Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Rùng mình cảnh hàng chục nghìn dân sống chung với “bom gas” tại Mỹ Đình
(Dân trí) - Khi vụ nổ gas gây rúng động dư luận ở Bắc Ninh chưa kịp lắng, người dân khu đô thị Mỹ Đình 2 và phụ huynh của hàng ngàn học sinh lại chịu cảm giác nơm nớp lo âu do việc sang chiết gas diễn ra công khai tại đây nhiều năm qua.
Theo phản ánh của người dân sống lân cận, chu trình sang chiết gas hàng ngày diễn ra công khai, còn đơn vị kinh doanh và phân phối gas chỉ áp dụng những biện pháp PCCC sơ sài. Cho dù công ty gas Sông Hồng có được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, người dân sinh sống tại đây vẫn cho rằng việc kinh doanh, sang chiết gas giữa khu đô thị mới đông nhất nhì thủ đô là vấn đề nhạy cảm, nên các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội cần xem xét lại.
Chị Mỹ Uyên (Cầu Giấy), phụ huỳnh có con học tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: “Tôi không dám khẳng định hoạt động của Công ty gas Sông Hồng không có giấy phép, hoặc không đủ điều kiện PCCC. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng việc kinh doanh, phân phối, sang chiết gas nằm ngay giữa khu đô thị có mật độ dân cư đông, cùng hàng ngàn học sinh sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên cần xem xét lại”.
Theo lời ông Nguyễn Văn Anh, Công an cấp xã chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ khi Công an huyện yêu cầu hỗ trợ quá trình kiểm tra. Nếu có nhận được phản ánh của nhân dân, Công an xã Mỹ Đình cũng không đủ thẩm quyền rà soát, kiểm tra, xử lý khi phát hiện việc sang chiết, phân phối không đủ tiêu chuẩn.
Với những gì đang diễn ra, người dân sinh sống trong khu vực và phụ huynh của hàng nghìn em học sinh học tập tại khu đô thị Mỹ Đình 2 khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng TP. Hà Nội, huyện Từ Liêm kiểm tra hoạt động của Công ty gas Sông Hồng. Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ gas nghiêm trọng, người dân cũng đang đặt câu hỏi ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm nếu xảy ra sự cố cháy nổ do hoạt động phân phối của Công ty gas Sông Hồng?
Thủ tướng Chính phủ ngày 20/1 đã ra Chỉ thị 04 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas). Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận về chất lượng, đo lường, chưa tuân thủ các quy định, điều kiện kinh doanh, an toàn phòng, chống cháy nổ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, gas còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đã xảy ra một số tai nạn trong quá trình sử dụng các sản phẩm trên, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản nhân dân, ảnh hưởng xấu đến đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas chưa nghiêm túc, việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người tiêu dùng chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm tra, kiểm soát cũng chưa triệt để, thường xuyên, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ sức răn đe... Tại Chỉ thị lần này, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ đối với thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, đối tượng nằm trong diện thanh tra còn có các cửa hàng gas, cơ sở sản xuất, sửa chữa bình gas. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, gas không duy trì đúng các điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, Thủ tướng yêu cầu phải đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận kinh doanh. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo xóa bỏ các điểm pha chế, bán xăng dầu, sang chiết, nạp gas trái phép. Những hoạt động của các phương tiện tồn chứa, vận chuyển xăng dầu, gas không đảm bảo điều kiện quy định cũng bị yêu cầu đình chỉ. Các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về đo lường, chất lượng sẽ bị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để khởi tố hình sự. Tham gia vào chiến dịch này, Bộ Công an được giao triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm pha chế xăng dầu, sang chiết gas trái phép, các hành vi ăn cắp xăng dầu, pha trộn trái phép các chất khác vào xăng dầu nhất là các hành vi có tổ chức, quy mô lớn. Bộ này cũng nhận nhiệm vụ điều tra, xác định ngay nguyên nhân các vụ cháy, nổ phương tiện vận tải sử dụng xăng dầu, các vụ cháy nổ gas, công khai kết luận điều tra và khuyến cáo phòng ngừa kịp thời cho người dân. Điểm đáng lưu ý trong Chỉ thị điều hành lần này đó là Thủ tướng nêu rõ: “người đứng đầu chính quyền địa phương, người đứng đầu các lực lượng chức năng chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc cháy nổ, mất an toàn mà nguyên nhân do thiếu kiểm tra, đôn đốc”. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc bạn đọc đặc biệt quan tâm trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương