Đắk Lắk:

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ "cò" đất

Thúy Diễm

(Dân trí) - Bán đất rồi giao cho "cò" làm thủ tục tách thửa, cả trăm hộ dân tại Đắk Lắk hơn 2 năm qua vẫn chưa đòi được sổ đỏ. Thậm chí, nhiều hộ còn bị "cò" sang hết cả phần đất thổ cư khi bán đất.

Bán một phần đất, sổ đỏ cũng "biệt tích"

Hơn 2 năm sau cơn sốt đất, tại xã Cư Suê (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk), không khó để bắt gặp nhiều khu đất nền được đóng cọc phân lô, gắn chi chít biển cần bán đất. Tuy nhiên, nơi đây không còn cảnh người mua kẻ bán đất tấp nập như trước.

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ cò đất - 1

Đất nền được phân lô tại xã Cư Suê chờ người mua sau cơn "sốt đất" (Ảnh: Thúy Diễm).

Trước đây, xã Cư Suê được nhiều người đồn thổi sẽ được sáp nhập địa giới vào TP Buôn Ma Thuột. Hàng loạt "cò" đất săn đón giới thiệu khách đến các thôn, buôn xuống tiền mua đất để đầu cơ.

Cơn sốt đất qua đi để lại nhiều hệ lụy cho bà con buôn làng, do thiếu hiểu biết đã bị nhiều "cò" đất lợi dụng kẽ hở để cắt toàn bộ đất thổ cư cho người mua hoặc nhận sổ đỏ đi sang nhượng, cắt thửa nhưng hơn 2 năm vẫn chưa trả cho chủ đất.

Bán một lô đất từ cuối năm 2021 nhưng bà H'Nung Êban (35 tuổi, ngụ buôn Sút M'đưng, xã Cư Suê) hiện vẫn chưa biết sổ đỏ của gia đình đang ở phương trời nào.

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ cò đất - 2

Giao cho "cò" tách sổ, hơn 2 năm nay, bà H'Nung chưa nhận được sổ (Ảnh: Thúy Diễm).

Bà H'Nung cho biết, gia đình bà có lô đất vườn rộng hơn 2.400m2 và qua giới thiệu của "cò" đất, bà đã bán 1.000m2 giá gần 1 tỷ đồng cho một người khác. Bà cũng ủy quyền, giao cho "cò" đi làm thủ tục tách thửa để sang tên cho chủ mới.

"Tôi mới nhận được 50% số tiền bán đất, sổ đỏ họ cầm đến nay vẫn chưa trả lại. Tôi cũng nhiều lần gọi hỏi thì họ nói đang làm tách thửa chưa xong", bà H'Nung cho hay.

Tương tự, hộ gia đình bà H'Thet Êban (54 tuổi) bán 1.000m2 đất giá 800 triệu đồng và giao sổ đỏ với thửa đất rộng hơn 2.000m2 cho "cò" đi tách thửa. Sau 2 năm, gia đình bà lo lắng không biết sổ đã được làm đến đâu mà không thấy giao lại.

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ cò đất - 3

Nhan nhản các tấm biển cần bán đất (Ảnh: Thúy Diễm).

Bà H'Ngok Êban - Bí thư chi bộ buôn Sút M'Đưng - cho biết, trong giai đoạn sốt đất khoảng năm 2019-2021, riêng người dân của buôn đã bán hơn 10ha đất và có hàng chục sổ đỏ người dân giao cho "cò" đất, chủ đất mới đi tách thửa nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được.

"Khi sốt đất diễn ra, chúng tôi đã cảnh báo nhưng đa phần bà con ít hiểu biết, lại quá tin tưởng "cò" đất dẫn đến tình trạng này. Buôn đang thống kê số liệu, báo cáo xã để có giải pháp hỗ trợ bà con đòi lại sổ", bà H'Ngok lên tiếng.

Thiếu hiểu biết, người dân bị cắt thổ cư

Cũng theo bà H'Ngok, ngoài tình trạng người dân bị giữ sổ đỏ, ở buôn Sút M'đưng còn có tình trạng hàng chục hộ dân bán đất nhưng bị cắt sạch thổ cư sang cho người bán, đến khi nhận sổ đỏ về mới tá hỏa phát hiện gia đình không còn nổi 1m2 đất thổ cư.

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ cò đất - 4

Một hộ dân ngã ngửa khi bán đất bị "cò" cắt sạch thổ cư (Ảnh: Thúy Diễm).

Để dẫn chứng, bà H'Ngok đưa ra hàng chục cuốn sổ đỏ mà bà đi thu thập từ người dân bị cắt mất thổ cư và đem về tổng hợp, báo với chính quyền địa phương.

