luôn “dán mắt” vào màn hình điện thoại, không quan sát xem bạn đồng hành cùng thang máy với mình là ai. Khi đối tượng bất ngờ ra tay thì hoảng loạn, không biết phản ứng thế nào.

Trước khi vào thang máy và đặc biệt khi đi vào các giờ thấp điểm, đêm muộn, ít người qua lại thì cần phải quan sát. Nếu đi cùng người có biểu hiện không đáng tin cậy thì nên để túi xách sau lưng, tựa người vào.

Cách đơn giản nhất là bấm tất cả các tầng để dễ dàng thoát ra ngoài khi đối tượng có hành vi quấy rối hoặc đe dọa cướp giật. Mặt khác, nếu cảm thấy người đi cùng không an toàn tốt nhất là nên thoát ra ngay, không nên tiếp tục đi chung thang máy.

Đối với trường hợp bị cướp giật bất ngờ thì có thể ấn chuông báo cháy khẩn cấp. Cùng với việc đó thì có thể kêu cứu để lực lượng an ninh và người dân ra hỗ trợ.

Chúng ta cũng cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, biết tôn trọng danh dự nhân phẩm của người khác. Mỗi con người cần phải sở hữu những kỹ năng sống, tự phòng vệ trước trước nguy cơ tấn công của tội phạm.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm