Chuyên mục 3 phút cùng luật sư

Sẽ bị phạt nặng nếu đăng tải và lan truyền thông tin sai lệch, độc hại

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Mức phạt tại Nghị định 15 và mức phạt tù tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, đều là những mức phạt mang tính răn đe rất cao nên cần phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa thông tin.

Qua vụ việc của nữ Youtuber đang gây phẫn nộ vì đăng tải nội dung liên quan đến mê tín dị đoan, có thể thấy, các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok đang được sử dụng rất nhiều ở Việt Nam. Hơn nữa, người dùng dường như rất tự do và thoải mái đăng tải các nội dung họ muốn chia sẻ lên các trang mạng này.

Vậy liệu pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để quản lý người dùng và nội dung mà họ đăng tải? Để hiểu rõ hơn về việc này, PV Dân Trí đã gặp gỡ và trao đổi cùng luật sư Phan Vũ Tuấn, đến từ văn phòng luật Phanlaw Vietnam trong chương trình 3 phút cùng luật sư.

Quy định pháp luật đối với những người đưa thông tin sai lệch, độc hại

Theo chia sẻ của luật sư Phan Vũ Tuấn, mạng xã hội hay bất cứ một cơ quan ngôn luận nào cũng đều là những công cụ để mọi người có thể thực hiện quyền tự do biểu đạt, tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận và Việt Nam là đất nước rất tôn trọng những quyền đó. Chính vì lẽ đó, trong suốt thời gian qua, các loại hình mạng xã hội được phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam.

Nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là mọi người có thể "thích làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói" mà tất cả những điều được phát biểu, đăng tải trên mạng xã hội đều phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Phan Vũ Tuấn đưa ra ví dụ minh họa cho vấn đề này bằng việc tham gia giao thông, rằng: "Không ai cấm chúng ta ra đường nhưng nếu ra đường thì phải đi đúng chiều, phải tuân thủ an toàn giao thông".

Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Việt Nam ủng hộ cho việc mạng xã hội phát triển và pháp luật hiện nay cũng đã có các quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc đưa thông tin lên mạng xã hội là những vấn đề được kiểm soát rất chặt chẽ để không vi phạm pháp luật.

Sẽ bị phạt nặng nếu đăng tải và lan truyền thông tin sai lệch, độc hại - 1

Luật sư Phan Vũ Tuấn trao đổi cùng PV Dân Trí

Cụ thể, Nghị định số 15 năm 2020 có quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và giao dịch điện tử.

Trong đó, hành vi lưu trữ, truyền, đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi cung cấp thông tin cổ súy về hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước.

Tuy nhiên, để xác định rõ hành vi nào vi phạm vào quy định này lại cần phải có nhiều đo đếm và tính toán.

"Tôi nghĩ, bản thân mức phạt tại Nghị định 15 cũng như mức phạt tù được quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, đều là những mức phạt mang tính răn đe rất cao và khiến cho những người khi có ý nghĩ về việc thực hiện những việc này cần phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa thông tin" - luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm