Hà Nam:

Rác thải "ùn tắc" ở bể trung chuyển gây ô nhiễm nghiêm trọng, dân lắc đầu ngao ngán!

(Dân trí) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, ngoài lượng rác được xử lý đốt, lượng rác tồn ứ ở các bể trung chuyển rác đang quá tải. Lượng rác phát thải ngày càng tăng, trong khi, công suất xử lý rác không kịp khiến việc ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, mỗi ngày rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào khoảng 230 – 250 tấn/ngày đêm. Lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt đạt khoảng 150 tấn/ngày đêm. Trong đó, Nhà máy xử lý rác Thanh Thủy đốt khoảng 100 tấn/ngày đêm rác của địa bàn thành phố Phủ Lý và thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục; Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đốt khoảng 50 tấn/ngày đêm rác của 8 xã huyện Duy Tiên, 3 xã huyện Kim Bảng và tiếp tục xử lý khối lượng rác tồn đọng từ năm 2016.

Rác thải ùn tắc ở bể trung chuyển gây ô nhiễm nghiêm trọng, dân lắc đầu ngao ngán! - Ảnh 1.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam rác thải sinh hoạt tại các xã sẽ được thu gom đưa ra các bể chứa rác tập trung để chờ vận chuyển về nhà máy

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam rác thải sinh hoạt tại các xã sẽ được thu gom đưa ra các bể chứa rác tập trung để chờ vận chuyển về nhà máy. Từ tháng 6/2016, khi Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Ba An gặp sự cố và ngừng thu gom rác thải sinh hoạt, các địa phương đã chủ động xử lý bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, do lượng rác thải lớn, số lượng chôn lấp hạn chế đã dẫn đến tình trạng các bể trung chuyển rác đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại khu vực nông thôn.

Tại bể trung chuyển rác tại xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm được quy hoạch tại cánh đồng của xã, nhưng lại nằm gần thôn Gừa, xã Liêm Thuận và chỉ cách điểm trường mầm non của 2 thôn Gừa và thôn Sông vài trăm mét. Rác thải sinh hoạt không được phân loại, mà vứt lẫn lộn, bừa bãi dọc dường gần bể trung chuyển, gây ô nhiễm môi trường. Những lúc thời tiết nắng nóng hay mưa ẩm, rác thải ứ đọng bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, nhiều bể trung chuyển rác thải sinh hoạt có lúc còn được đốt thủ công gây ra mùi khét, hết sức khó chịu.

Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam có văn bản hướng dẫn kỹ thuật chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, các địa phương đã thực hiện việc phân loại, chôn lấp rác hợp vệ sinh nhưng chưa triệt để, vẫn còn rác thải tồn đọng tại các bể trung chuyển. 

Rác thải ùn tắc ở bể trung chuyển gây ô nhiễm nghiêm trọng, dân lắc đầu ngao ngán! - Ảnh 2.

Do lượng rác thải lớn, số lượng chôn lấp hạn chế đã dẫn đến tình trạng các bể trung chuyển rác đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại khu vực nông thôn

 Ông Nguyễn Sỹ Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết: “Trước đây, UBND xã Liêm Thuận vẫn tổ chức thu gom để vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác Ba An, Nhưng từ năm 2016 đến nay, Nhà máy xử lý rác Ba An dừng hoạt động để khắc phục sự cố nên không được thu gom. Huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo xã tổ chức thu gom xử lý tại chỗ như vừa đốt, vừa chôn lấp. Mỗi thôn làm một hố rác để xử lý tại thôn. Tuy nhiên về lâu dài, sau khi chôn lấp vẫn gây ô nhiễm môi trường xung quanh”.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam gặp khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại các bể trung chuyển. Cụ thể, việc xử lý chôn lấp rác khá tốn kém (mỗi lần hết khoảng 15 - 20 triệu đồng, tùy theo lượng rác) trong khi nguồn kinh phí của xã có hạn. Thêm nữa, việc tìm điểm chôn lấp rác đủ diện tích, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chuyên chở rác rất khó khăn, nhiều xã không tìm được vị trí, dẫn đến rác tại các bể trung chuyển lâu ngày không được xử lý bị dồn ứ gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

 

Rác thải ùn tắc ở bể trung chuyển gây ô nhiễm nghiêm trọng, dân lắc đầu ngao ngán! - Ảnh 3.

Đoạn đường vào xã Hưng Công, huyện Bình Lục, rác thải nằm la liệt trên đường gây ô nhiễm

 

Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Nam đã cho triển khai xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác, dự kiến hoàn thành và vận hành chạy thử vào quý IV năm 2018, đi vào hoạt động ổn định vào đầu năm 2019. Cụ thể là Công ty Cổ phần môi trường Thanh Thủy đang triển khai xây dựng lò đốt số 2 với công suất thiết kế 120 tấn/ngày đêm, dự kiến đầu tháng 12/2018 sẽ đi vào hoạt động thử nghiệm, đốt ổn định công suất 100 tấn/ngày đêm, Công ty cổ phần môi trường Hà Nam cũng đang triển khai xây dựng lò đốt rác sinh hoạt với công suất thiết kế 150 tấn/ngày đêm, đốt ổn định 120 tấn/ngày đêm, dự kiến đầu tháng 10/2018 sẽ đi vào hoạt động thử nghiệm.

Ngoài ra, tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu Công ty cổ phần môi trường Hà Nam xây thêm bãi chôn lấp chứa rác khi các nhà máy có sự cố để khắc phục, không để ùn tắc rác thải. Như vậy, sau khi các nhà máy trên địa bàn tỉnh Hà Nam xây dựng xong, đi vào hoạt động ổn định thì tổng công suất xử lý rác thải đạt khoảng 370 tấn/ngày đêm, đảm bảo xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn.

Đức Văn