Rapper phát hành nhạc nhảm: Cứ đẩy "rác" lên mạng rồi xin lỗi là xong?
(Dân trí) - "Mẹ ơi, hút ma túy là thích thú luôn hả mẹ?", cậu con trai 9 tuổi hỏi tôi sau khi vừa xem clip trên YouTube do một rapper biểu diễn, khiến tôi rùng mình, lo lắng.
Nhạc "rác" làm bẩn môi trường nghệ thuật
Đó chỉ là một trong vô vàn những nội dung rác nằm trong những clip nhảm, những bản rap với tiêu đề nhảm nhí, dung tục đầy rẫy trên mạng xã hội khiến tôi băn khoăn. Tôi thật sự không hiểu, tại sao tác giả của những sản phẩm "rác" đó mang danh "người làm văn hóa, nghệ thuật" mà lại viết ra được những lời lẽ như vậy rồi thu âm đưa lên mạng?
Thật đáng buồn và cũng khó hiểu hơn nữa là những sản phẩm "rác" này lại được một bộ phận không nhỏ người trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Tôi cũng thắc mắc về vai trò của các cơ quan quản lý, họ ở đâu, làm gì trước các hiện tượng thiếu văn hóa đầy rẫy trên mạng. Cứ tha hồ lên mạng hát hò "nhạc rác" và tự phong danh hiệu, đó là tệ nạn vô cùng nguy hiểm.
Bàn về vấn đề này dưới khía cạnh luật pháp, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, khán giả luôn đòi hỏi nghệ sỹ cho ra đời những tác phẩm mới đáp ứng những ham muốn, khuynh hướng nghệ thuật đa dạng phức tạp. Điều ấy khiến việc tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật là điều vô cùng bức thiết với những nghệ sỹ. Thật khó khăn khi tạo ra một tác phẩm mới lay động được người nghe, người xem trên một vùng sáng tạo đã được khai thác, chà đi sát lại bởi cả triệu người trong mấy ngàn năm lịch sử của nghệ thuật.
Tuy vậy ngôn ngữ, trang phục, nội dung và các hình thức biểu đạt trong các tác phẩm của nghệ sỹ dù sáng tạo bay bổng như cánh diều cũng cần phải được giới hạn, cột giữ bởi sợi dây đạo đức, luân lý, pháp luật. Không một xã hội nào, thời đại nào có thể chấp nhận một tác phẩm phỉ báng, đi ngược lại tiêu chuẩn chung của cộng đồng nơi mà người nghệ sỹ đó sinh tồn.
Mặt khác, hiện nay các khái niệm như "thuần phong mỹ tục" chưa được hoạt động lập pháp quy định cụ thể, chi tiết khiến cho không gian sáng tạo của nghệ sỹ phần nào bị giới hạn. Có không ít sự dè chứng, nghi ngại của người làm công tác nghệ thuật trước các quy định pháp luật chung chung, đa nghĩa của pháp luật.
Do vậy điều cần thiết là hoạt động lập pháp cần nêu rõ các định nghĩa, khái niệm hành vi vi phạm trong hoạt động nghệ thuật để người nghệ sỹ hiểu và tránh phạm phải. Trước khi có những thay đổi trong việc lập pháp thì giải pháp trước mắt là các nghệ sỹ cần tham vấn ý kiến các chuyên gia thuộc lĩnh vực mà mình có tác phẩm sáng tạo để đảm bảo nội dung ấy không vi phạm pháp luật, đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng.
Ủn "rác" lên mạng, gỡ - xin lỗi là xong?!
Trước thông tin Cục Nghệ thuật biển diễn đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT-DL xem xét, xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành các sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, Luật sư Lực đã dẫn chứng một vụ việc cụ thể để cho rằng: "Với những hành vi vi phạm đã quá rõ ràng thì cần xử lý theo luật, còn vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội thì nên cấm sóng luôn, chứ không thể để tái diễn kiểu: có lỗi rồi xin lỗi là xong".
Theo đó, một video nhạc rap mang tên "Thích Ca Mâu Chí" được lan truyền trên mạng xã hội đề cập đến Phật giáo với thái độ khiếm nhã cùng những lời lẽ tục tĩu đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.
Ca khúc Censored của Chị Cả - thí sinh King of Rap bị khán giả chỉ trích nặng nề vì nội dung bị cho là dung tục, có ca từ về quan hệ loạn luân.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận và giới chuyên môn, tối 5/10, rapper Chị Cả đã lên tiếng xin lỗi. Nam rapper cho biết sẽ xóa/ ẩn bản nhạc nói trên và liên hệ với phía TikTok để đánh dấu bản quyền đoạn âm thanh được lấy từ ca khúc Censored.
Theo Luật sư Lực không nên chỉ dừng lại ở việc có lỗi - nhận lỗi là xong mà nên áp dụng mức phạt cao nhất với nhóm rapper tác giả của "Thích Ca Mâu Chí" vì hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo" là 50 triệu đồng theo khoản 4 điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Ngoài số tiền phạt nêu trên, cơ quan có thẩm quyền xử phạt cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
"Tôi hy vọng Bộ VH-TT-DL hãy gấp rút thông qua quyết định này. Nghệ thuật là phải hay, phải đẹp. Hãy thanh lọc, không để những thứ nhạc phản cảm đó làm bẩn môi trường nghệ thuật! Những người tạo ra mấy thứ đó không xứng đáng để làm nghệ sĩ.
Cũng đã đến lúc thành lập Hội nghệ sĩ Việt Nam và có quy ước, điều lệ để sa thải ra khỏi hội những nghệ sỹ nào vi phạm đạo đức lối sống, trước khi bị pháp luật xét xử, có như vậy mới sàng lọc và bảo vệ uy tín thanh danh người nghệ sỹ chân chính dưới con mắt quần chúng hâm mộ!", Luật sư Lực bày tỏ.
Như Dân trí đã đưa tin, ca khúc Censored của Chị Cả - thí sinh King of Rap bị khán giả chỉ trích nặng nề vì nội dung bị cho là dung tục, có ca từ về quan hệ loạn luân. Bản rap Thích ca mâu Chí của Nhóm Rap Nhà Làm cũng gây phẫn nộ với người nghe…
Ngoài Censored, Thích ca mâu Chí; nhiều ca khúc được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong nước thời gian qua cũng bị phản ứng như: MV Cypher nhà làm do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. Ca khúc Mẩy thật mẩy của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ. Màn rap diss (công kích đối thủ) giữa Rhymastic và Torai9, MV Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của Phí Phương Anh có nhiều ngôn từ mạt sát, nhảm nhí, dung tục…