Bà H'Ngok cho biết thêm, đa số người dân trong buôn sống bao đời nay có đất vườn khá rộng, mỗi hộ được cấp 400m2 trong sổ đỏ. Lợi dụng việc người dân thiếu hiểu biết, đã có tình trạng chủ đất cùng "cò" đất cắt sạch thổ cư của người dân.

"Đến khi mọi sự vỡ lẽ thì quá muộn vì "tình ngay lý gian", rất nhiều hộ dân đã xây nhà ở cố định hàng chục năm nhưng không còn thổ cư, những căn nhà này lại trở thành nhà trên đất nông nghiệp", bà H'Ngok nói.

Hộ gia đình bà H'Ngung (49 tuổi) là một trong hàng chục hộ lâm vào tình cảnh bị mất hết thổ cư. Bà kể, gia đình có trên 3.000m2 đất, trong đó có 400m2 thổ cư . Đầu năm 2020, bà H'Ngung bán 1.000m2 và ủy quyền "cò" đất làm thủ tục tách thửa.

Đến khi nhận lại sổ đỏ mới, bà mới biết sổ đỏ mới của bà đã không còn thổ cư, chỉ toàn đất nông nghiệp.

Sau bán đất người mất trắng thổ cư, kẻ trầy trật đòi sổ đỏ từ cò đất - 5

Gần 100 hộ dân tại xã Cư Suê hiện vẫn chưa đòi được sổ đỏ sau nhiều năm tách thửa, bán đất (Ảnh: Thúy Diễm).

Liên quan đến vụ việc, ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) - cho biết, qua nắm bắt trên địa bàn có khoảng 100 hộ dân bán đất nhưng không đòi được sổ đỏ và có cả tình trạng người dân bị cắt tất cả phần đất thổ cư khi sang nhượng đất.

Ông Hoan cho rằng, vụ việc đã diễn ra từ thời điểm sốt đất nhưng người dân không làm đơn trình báo chính quyền địa phương, xã chỉ nắm bắt thông tin qua dư luận và trao đổi cùng với trưởng các thôn, buôn để rõ thêm về sự việc.

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo, tuyên truyền cho bà con nhưng thời điểm sốt đất hầu hết bà con đều bán đất rất nhanh. Ngoài ra, người dân cũng không đến chính quyền địa phương để làm các hợp đồng mua bán mà đến các văn phòng công chứng tư để thực hiện.

Việc này phần nào dẫn đến việc địa phương không thể giám sát hết được việc mua bán, việc cắt thổ cư cũng như các ràng buộc thời gian khi làm thủ tục cắt sổ đỏ", ông Hoan lý giải.

Cũng theo ông Hoan, trường hợp "cò" đất không chịu trả lại sổ đỏ, người dân có thể làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự để đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Thế Nghĩa - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Cư M'gar - cho rằng, việc mất thổ cư lẫn chưa đòi được sổ đỏ có phần lỗi từ người dân do thiếu hiểu biết, ngại mất thời gian khi đi làm thủ tục nên ký ủy quyền cho "cò" đất làm thủ tục.

Theo ông Nghĩa, các ủy quyền là giao dịch dân sự giữa người bán và "cò" đất, do đó, để làm rõ lý do việc sổ đỏ chưa trả lại cho người dân cần nắm bắt được nội dung trong những ủy quyền này mới có căn cứ.

"Đối với các hồ sơ tách thửa, hồ sơ đúng theo quy định sẽ được tách bình thường. Việc "cò đất" trả lời dân hồ sơ làm mấy năm chưa được là không hợp lý", ông Nghĩa nói thêm.

Đối với việc bị mất thổ cư, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Cư M'gar cho biết đây là thực trạng đã diễn ra khoảng 2 năm trước trên địa bàn trong thời điểm sốt đất.

Ông Nghĩa cho biết, khi tách thửa, cán bộ yêu cầu người bán đã có nhà ở không được sang hết đất thổ cư qua một sổ đỏ khác. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều ủy quyền, bán theo yêu cầu thỏa thuận của người mua và người bán trên sổ đỏ.

"Để ngăn chặn tình trạng không còn thổ cư, chúng tôi đã chỉ đạo nhân viên chỉ cho tách thửa đối với chủ đất, không chấp nhận các giấy ủy quyền. Văn phòng đăng ký đất cũng khuyến cáo bà con để tránh các sự việc tương tự, người dân cần phải đọc kỹ hợp đồng, các giấy ủy quyền trước khi ký để đảm bảo quyền lợi của mình", ông Nghĩa cho hay.