Ba phút cùng luật sư:

Ra tòa ly hôn, “té ngửa” biết vợ nợ tiền tỷ, chồng có phải trả cùng?

(Dân trí) - Khi ra tòa ly hôn, người chồng mới “té ngửa” khi biết vợ mắc nợ người ta đến mấy tỷ đồng. Người chồng hoang mang không biết mình có phải chịu trách nhiệm trả nợ cùng vợ hay không vì khoản nợ này vay trong thời kỳ hôn nhân.

Vướng mắc lớn nhất phát sinh sau khi ly hôn là phân chia tài sản. Tỷ lệ ly hôn ở nước ta ngày càng cao và số án tranh chấp tài sản sau khi ly hôn theo đó cũng tăng với nhiều tình tiết phức tạp. Trong đó, nợ riêng của vợ/chồng là 1 trong những trường hợp khó giải quyết nhất.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân Trí kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, sẽ tư vấn cho bạn đọc hiểu rõ về trách nhiệm liên đới của vợ/chồng đối với khoảng nợ của đối tác trong thời kỳ hôn nhân.

Vợ vay nợ thì chồng có chịu trách nhiệm phải trả hay không?

Thưa luật sư, một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Khi vợ chồng em ly hôn thì em mới được biết là vợ thiếu nợ người ta cả mấy tỷ đồng. Trong khi thu nhập của em đủ lo cho gia đình, vợ chồng cũng không kinh doanh gì? Vậy em có chịu trách nhiệm liên đới trả nợ với vợ không?”

Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện trong các trường hợp sau:

- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

- Giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24 (Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng), Điều 25 (Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh) và Điều 26 (Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng) của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp của bạn, nếu vợ bạn vay mượn tiền của người khác mà bạn không biết, không ký tên trên giấy vay nợ và người vợ cũng không chứng minh được số tiền này vay mượn để nhằm đáp ứng như cầu thiết yếu của gia đình như lo tiền học cho con, tiền sinh hoạt trong gia đình…thì đây được xác định là nợ riêng của vợ bạn. Trường hợp này bạn không có nghĩa vụ liên đới trả nợ do nó không phải là nợ chung trong thời kỳ hôn nhân.

Theo luật sư, không phải khoản nợ nào người vợ vay thì người chồng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới
Theo luật sư, không phải khoản nợ nào người vợ vay thì người chồng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới

Vậy vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ trong các trường hợp nào, thưa luật sư?

Theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1/ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2/ Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3/ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4/ Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5/ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6/ Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Còn trường hợp nào được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng, thưa luật sư?

Theo quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1/ Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2/ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 (Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ) hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 (Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình ) của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

3/ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4/ Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên – Phạm Nguyễn – Thiên Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm